Nam Định: Dân kêu cứu vì bị nhóm người lạ đe dọa, hành hung

Cù Hiền
Cù Hiền
20/05/2024 18:23 GMT+7

Người dân ở xã Giao Hương (H.Giao Thủy, Nam Định) phản ánh, thời gian qua, xuất hiện nhóm đối tượng lạ mặt đến đe dọa, thậm chí hành hung khi người dân xuống khu vực đất đầm tự nhiên đánh bắt cáy, cá, tôm.

Người dân phản ánh 'cứ xuống đầm là bị đe dọa, hành hung'

Kêu cứu đến Báo Thanh Niên, ông Ngô Công Đoạt (75 tuổi, xóm Thanh Nam, xã Giao Hương) bức xúc nói: "Khoảng 22 giờ một tối cuối tháng 4, con rể tôi là Cao Văn Chiểu đi bắt cáy tại khu đất bãi bồi ven sông Hồng (đất đầm - PV, thuộc địa bàn xã Giao Hương, H.Giao Thủy, Nam Định) thì bất ngờ bị 2 người đàn ông lạ mặt hành hung. Ngay khi xảy ra sự việc, tôi đã gọi điện thoại trình báo ông Vũ Tiến Triển, Phó trưởng Công an xã Giao Hương. Ông Triển cho biết đã tiếp nhận thông tin, sẽ bố trí xử lý ngay".

Hơn 100 ha đất đầm tại xã Giao Hương (H.Giao Thủy, Nam Định) đang bị nhiều đối tượng lạ mặt tự ý chiếm giữ, không cho người dân đánh bắt

Hơn 100 ha đất đầm tại xã Giao Hương (H.Giao Thủy, Nam Định) đang bị nhiều đối tượng lạ mặt tự ý chiếm giữ, không cho người dân đánh bắt

CÙ HIỀN

Theo ông Đoạt, chờ 20 phút sau vẫn không thấy công an xã xuất hiện nên ông đã gọi liên tiếp 5 cuộc nữa nhưng vị này không nghe máy. Đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau, bố con ông đến trụ sở công an xã trình báo. Một công an viên nói: "Sự việc đã rồi, họ xin rút kinh nghiệm". Người này cũng hướng dẫn ông Đoạt đưa con rể khám sức khỏe tại trạm xá. Tuy nhiên, trạm y tế từ chối thực hiện vì lý do chưa làm việc này bao giờ.

Ông Đoạt nói rằng, thái độ của cán bộ như nêu trên khiến bố con ông không còn tin tưởng. Hơn nữa, kẻ gây án đã trốn thoát nên ông không truy cứu thêm. Sự việc từ đó rơi vào im lặng, công an không hỏi han, chính quyền xã không nhắc tới…

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, không chỉ vụ việc của bố con ông Đoạt mà tại đây đã xảy ra nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, nguyên nhân liên quan đến hơn 100 ha đầm.

Về quê an cư lạc nghiệp được khoảng 3 năm trở lại đây nhưng ông Phạm Minh Đễ (56 tuổi, trú tại xóm Thanh Hà, xã Giao Hương) rất hoang mang trước tình hình an ninh phức tạp. Theo ông Đễ, bãi đầm được chính quyền cho phép người dân đánh bắt tự do. Tuy nhiên, 3 năm nay, người nào ra đầm đều sẽ bị đối tượng lạ mặt hành hung, đánh đập.

"Hơn 100 ha đầm bỏ hoang 3 năm, mỗi năm thất thoát 9 - 10 tỉ đồng, nay lại rơi vào tay một nhóm xã hội đen quản lý trong khi người dân không có kế sinh nhai. Bên cạnh đó, từ việc làm đường xã cũng kêu gọi chúng tôi góp sức. Vậy cơ quan chính quyền ở đâu khi chúng tôi bị đe dọa, hành hung?", ông Đễ bức xúc.

15 năm trước, bà Nguyễn Thị Phong (63 tuổi, trú tại thôn Thanh Nam) đấu 5 sào đầm với giá 1,9 triệu đồng/sào/15 năm để cấy lúa một vụ, vụ còn lại bà cho thuê mặt nước để đánh bắt tôm, cá.

Năm 2020, hợp đồng thuê hết hạn, chính quyền xã nói người dân được đánh bắt tự do nhưng mỗi lần bà Phong ra đầm mò con tôm, con cáy thì những người đàn ông lạ mặt xuất hiện, xúc phạm và đe dọa sẽ đánh nếu xuống đầm.

