Bùng phát dịch bệnh "ngứa mà không dám gãi" ở KTX

07/01/2007 22:19 GMT+7

* Các bác sĩ mỗi người giải thích một cách LTS: Từ thư của một sinh viên gửi vào mục ý kiến về một căn bệnh "lạ" ở ký túc xá, PV Thanh Niên đã xâm nhập thực tế để điều tra. Và những gì chúng tôi ghi nhận được thật đáng lo ngại...

Mấy tháng nay, nhiều SV ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM bất an vì căn bệnh phỏng rộp da gây ngứa lây lan nhanh đến chóng mặt. Không rõ bệnh gì nên SV gọi là bệnh "ngứa mà không dám gãi".

7 lần mắc bệnh:

Chiều 4.1, tại dãy nhà A14 KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, khi nghe hỏi về căn bệnh phỏng rộp da gây ngứa (mà bác sĩ ở KTX gọi là "Zona"), một SV nhanh nhảu dẫn chúng tôi về phòng mình, nơi có nhiều SV đang bị bệnh. Phan Hoài - SV năm nhất Trường ĐH Công nghệ thông tin - chìa cho chúng tôi xem những vết bỏng rộp tiếp tục xuất hiện trên người. Đây là lần thứ 7 kể từ ngày nhập học Hoài mắc phải căn bệnh này. Khá bức xúc, Hoài cho biết: "Khi mới nhập học khoảng 1 tuần, tôi và nhiều bạn ở KTX này đã bị nổi những mụn nước bỏng, rát khắp người và cổ. Bệnh thường phát vào ban đêm, sau khi ngủ dậy thì phát hiện trên người nổi những hột nước đỏ, rất ngứa. Càng gãi càng lây nhanh qua những chỗ khác. Chúng tôi có xuống phòng y tế khám thì được trả lời là bệnh này tự hết, họ có cho lọ thuốc màu xanh về bôi nhưng thấy không hết nên đã ra ngoài nhà thuốc tây mua về uống thì thấy đỡ. Vừa lành sẹo được mười bữa, nửa tháng thì tiếp tục bị lại. Cứ hết bạn này "dứt nợ" thì đến bạn khác thay phiên...".

Căn bệnh khiến nhiều SV không thể đến lớp, suốt ngày chỉ ở trong phòng. Ở giường kế bên Hoài, Lê Tiến Thành cũng đang nằm chịu trận những cơn ngứa mà không dám gãi, vì càng gãi càng lở loét. Thành cho biết mình mới tái phát bệnh cách đây 2 ngày. Rồi phòng kế bên, Nguyễn Cảnh Công - SV năm 2 cũng đang mắc phải tình trạng trên. Vừa vạch cổ áo cho chúng tôi xem những vết bỏng đỏ rộp đằng sau gáy, Công vừa cho biết mình cũng mắc bệnh này 3 ngày nay, tốn vài chục ngàn đồng tiền thuốc mà vẫn chưa khỏi. Ở lầu 1, lầu 2, lầu 3 dãy nhà A14 đều diễn ra tình trạng tương tự. Các SV ở đây cho biết thêm, mặc dù đã đối phó bằng nhiều cách như mắc mùng để tránh côn trùng lạ tấn công rồi thậm chí ngồi học ngay trong đó nhưng vẫn lại thấy những vết mụn nước "không mời mà đến" mọc lên từ khắp cơ thể. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rất nhiều SV ở KTX bị mắc căn bệnh quái gở này ít nhất một lần.

Những vết bỏng nước trên mình SV

Lây qua đường không khí

Bác sĩ Lê Xuân Trung - Trưởng trạm Y tế KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: "SV ở đây bị nhiều loại bệnh như côn trùng đốt gây viêm da dị ứng, bệnh thủy đậu chứ không riêng gì bệnh Zona. Và nó không chỉ xuất hiện ở riêng nhà A14 mà còn xảy ra ở các khu nhà khác trong KTX, thậm chí là ở các khu ngoại trú xung quanh khu vực Thủ Đức. Bệnh này lây qua đường không khí và tiếp xúc nên dễ lan thành dịch. Chúng tôi phát hiện bệnh này từ tháng 9, và đã thông báo cho toàn thể SV trong KTX biết cách phòng chống. Tuy nhiên, do mỗi phòng có 8 SV, các em sinh hoạt chung với nhau trong không gian hẹp nên bệnh dễ tái phát nhiều lần". Ông Trần Thanh An, Giám đốc Ban quản lý KTX nói: "Chúng tôi đã cấp thuốc, hướng dẫn cho SV điều trị và những trường hợp nặng thì chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để điều trị".

Theo chúng tôi được biết, căn bệnh này không chỉ phát tán ở KTX ĐH Quốc gia, khu vực nhà trọ ở Thủ Đức mà đã lây lan rất nhiều ở các KTX trong khu vực nội thành. Chẳng hạn ở KTX Trường ĐH dân lập Hồng Bàng (Gò Vấp) cũng có hơn 10 SV bị dính bệnh. Một số SV cho biết, gần đây căn bệnh này lây lan rất nhanh, do nhiều SV có bạn bè ở làng ĐH đến chơi và ngược lại SV ở KTX ra thăm bạn ở làng ĐH.

