Nghề "làm duyên" cho ca sĩ

25/03/2006 16:21 GMT+7

Họ là những vũ công xuất hiện hằng đêm trên các sân khấu lớn nhỏ. Cùng với vẻ xinh xắn của ca sĩ, họ làm cho khán giả no nê, mãn nhãn sau mỗi chương trình. Thời mà đa số khán giả không còn đi "nghe" nhạc mà chuyển sang "xem" nhạc, họ có đất sống hơn. Nhưng cũng đứng dưới ánh đèn màu, nhận những tràng pháo tay của khán giả mà mấy ai được biết đến?

Nhọc nhằn sự... nhảy

Trưa nắng gắt. Không khí ngột ngạt. Chiếc quạt gió chạy hết công suất. Khán phòng Cung văn hóa Lao động đẫm ướt những giọt mồ hôi của diễn viên vũ đoàn Hoàng Thông. "Nào! Chúng ta tập lại lần cuối bài hát của ca sĩ Quang Hà". Dứt lời, trưởng nhóm kiêm biên đạo Lương Anh Tuấn đứng ngay vào đội hình cùng tập chung với các thành viên. Từng động tác của vai, lưng, bụng, hông, chân, tay uyển chuyển theo nhịp nhạc. Diễn viên cùng hòa quyện vào giai điệu vừa múa vừa hát theo. Suốt 2 giờ tập giữa trưa, mọi người đều mệt nhoài nhưng phải vội vàng thu xếp đồ đạc để sang Nhà hát Bến Thành diễn phúc khảo một chương trình ca nhạc.

Cùng thời điểm đó, tại Trung tâm ca múa nhạc thuộc Sở VHTT trên đường Hai Bà Trưng, nhóm múa ABC cũng đang tập luyện. Giữa trưa nóng nực, oi bức, các vũ công nam mình trần trùng trục, vũ công nữ mặc áo T-shirt tập đi tập lại những vũ điệu mới nhất. Hiện vũ đoàn ABC thuộc Công ty ABC Entertainment do Ngọc Hiền quản lý và Ngọc Cường phụ trách phần biên đạo. Nhóm có tất cả 30 diễn viên và đảm nhiệm mọi thể loại nhạc từ ballet, dân gian đến hiện đại, hip hop... Cường cho biết, trung bình mỗi ngày nhóm phải tập ít nhất là 3 giờ. Hôm nào có show thì trưa tập đến chiều rồi vào sân khấu diễn luôn. Nhọc nhằn là thế, nhưng cả Tuấn và Cường đều thổ lộ mức cát-sê cho vũ công rất thấp. Nếu diễn ở các phòng trà, bar, tụ điểm ca nhạc thù lao chỉ khoảng 40.000đ/bài cho mỗi người. Hôm nào nhận show diễn cho các chương trình lớn, cát-sê có nhích lên tí xíu, khoảng 100.000đ/bài. Tuy nhận thù lao thấp nhưng các thành viên còn phải góp lại 10% thu nhập để cùng trang trải chi phí may trang phục biểu diễn. Một bộ trang phục thường chỉ biểu diễn khoảng 5-10 lần là phải bỏ. Ngoài chuyện tự thiết kế, trong những chương trình lớn, nhiều vũ đoàn mời cả những nhà thiết kế tên tuổi như Công Trí, Việt Liên, Huỳnh Phú Tân để tạo ra những bộ trang phục độc đáo, bắt mắt.


Vũ đoàn Hoàng Thông.

Cát-sê ít nhưng tai nạn lại... nhiều! Năm ngoái, Ngọc Cường từng bị gãy tay khi đang diễn vì sàn ướt, trơn trượt do cơn mưa ập đến thình lình. Vạn Thành của nhóm ABC thì bị thụt cả xương ngón chân do chấn thương khi tập, phải bó bột 3 tháng. "Nghề mà, chuyện u đầu, mẻ trán cứ xảy ra hoài. Sợ nhất là nhảy hip hop, dễ bị chấn thương lắm!". Lương Anh Tuấn nhìn nhận. Điều đáng nói là không một diễn viên múa nào được mua bảo hiểm nghề nghiệp do nhóm không đủ kinh phí.

Nhảy theo... thị hiếu khán giả

Hiện nay các vũ đoàn, ngoài số ít như Bông Sen hay Rex, còn lại đều không chịu sự quản lý của bất cứ đơn vị hay tổ chức nào. Nhà nước vẫn chưa công nhận vũ công múa minh họa là một nghề dù đã hình thành từ 15 - 16 năm nay. Do không được quản lý nên đa số các nhóm đều phát triển tự phát. Nhiều lần qua các chương trình phúc khảo, Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM đã nhắc nhở ban tổ chức thay đổi trang phục của vũ công do quá hở hang, phản cảm, không phù hợp với bài hát minh họa hay vũ công thể hiện một số động tác gợi dục trong lúc biểu diễn...

So với các ca sĩ ngôi sao,  diễn viên múa chuyên nghiệp có số phận hẩm hiu hơn nhiều. Những cái tên như Vương Linh, Đặng Hùng, Mỹ Duyên, Thảo Dung, Phương Lịch... dù được đào tạo bài bản chính quy ở nước ngoài vẫn không thể trụ được với nghề. Năm thì mười họa mới có một chương trình biểu diễn múa cổ điển hay vở nhạc kịch được dàn dựng trên sân khấu lớn mà khán giả thì lèo tèo hoặc có chăng cũng chỉ là người "trong nhà" đến xem để động viên nhau.

