Nữ anh hùng châu Á 2005

11/10/2005 20:13 GMT+7

Hằng năm, tạp chí Time đều bầu chọn ra những anh hùng thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới (năm 2004, Phạm Thị Huệ của Việt Nam có mặt trong danh sách những anh hùng này). Dưới đây là một số gương mặt tiêu biểu trong danh sách những nữ anh hùng thuộc châu Á của năm 2005 vừa được Time công bố.

Zaeema Ismail

Zaeema đang sống một cuộc đời lặng lẽ. Cô bé 14 tuổi được sinh ra và lớn lên trên đảo sa mạc Gemendhoo dường như chỉ có thể thấy trên các bộ phim hoạt hình - một đồi cát và những cây cọ giữa Ấn Độ Dương. Bốn trăm con người ở đó sống qua ngày bằng cá, dừa và nước mưa, như thể chia thế giới ra làm hai là Gemendhoo và những vùng đất to lớn khuất sau chân trời mà họ chưa từng thấy được. Lên phía Tây là châu Phi, xuống Nam là Antartica và cách Indonesia 3.000km.

Nhưng khoảng cách xa vậy cũng không thể bảo vệ Gemendhoo thoát khỏi cơn sóng thần. Sự giận dữ của nó không chỉ trút xuống Aceh, một phần Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ mà ngọn sóng còn tàn phá hòn đảo, thuộc quần đảo Maldives. Zaeema kể rằng cô đang ở nhà người bà để quét dọn thì nghe tiếng nước ầm ầm. Cô chạy về nhà mình và điều Zaeema thấy trước tiên là ngọn sóng đầu vươn cao, ập xuống bờ biển và cuốn sạch những gì ở đó - nhà cửa, dân chúng, xe cộ - ra biển cả cây số. Trong cái hào sau nhà, Zaeema tóm nhanh cậu em Mohammed 2 tuổi, còn mẹ cô thì túm chặt hai đứa con nữa. Khi nước rút xuống, họ nhìn thấy người bà 64 tuổi nằm úp mặt xuống đất.

Mohamed Naeem, nhân viên UNICEF kể rằng tai họa trên khiến mẹ và các em Zaeema trở nên câm lặng: "Người cha đi đánh cá chưa về, và điều đó dường như quá sức chịu đựng của họ". Zaeema chưa biết đến từ "chấn thương tinh thần" nhưng những gì cô bé vừa thấy là một bóng ma vô hình làm tan nát gia đình cô. Mọi người trong nhà không hé môi nửa lời. Với hy vọng có thể tìm được bác sĩ chữa cho người thân, Zaeema ghi lại tỉ mỉ cô bé thấy đứa em trai la hét khi gặp ác mộng trong đêm thế nào, mẹ cô không nói chuyện và không ăn uống ra sao và bản thân Zaeema cùng em gái thức giấc toát mồ hôi khi nghe gió rít qua hàng cây.

Tháng hai, Zaeema tham gia lớp học để biết cách sóng thần hình thành và những hành vi của người thân chỉ là thông thường khi gặp bi kịch. Cô bé cố gắng áp dụng những phương pháp trị liệu cho tổn thương tinh thần với các thành viên trong nhà, và dần dần kéo họ lại gần nhau bằng sinh hoạt thường ngày như nấu ăn, giặt giũ. Zaeema khuyến khích mẹ và các em bàn luận về thời tiết và phải mất một thời gian dài, cả gia đình mới lại đến gần bờ biển. Nỗ lực của Zaeema đã mang đến cho mẹ cô sự ngon miệng trở lại, các em ngủ ngon giấc và căn nhà của họ lại rộn tiếng cười.

Chuyên gia về chấn thương tinh thần của UNICEF, Reina Michaelson, cho biết với văn hóa thủ cựu của Maldives thì việc một cô bé đảm đương chăm sóc hết cả gia đình là điều hiếm thấy. Cô bé đã cứu được những người thương yêu khỏi sự tuyệt vọng, giúp họ tìm lại được sự ổn định tinh thần.

Sangduen "Lek" Chailert

Sangduen "Lek" Chailert học được sự yêu thương từ ông mình, một pháp sư vùng đông bắc Thái Lan, đã nhận một con voi do người khác trả ơn vì cứu mạng. Chailert lớn lên cùng với con voi đó, xem nó như một thành viên trong gia đình. Hơn thế, Chailert học được từ những con voi cái sự sẵn lòng yêu thương đứa con không phải do mình đẻ ra và bảo vệ chúng tối đa. Mặc dù Chailert có biệt danh "Lek", nghĩa là "nhỏ bé" nhưng cô hiện đang điều hành hai trung tâm chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho thú vật lớn nhất nhì châu Á: Elephant Nature Park và Elephant Haven, đều đặt tại phía bắc Chiang Mai. Tại Nature Park, cô và những quản tượng, bác sĩ thú y, vài tình nguyện viên chăm sóc những chú voi bị chủ ngược đãi. Sau khi chúng bình phục, Chailert chuyển chúng đến Haven, một khu nghỉ dưỡng rộng 800 hecta. Hiện nay đã có 25 con voi sống trong rừng ở Haven.
Mặc dù trong văn hóa Thái voi rất được coi trọng, nhưng thực tế con số 100.000 con cách đây một thế kỷ thì nay chỉ còn khoảng 2.500 - 5.000 con. Không những thế, môi trường sống của voi còn bị phá hủy nặng nề. Chailert chủ yếu nhận chăm những con voi bị mù, bị bắn, đánh đập, thương tật hay bị điếc vì tai nạn. Với các chủ cũ, chúng chỉ là công cụ lao động; nhưng với Chailert, mỗi con voi như một cá nhân với tên riêng - Hy Vọng, Cậu Bé Rừng Xanh, Tự Do... và có những tính cách độc đáo như con người.