Cũng theo người dân địa phương, hơn 100 ha đầm đang được nhiều nhóm người lạ mặt chia nhau quản lý. Nếu thấy người dân từ phụ nữ hay nam thanh niên ra đầm đặt lờ, đánh lưới thì nhóm này sẽ sẵn sàng đe dọa, hành hung.

Chính quyền nói gì?

Tại buổi làm việc với PV Báo Thanh Niên, các ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chủ tịch UBND H.Giao Thủy; Nguyễn Văn Ba, Chánh văn phòng H.Giao Thủy; Nguyễn Hải Toàn, Phó trưởng phòng TN-MT H.Giao Thủy; Vũ Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Giao Hương; Vũ Tiến Triển, Phó trưởng Công an xã Giao Hương, đã tham dự.

Theo ông Vũ Ngọc Long, địa phương có khoảng hơn 100 ha đất đầm. Trước năm 2021, chính quyền cho người dân đấu thầu để sản xuất, nuôi bắt thủy hải sản và một vụ trồng lúa.

Số tiền đấu thầu người dân nộp về địa phương được công khai trong báo cáo năm. Ông Nguyễn Tiến Tùng nói đó là số tiền không nhỏ, khoảng 5 tỉ đồng.

Trước ngày 31.12.2020, hợp đồng đấu thầu hết hạn. Từ đó đến nay, UBND H.Giao Thủy giao xã Giao Hương quản lý, cho người dân canh tác tự nhiên.

Ông Long khẳng định, không có việc xã hội đen trấn áp người dân. Lý giải vì sao sự việc con rể ông Đoạt bị hành hung chính quyền không vào cuộc, ông Long cho biết, mấy ngày hôm sau  ông mới nắm bắt được sự việc vì không thấy ai báo cáo. 

Tại buổi làm việc với Báo Thanh Niên, ông Vũ Tiến Triển, Phó trưởng Công an xã Giao Hương, xác nhận: "Chúng tôi có tiếp nhận vụ việc con rể ông Đoạt bị hành hung. Tuy nhiên, đêm hôm đó, trên địa bàn xảy ra vụ đuối nước nên chúng tôi phải tập trung phối hợp các đơn vị để xử lý. Do vậy, lực lượng công an xã không thể đáp ứng giải quyết vụ việc của gia đình ông Đoạt".

Mặc dù con rể bị đánh, đã trình báo qua điện thoại nhưng lực lượng công an vẫn không có mặt nên đêm muộn ông Đoạt phải đưa bị hại đến trình báo trực tiếp nhưng công an xã chỉ xin "rút kinh nghiệm", hướng dẫn đưa người nhà đi khám sức khỏe và hướng dẫn làm đơn. 

Sự việc sau đó một lần nữa lại rơi vào im lặng, công an không xử lý vì: "Tôi không thấy gia đình ông Đoạt gửi đơn", ông Triển nêu lý do.

Ngay tại cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực UBND H.Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng đã chấn chỉnh, đề nghị Phó trưởng Công an xã Giao Hương rút kinh nghiệm, phải nhanh chóng vào cuộc, giải quyết kịp thời và triệt để vấn đề mất an ninh trật tự trên địa bàn; tránh xảy ra những sự vụ tương tự.

Đất đầm đã được quy hoạch, đang chờ nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Hải Toàn, Phó trưởng phòng TN-MT H.Giao Thủy, cho biết theo điều 59 luật Đất đai năm 2013, qua xem xét, hơn 100 ha đầm là đất bãi bồi ven sông, không phải đất công ích nên chủ tịch UBND xã không có thẩm quyền cho thuê. 

Căn cứ điều kiện tự nhiên, H.Giao Thủy đã rà soát và lập quy hoạch, được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch chuyển diện tích này thành đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, đất nông nghiệp khác… Hiện khu đất này đang chờ các nhà đầu tư.

"Địa phương không muốn sử dụng đất manh mún, làm mất giá trị của đất nên đã có phương án quy hoạch rất bài bản để nâng giá trị của khu đất này", ông Nguyễn Tiến Tùng giải thích thêm.

Cũng theo ông Tùng, huyện đang rà soát toàn bộ quỹ đất còn thừa, sau đó sẽ đưa ra phương án phù hợp và trình cấp trên. Nếu thấy việc quy hoạch khu đất đầm không hợp lý sẽ đề xuất phương án điều chỉnh để tránh lãng phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.