Văn hóa nghĩa trang: Muôn hình vạn trạng

09/01/2006 09:23 GMT+7

Tình trạng xây lăng mộ tự phát, chạy đua về quy mô, kiểu cách đang gây bức xúc ở nhiều địa phương. Đã đến lúc, cần có quy định mới cho hoạt động này nhằm lập lại trật tự trong quản lý đất đai nghĩa trang và tránh đua đòi, lãng phí, tiêu cực trong xây dựng nghĩa trang nhân dân (NTND)...

Những "lăng tẩm" của thường dân

Trong khi ở thành phố có xu hướng đơn giản hóa việc an táng như tập trung mộ phần tại NTND theo quy hoạch và quy định chung về diện tích, kiểu dáng kiến trúc... hoặc để giản tiện hơn cho việc thờ cúng, nhiều người chọn hình thức hỏa táng, thì ở nhiều vùng nông thôn đang có phong trào đua nhau xây lăng mộ đồ sộ, đã gây nên tình trạng chiếm dụng hoặc mua bán đất công để xây mồ mả rất lộn xộn.

Một trong những địa phương "nổi" nhất trong việc xây cất lăng mộ là Thừa Thiên - Huế. Năm 1992, ở xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) có hộ bỏ ra gần 200 triệu đồng để xây một lăng mộ rộng gần 100m2. Nhưng "kỷ lục" đó luôn bị phá, bởi càng về sau, quy mô và tiền đầu tư xây lặng mộ ở khu vực này ngày càng lớn. Gần đây, có hộ ở xã Vinh An đã bỏ ra 30.000USD để xây khu lăng mộ rộng gần 600m2.

Tình trạng này đã diễn ra ở khắp nơi. Tại các xã vùng biển, tình hình có vẻ nặng nề hơn. Về vùng nông thôn trước đây nổi tiếng là nghèo khó này, nhiều người quá ngạc nhiên khi đứng trước những NTND mà như đang ở vào khu lăng tẩm vua chúa.

Có câu chuyện gây cười là không ít khách du lịch phương Tây khi tới vùng đất nói trên lại cứ nhầm đã vào thăm lăng tẩm trong... quần thể di tích cố đô Huế. Có nơi hàng trăm lăng mộ xây "hoành tráng", kiến trúc đồ sộ cầu kỳ theo đủ phong cách Á, u. Tại các xã Vinh Mỹ, Vinh An, Phú Hải... những "thành phố người âm" lộng lẫy hơn cả phố phường, trong khi địa phương vẫn còn nhiều người nghèo phải sống bằng trợ cấp.

Lễ nghĩa kiểu... chạy đua

Sự xa hoa lãng phí bắt nguồn từ số hộ có người vượt biên sang các nước, có tiền chuyển về "đầu tư" vào âm phần. Phần lớn người xây cất lăng mộ đồ sộ là người kinh doanh hoặc có thân nhân giàu có và không ít là của các vị chức sắc nhà nước có nhiều tiền. "Con gà tức nhau tiếng gáy", vậy là người không giàu có, thậm chí gia đình khó khăn cũng vay mượn xây lăng, đắp mộ cho người âm "mát mặt", rồi nai lưng trả nợ.

Cái đạo hiếu đang bị biến tướng như vậy khiến dư luận xã hội không thể đồng tình. Khái niệm "mồ yên mả đẹp" đang bị lạm dụng thành ra bóp méo cả một mỹ tục và thuần phong thờ cúng cha mẹ ông bà tổ tiên có từ xa xưa.

Dân xã Vinh An vẫn còn nhắc chuyện ông Hữu sau khi xây ngôi mộ mấy chục triệu đồng bỗng đùng đùng phá đi, gọi điện cho người nhà ở nước ngoài gửi tiền về, xây lại. Lý do là chưa bằng mộ nhà khác. Cả vùng biển Thừa Thiên - Huế bị cơn lốc lăng mộ ập vào khiến đất đai ngày một hiếm.

Vấn đề "nặng" đến mức, tại kỳ họp HĐND tỉnh, đã được nhắc đến như một hiện tượng xã hội không bình thường bởi khoảng mươi năm trở lại đây, trong tỉnh đã có hàng vạn ngôi mộ được xây quy mô lớn. Người ta còn chiếm đất xây lăng cho người đang sống với số đất hàng nghìn hécta và dành tiền đầu tư hàng trăm tỉ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng trên còn do chính quyền các cấp buông lỏng quản lý, quy hoạch đất nghĩa trang khiến dân tự do mua bán, chiếm dụng đất, xây cất tùy tiện không theo quy định của Nhà nước.

Theo ông Đoàn Nhuận - Phó Ban pháp chế HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong số 7731ha đất nghĩa trang, chỉ khoảng 1/7 được quy hoạch. Nhiều xã có diện tích đất nghĩa địa nhiều hơn đất ở, đất canh tác. Đặc biệt ở xã Vinh Mỹ chỉ có 157,6ha đất canh tác và 47,2ha đất ở, trong khi đất nghĩa địa chiếm tới... 285ha! Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh đang giao cho các cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh tình hình nhằm quản lý quy hoạch tình trạng xây cất lăng mộ tự phát.

Cần có quy định thống nhất

Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị trong chuyến công tác thực tế gần đây đã phải nói rằng, tình hình quản lý quy hoạch NTND hiện còn tùy tiện và lộn xộn, rất cần được chấn chỉnh. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa, nơi đó có nền nếp và chặt chẽ trong xây dựng nếp sống văn minh. Việc xây mồ mả cũng được dân bàn và đưa vào hương ước để cùng nhau thực hiện.

Đã đến lúc cần có quy định mới về công tác quy hoạch - quản lý NTND phù hợp Luật Đất đai và Luật Xây dựng mới, gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa, làng bản văn hóa...

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.