Mệnh lệnh từ cuộc sống

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/05/2023 04:15 GMT+7

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ khóa XIII, ngày 17.5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Ai bàn lùi, né trách nhiệm thì đứng sang một bên.

"Bàn lùi" ở đây là những người có lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí cán bộ.

Đó cũng chính là những cán bộ làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn cho bản thân, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Theo Tổng Bí thư, đây là những tư tưởng cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ.

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không chấp nhận tư tưởng bàn lùi, né tránh trách nhiệm của cán bộ, công chức không chỉ là quan điểm xuyên suốt của người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà đó còn là mệnh lệnh từ cuộc sống.

Bởi lẽ, thực tế cho thấy tình trạng làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn cho bản thân, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đang tạo ra những cản trở cho sự phát triển chung. Thủ tướng hồi cuối tháng 4 vừa qua đã phải ban hành công điện chấn chỉnh tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác… gây ách tắc công việc, giảm niềm tin của nhân dân.

Thực tế, dù muốn dù không tâm lý "thà ngồi trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" như một thứ vi rút đang âm thầm lây lan trong một bộ phận không nhỏ cán bộ. Quá nhiều những "vùng xám", chồng chéo, và cả những thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ vào nỗi thấp thỏm "đi trên dây" giữa lằn ranh đúng - sai; "qua đúng, nay sai, ngày mai lại thành đúng". Nhiều văn bản xin ý kiến những việc được cho thuộc thẩm quyền thực tế là vì chính các cơ quan, đơn vị xin ý kiến cũng băn khoăn thẩm quyền mình đấy nhưng không dám chắc đúng hay sai. Trong khi, nhiều văn bản trả lời chỉ là cứ " theo quy định của pháp luật", nhưng pháp luật nào thì không ai nói rõ.

Nhiều cán bộ lão thành từng chia sẻ chống tham nhũng để đẩy lùi thoái hóa, biến chất, nhưng cũng phải kích thích sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ. Bộ Chính trị đã có kết luận từ cuối năm 2021, Chính phủ cũng đang dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Nhưng quan trọng hơn, để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bên cạnh cơ chế, quy định, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở người đứng đầu.

Để có cán bộ dám nghĩ, dám làm thì không cần những lãnh đạo ký văn bản xin ý kiến cấp trên mà cần những lãnh đạo sẵn sàng nói với cán bộ dưới quyền: "Cứ làm, miễn là không tư túi nếu có đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi" như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.