Để tồn tại, những người mê vũ điệu thiên nga bên bờ hồ của Tchaikovski buộc phải "biến tấu" sang dạng khác. Đó là thành lập nhóm múa minh họa cho ca sĩ. Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã có vài nhóm nhỏ tập tành minh họa cho các ca sĩ như Cẩm Vân hay Bảo Yến nhưng cũng rất ít xuất hiện trên sân khấu. Chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc pop rock của phương Tây mà khởi xướng là "ông vua" Michael Jackson rồi đến "bà hoàng" Madonna và "công chúa" nhạc pop Britney Spears, nghề múa minh họa ngày càng ăn nên làm ra không chỉ tại Mỹ mà gần như lan rộng khắp thế giới. Ở Việt Nam thì đến những năm 1997-1998, múa minh họa mới thật sự lên ngôi với những bài hát "khuynh đảo" giới trẻ của Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường...

Khán giả càng đòi hỏi phần "xem" nặng hơn "nghe" nên các ca sĩ và vũ công cũng phải tự thay đổi mình. Nhiều vũ đoàn ra đời như ABC, The Friends, Hoàng Thông, Sài Gòn... đảm nhiệm phần múa hiện đại, pop rock, techno, hip hop, Mỹ la-tinh... trong khi những vũ đoàn khác như Bông Sen, Rex, Mây Trắng phụ trách mảng dân gian, dân tộc. Nói chung, bất cứ ca sĩ dù theo trường phái nhạc nào cũng đều có thể mời các vũ công tham gia múa minh họa cho mình. Có những bài hát ca sĩ phải tập với vũ công hàng giờ để thành thạo các vũ điệu nhằm thỏa mãn thị hiếu của khán giả. Hiện nay, chỉ duy nhất ca sĩ Đan Trường là sở hữu độc quyền vũ đoàn Lido để chuyên minh họa các bài hát cho anh. Những ca sĩ khác như Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng, Phương Thanh, Lam Trường, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đoan Trang, Hồng Ngọc... cũng đều có vũ đoàn "ruột" để cùng minh họa cho ca khúc biểu diễn. Và thực tế là khi xem một chương trình dành cho giới trẻ hiện nay không thể thiếu phần múa minh họa của các vũ công với các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng trên sân khấu để thỏa mãn phần "nhìn" của khán giả.

Để không chỉ "bắt chước"...

Tất cả vũ công đều nhìn nhận là không được đào tạo bài bản. Một số ít qua tuyển chọn từ các trường múa, học qua loa vài vũ điệu rồi... nhảy lên sân khấu. Thường thì người biên đạo sẽ sưu tầm tài liệu băng đĩa của nước ngoài để bắt chước các vũ điệu hiện đại nhất rồi truyền lại cho "đệ tử". "Chúng tôi nhảy theo sự cảm thụ âm nhạc và bản năng là chính chứ cũng chưa nắm thế nào là một quy trình đào tạo chính quy" - Lương Anh Tuấn cho biết. Hiện vũ đoàn Hoàng Thông đang nhờ vài vũ công người Pháp sang hướng dẫn thêm một số kỹ năng múa hiện đại để có thể áp dụng cho biểu diễn. "Đừng tưởng khán giả không biết. Nếu cứ múa mãi một vũ điệu, họ sẽ phát hiện và nhàm chán ngay. Chúng tôi phải liên tục tìm tòi và đổi mới phong cách biểu diễn" - Ngọc Cường tâm sự.


Một tiết mục múa minh họa của vũ đoàn ABC.

Tuy vất vả như vậy nhưng theo anh Hồ Văn Hà, người có thâm niên 16 năm trong nghề, hiện đang quản lý vũ đoàn Sài Gòn thì: "Nghề này có tuổi thọ thấp, cao lắm chỉ độ 10 năm, lại không được đào tạo nên đa số  phải tranh thủ học thêm Anh văn, vi tính hay một nghề gì khác để khi giải nghệ có việc mà làm. Nhiều lúc chúng tôi cũng chạnh lòng khi phải bỏ công sức tập luyện rất nhiều nhưng cát-sê thì quá thấp. Nhiều bậc phụ huynh không cho con em theo học trường múa vì sợ tương lai bấp bênh. Đa số sinh viên trường múa hiện nay đều là dân tỉnh".

...Chương trình chấm dứt. Khán giả ùa lên sân khấu ôm hôn, tặng hoa, xin chữ ký ca sĩ. Trong khi đó ở một góc cánh gà, những vũ công lặng lẽ dọn dẹp trang phục và lặng lẽ ra về. "Chúng tôi mong sao một ngày nào đó những người yêu thích nghệ thuật múa sẽ có đất sống, sẽ được khán giả đón nhận như các ca sĩ bây giờ. Nhiều vũ công rất thích múa ballet hay diễn những vở nhạc kịch tầm cỡ nhưng đành phải chấp nhận nghề múa minh họa để mưu sinh. Dù sao đem lại niềm vui cho khán giả, đóng góp phần nhỏ bé cho sự phát triển nghệ thuật biểu diễn của đất nước, chúng tôi cũng thấy vui rồi. Nghiệp mà, đã say mê thì phải theo đuổi thôi". Anh Hà bùi ngùi cho biết trước khi chia tay.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.