1.001 chuyện về ngày Tình nhân

13/02/2006 23:26 GMT+7

Những thỏi sô-cô-la ngọt ngào, những bông hồng đỏ thắm, những món quà thân thương và những nụ hôn nồng nàn, "tín đồ" của thần Tình yêu trên khắp thế giới đang chào đón ngày 14.2 huyền diệu, ngày của khát vọng yêu đương ngập tràn. * Valentine ở xứ sở mờ sương * Bí kíp của các"thợ cưa"... * Độc đáo hàng Valentine

Bắt đầu từ châu u, lễ Tình nhân (Valentine's Day) đã du nhập vào đời sống của người châu Mỹ và sau đó đến với dân châu Á, vốn có truyền thống kín đáo trong chuyện yêu đương. Ngày nay, Valentine được coi là ngày lễ của những người đang yêu trên khắp trái đất. Cách thức chào đón ngày lễ này cũng muôn màu muôn vẻ như chính bản thân tình yêu vậy và trên thế giới, ngoài dịp 14.2, nhiều dân tộc còn có ngày tôn vinh tình yêu của riêng mình.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày 14.2 là dịp nữ giới tặng sô-cô-la cho người đàn ông mà họ thích. Gần đây, việc làm này mất dần tính tự nguyện. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là người làm việc trong văn phòng, gần như phải tặng sô-cô-la cho tất cả đồng nghiệp nam giới, đôi khi tiền mua ngốn hết vài tháng lương. Tại Nhật Bản, sô-cô-la tặng trong dịp này là giri-choco, loại biểu hiện sự xã giao, khác với honmei-choco chỉ dùng để tặng người yêu hoặc người có quan hệ đặc biệt. Đúng một tháng sau Valentine, người Nhật Bản có ngày Trắng (White Day), là dịp để cánh mày râu "trả lễ" những người đã tặng sô-cô-la cho mình vào ngày 14.2. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều chàng trai chỉ tặng quà cho bạn gái của mình mà thôi. Quà tặng dịp này là sô-cô-la sữa và đôi khi có cả đồ lót. Trong văn hóa của người Triều Tiên còn có một ngày rất độc đáo, đó là ngày Đen 14.4. Vào dịp này, những quý ông có số phận hẩm hiu, không nhận được quà trong ngày Valentine, sẽ tập trung lại để húp món mì sợi nước sốt đen với quyết tâm "tiêu hóa" hết những đen đủi. Ngày 7.7 (âm lịch) hằng năm được coi là lễ Tình nhân trong văn hóa Trung Hoa, gắn liền với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ. Người Brazil có một phiên bản khác của Valentine, ngày Phải lòng (12.6). Đây là dịp các cặp vợ chồng, tình nhân tặng nhau sô-cô-la, đồ lót, hoa và những món quà đầy cảm xúc khác. Sở dĩ người ta chọn ngày 12.6 làm ngày Phải lòng vì sau đó một ngày là lễ thánh Anthony, vị thần của hôn nhân, gia đình. Trong lễ Anthony, phụ nữ độc thân thường thực hiện nhiều nghi lễ với hy vọng kiếm được một tấm chồng hoặc ít ra là một người bạn trai.

Cùng với sự đổi thay của xã hội, cách thức mà người ta đón ngày Valentine cũng thay đổi nhiều. Vài năm trở lại đây, phụ nữ Nhật Bản, thay vì mua sô-cô-la tặng cánh mày râu, có xu hướng "tự thưởng" cho mình những hộp sô-cô-la đắt tiền, có khi lên tới 200 USD/hộp. Tại Anh, tin nhắn qua điện thoại di động đang dần lấn át việc gửi thiệp trong dịp Valentine. Tuy nhiên, hiện đại thì cũng "hại điện"! Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân xứ sương mù hay gửi nhầm tin nhắn trong ngày Tình nhân: 9% người gửi nhầm "thông điệp yêu đương" tới sếp hoặc đồng nghiệp, 3% gửi lời tán tỉnh tới cha mẹ. Nghiêm trọng hơn, có 2% gửi tin nhắn nhầm cho người yêu cũ hoặc vợ/chồng cũ!...

Gác qua một bên chuyện yêu đương, các bác sĩ thú y tại thành phố San Diego của Mỹ cảnh báo Valentine có thể là ngày nguy hiểm đối với thú cưng. Mùi vị sô-cô-la quá nồng nặc, hương hoa quá đậm đặc có thể khiến mèo, chó nuôi trong nhà bị say, nôn mửa, thậm chí có thể chết. Tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, phong trào phụ nữ Hồi giáo ly khai Dukhtaran-e-Millat cho biết sẽ ngăn chặn hoạt động chào mừng lễ Tình nhân "vì đó là ngày mà sự suy đồi đạo đức lan tỏa trong giới trẻ". Một điều đáng lưu ý nữa, lễ Tình nhân có thể ngọt ngào với người đang yêu nhưng với máy vi tính, đó có thể là một trong những ngày cay đắng nhất. Theo cảnh báo của các chuyên gia, nhiều vi-rút mới đang chực chờ tấn công hệ thống máy tính toàn cầu vào dịp này. (UPI, AFP, Reuters)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.