Tuy vậy, hành động nhân từ của Chailert đang gặp nguy hiểm. Cô và các nhân viên bị nhiều tổ chức công viên thú kém nhân đạo đe dọa, quấy rối. Nhiều gã mang mặt nạ hù dọa cô trên đường đi, còn báo chí địa phương gọi cô là kẻ phản bội vì dám công khai hoàn cảnh khó khăn của voi. Nhưng Chailert không sợ: "Nhìn vào mắt những chú voi, tôi thấy rõ sự sợ hãi. Phải có người đứng ra bảo vệ chúng".

Sania Mirza

Với nhiều người ở quê nhà của Sania Mirza, thành phố Hồi giáo Hyderabad phía nam Ấn Độ thì ý nghĩ một ngôi sao thể thao không phải là nam giới là chuyện "ngoài sức tưởng tượng". Nên với cô gái 18 tuổi theo đạo Hồi này, thành công vang dội khắp thế giới môn tennis là chấn động cho họ. Tài năng của Mirza ở nhiều giải toàn cầu làm họ quên đi lối ăn mặc với một đứa con gái trên sân đấu của cô. Sau giải Mỹ mở rộng, làn sóng hâm mộ Sania Mirza đã tràn khắp Ấn Độ. Poster của cô bán chạy còn hơn của các ngôi sao điện ảnh Bollywood. Mirza xuất hiện nhiều trên truyền hình, MTV và vừa qua, cô được hãng xe Hyundai chọn làm đại sứ cho kiểu Getz mới nhất. Với vẻ nghịch ngợm của tuổi trẻ, Mirza tuyên bố: "Những phụ nữ được giáo dục tốt theo lối suy nghĩ thiển cận hiếm khi làm nên lịch sử" và câu nói trên đã biến cô thành biểu tượng cho sự độc lập của phụ nữ Ấn Độ.

Có thể Mirza đã không đến với môn tennis vì cha cô thường chơi cricket hơn. Những ngày theo cha đến trường đại học để ngồi xem ông chơi, Mirza thường đi loanh quanh tham quan và dừng chân ở sân tennis. Cô bé 6 tuổi đã nói với cha rằng mình thích tennis hơn. Sau một số trận đấu địa phương trong vài năm, Mirza và cha cô, Imran, có cái nhìn nghiêm túc hơn về tennis và luyện chơi khi rảnh. Lên 15, Mirza đoạt huy chương đồng đôi nam nữ cùng đồng hương Leander Paes tại Asian Games diễn ra ở Hàn Quốc. Năm sau đó, cô thắng giải đôi nữ tại Wimbledon cùng với Alisa Kelybanova của Nga.

Nhưng sự nghiệp đấu đơn của Mirza mới thật sự cất cánh 12 tháng nay. Một loạt thành công mới đã đẩy cô từ hạng 326 lên hạng 37 của thế giới, có nghĩa là Sania Mirza tiến triển nhanh hơn và xa hơn bất cứ tay chơi nào trong năm nay, dù là nam hay nữ. Kim Clijsters, một người thắng cuộc tại giải Mỹ mở rộng cho rằng tài năng của Sania Mirza thật không tưởng tượng nổi và sẽ nhanh chóng đẩy lùi các tay vợt nữ hàng đầu thế giới.

Li Yuchun

Cô gái 21 tuổi này đang là tâm điểm của truyền hình và báo chí, dù cô không phải là vũ công hay ca sĩ xuất chúng. Li Yuchun, tên cô gái, là gương mặt yêu thích của hàng trăm triệu khán giả Trung Quốc. Tháng 8 vừa qua, Li đã thắng tại cuộc thi hát tương tự như American Idol do kênh giải trí tỉnh Hunan sản xuất. Chương trình thu hút lượng khán giả nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Trung Quốc và ở vòng chung kết, con số đó là 400 triệu người.

Hiện tượng Li Yuchun bắt đầu không phải từ giọng hát của cô, vì như nhiều người hâm mộ thừa nhận: nó còn khá yếu. Về nhảy múa, Li cũng không giỏi. Nhưng cái cô có chính là thái độ, chất sáng tạo và vẻ vừa nam vừa nữ, gạt cả quy phạm của Trung Hoa. Trong 150.000 thí sinh tham gia để chọn ra 15 người, chỉ có Li mặc quần jeans rộng lùng thùng, sơ-mi đen cài nút tận phía dưới, không trang điểm, còn tóc thì như của nam danh ca David Bowie. Cô dự thi với bài In My Heart There's Only You Never Her, ca khúc từng nổi tiếng qua giọng nam Liu Wenzheng của Đài Loan. Có 8 triệu tin nhắn bầu chọn Li trong đêm chung kết.

Được xem là biểu tượng mới của phụ nữ Trung Quốc, Li Yuchun hiện chuẩn bị cùng các thí sinh đoạt giải cao khác thực hiện chuyến lưu diễn toàn quốc. Bên cạnh đó, cô còn tham gia nhiều công tác từ thiện và bán đấu giá quần áo, trang sức của mình gây quỹ. 

Nguyễn Minh
(Theo Time)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.