Quốc hội cho ý kiến lần cuối vào dự thảo Luật Nhà ở: Tạo thuận lợi tối đa cho dân

24/10/2005 23:35 GMT+7

Mua căn hộ chung cư được xây dựng trên đất mà chủ đầu tư thuê của Nhà nước cũng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất chung với điều kiện trước khi bán căn hộ, chủ đầu tư phải nộp đủ tiền thuê đất để khẳng định đất đó được sử dụng lâu dài", Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu đã khẳng định điều này để giải tỏa thắc mắc của nhiều đại biểu QH khi thảo luận về Luật Nhà ở hôm qua 24.10.

 

Chỉ cấp chung một loại "giấy" tại một cơ quan!

 

Đa số các đại biểu (ĐB) chấp nhận thuyết trình của Ủy ban Thường vụ QH về việc sẽ cấp chung giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (QSHN) và quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong trường hợp chủ sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu nhà và sẽ chỉ cấp giấy chứng nhận QSHN trong trường hợp chủ sở hữu nhà không phải là chủ sử dụng đất (nhà xây dựng trên đất mượn, thuê...). Tuy nhiên, các ĐB cũng tỏ ra lo lắng về trình tự, thủ tục vì rằng dự thảo luật quy định không rõ ràng về vấn đề này. ĐB Dương Thu Hương (Hà Nam) phát hiện: "Dự thảo nói thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSHN là cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh (đối với tổ chức) và cơ quan quản lý nhà cấp huyện (đối với cá nhân). Tôi không hiểu cơ quan này là cơ quan nào? Theo Luật Đất đai thì để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ phải đến cơ quan tài nguyên - môi trường còn theo Luật Nhà ở thì tôi phải đến sở xây dựng à? Như vậy rõ ràng tôi phải đến hai nơi, quá là phiền phức". Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu quả quyết: "Tinh thần của Ủy ban Thường vụ QH là tạo thuận lợi nhất cho người dân. Người dân sẽ chỉ phải đến một cơ quan để xin cấp một loại giấy". Ông Yểu giải thích: "Nếu người dân xin cấp đồng thời giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ thì cơ quan Nhà nước chỉ cấp chung một giấy; nếu chỉ xin cấp chứng nhận sở hữu nhà trên đất mượn, đất thuê thì cũng chỉ cấp sở hữu nhà, trong giấy đó cũng phải ghi rõ là đất thuê hoặc mượn trong bao nhiêu năm?". Nhưng Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cũng không khẳng định cơ quan cấp một giấy chung mà người dân phải đến giao dịch khi luật này có hiệu lực là cơ quan nào. Điều này có lẽ vẫn phải đợi Luật Đăng ký bất động sản sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu năm sau.

 

Chủ đầu tư phải bồi thường nếu chậm bàn giao nhà?

 

Phương thức mua bán và giá nhà thương mại cũng là một vấn đề khác được các ĐB quan tâm. Theo dự thảo, chủ đầu tư được phép huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua nhà tối đa không được vượt quá 70% giá trị hợp đồng trước khi bàn giao nhà và chỉ được phép huy động khi đã có thiết kế nhà được phê duyệt. Rất nhiều ĐB đề nghị phải bổ sung điều khoản quy định chủ đầu tư phải bồi thường và khắc phục hậu quả trong trường hợp đã huy động vốn ứng trước nhưng lại kéo dài thời gian xây dựng so với dự án đã được duyệt. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng hợp đồng mua bán nhà là một loại giao dịch dân sự, mọi thỏa thuận về giá cả, số tiền ứng trước cũng như phương thức bồi thường là do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, không cần quy định trong luật. ĐB Trần Văn Kiệt (Long An) vẫn tiếp tục không đồng ý với giải thích này. Theo ông Kiệt: "Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà thương mại theo khung giá của Nhà nước là hợp lý nhưng sẽ là rất vô lý nếu như lại quy định "Nhà nước không can thiệp vào giá bán nhà" (điều 39 dự thảo). Ông Kiệt cảnh báo: "Để nhà thầu bán nhà theo giá thỏa thuận, nếu không khéo luật lại là hành lang pháp lý để cho một số đối tượng có cơ hội thu lợi cá nhân". Nhiều ĐB đề nghị phải có những quy định thật cụ thể về phương thức hình thành giá nhà thương mại, cách thức mua bán và cả những ràng buộc về trách nhiệm của người mua và người bán nhà trong thị trường.

 

 

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng: Thành lập hay... thôi ?

 

Chiều 24.10, QH đã nghe ông Vũ Đức Khiển - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đọc báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Tính đến ngày 27.9, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được 489 bản đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, công dân.

 

Trong phần thảo luận, ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) góp ý về quy định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng: "Thứ nhất, thành lập ban chỉ đạo nhưng các thành viên chỉ là kiêm nhiệm thì khó lòng việc thực thi có kết quả được vì anh nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ chính của anh ấy trước, còn kiêm nhiệm là chỉ làm thêm thôi. Thứ hai, ban chỉ đạo này cũng đã được thành lập rồi nhưng hoạt động không có hiệu quả nay thành lập lại một lần nữa thì có nên hay không ? Theo tôi, nếu chưa tìm ra một cách thức nào hay hơn thì cứ để nguyên như hiện nay còn tốt hơn". Tuy nhiên, ông Đức nêu ra ý kiến: "Tôi đề nghị cần có một cơ quan chuyên trách về điều tra phòng, chống tham nhũng để giúp Bộ Chính trị, Thường vụ QH. Cơ quan này cũng cần được trao đủ quyền để thực thi trách nhiệm của mình". ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đưa ra kiến nghị: "Phải có chính sách riêng để khen thưởng cho những người có nhiều thành tích trong việc tố giác và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các quy định về trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền cần được quy định chi tiết và cụ thể hơn"...

 

Hôm nay 25.10, QH tiếp tục thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng và sẽ nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Hoàng Ly

 

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.