SV nhà A14 lo lắng không biết bệnh có thể tái phát lúc nào

Bác sĩ Trung cho biết: "Vì cơ chế bệnh này kéo dài và cũng tùy thuộc vào cơ địa miễn dịch của từng người mà dứt bệnh sớm hay muộn. Khi SV xuống trạm để khám thì chúng tôi đã cho thuốc sát khuẩn để bôi lên chỗ bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng lây lan, Ban quản lý KTX đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Q. Thủ Đức để phun thuốc diệt khuẩn, phát quang bụi rậm xung quanh...". Bác sĩ Trung cũng cho biết thêm hiện nay "Zona" đã giảm đi nhiều. Thế nhưng theo quan sát của chúng

Bác sĩ Xuân Trung

tôi và ý kiến của nhiều SV, căn bệnh này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà đang bùng phát rất nhanh. Hơn thế, nhiều SV mắc bệnh đã tự điều trị bằng cách ra ngoài mua thuốc vì loại thuốc mà Trạm Y tế KTX cấp không có hiệu quả.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, nhiều SV đã bỏ thi học kỳ vì bệnh "Zona" đã "ăn" lên mặt! Mặc dù lãnh đạo KTX ĐH Quốc gia TP.HCM đã tích cực có những biện pháp xử lý phòng chống bệnh, song hiệu quả chưa cao nên không thể kiểm soát được dịch bệnh này.

Để giải quyết rốt ráo tình trạng bệnh "ngứa mà không dám gãi" này, theo bác sĩ Trung, phải có biện pháp cách ly triệt để và phải điều trị theo phác đồ. Trong khi đó, trạm y tế chỉ có 5 phòng lưu bệnh và 10 y, bác sĩ nên giải quyết không xuể. Ông Trung nhắc đi nhắc lại do "Zona" là một vi-rút chưa có kháng sinh đặc hiệu đủ mạnh để diệt một cách triệt để.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu TP.HCM: Đó là bệnh viêm da tiếp xúc thực vật

"Theo tôi các SV ở KTX không mắc bệnh Zona mà là bệnh viêm da tiếp xúc thực vật. Nguyên nhân của nó có thể là do một loại cây cỏ mà mình chưa xác định được, ngoài ra, một số loài côn trùng cũng có thể gây ra bệnh này. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước nhỏ nổi trên một vùng da nào đó gây đau rát tại chỗ chứ không phải là đau nhức. Trong một số trường hợp có thể làm cho người ta sốt, mệt mỏi. Những người ở cùng một môi trường dễ bị mắc bệnh cùng một lần. Để xác định được loại cây, loại côn trùng gây bệnh này người ta phải tiến hành làm test áp, cụ thể là lấy lá cây áp lên

Bác sĩ Hùng đang giải thích căn bệnh viêm da dị ứng cho phóng viên

 vùng da người bệnh. Nếu sau 1 đến 6 tiếng đồng hồ, vùng da đó đỏ lên thì cây đó chính là nguyên nhân gây  bệnh. Dù tiếp xúc do lá cây hay côn trùng đều phải theo dõi kỹ.

Bệnh nhân nên đến bác sĩ da liễu khi mắc bệnh. Để phòng chống bệnh cần cách ly môi trường đang ở và làm các bước sau:

1. Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ.

2. Tùy theo điều kiện có thể lắp cửa lưới chống côn trùng xâm nhập.

3. Cần mặc áo, quần dài có màu sáng.

4. Khi ngủ phải có túi ngủ, giăng mùng.

5. Có thể sử dụng thuốc bôi chống, xua đuổi côn trùng...".

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: Côn trùng Rove Beetle gây nên

Côn trùng này khi đậu lên da sẽ gây nhột, nếu đập chết, nó sẽ xịt ra nước gây viêm da dị ứng. Do đó, trong thời gian ngắn người ta có thể bị đi bị lại nhiều lần. Những chỗ da trần như ở tay, cổ, mặt... thường hay bị. Côn trùng này sống ở những nơi có nhiều cỏ mục, bụi cỏ, rơm, rạ nói chung là liên quan đến nông thôn, mùa màng... Để hiểu rõ tập tính sinh thái thì phải hỏi các chuyên gia côn trùng học. Gần đây, bệnh này không chỉ xuất hiện ở KTX ĐH Quốc gia mà nhiều nơi khác như ở Trường cao đẳng Mẫu giáo T.Ư 3 (Q.9). Do côn trùng này rất thích ánh sáng nên chúng ta cần có những biện pháp phòng chống của dân gian như bẫy đèn. Ngày xưa


Côn trùng Rove Beetle

người ta sử dụng đèn dầu nên ít bị, bây giờ chỗ nào cũng có điện nên cũng khó bẫy côn trùng theo kiểu này. Những người sống ở khu vực có côn trùng mà ở trên lầu càng cao thì càng dễ bị. Côn trùng này bay theo gió, không thấy ánh sáng nên trúng ai thì người đó chịu.

Theo tôi, Ban quản lý KTX ĐH Quốc gia, SV cần phải tìm hiểu xem môi trường sống gần đó có liên quan gì về cỏ cây hay đồng trống hay không. Thực ra việc phun thuốc chống côn trùng thì không hiệu quả và rất phí. Trong đợt cao điểm vừa qua, Đội Y tế dự phòng Q.Thủ Đức có xịt thuốc, nhưng tôi nghĩ không nên trông chờ vào biện pháp kỹ thuật mà biện pháp căn cơ là phải phát quang, tìm hiểu khảo sát môi trường xung quanh để biết côn trùng đi hướng nào. Theo tôi, chuyện đó nằm trong tầm tay của SV. Khi bị côn trùng cắn, nên rửa sạch chỗ bị cắn và bôi thuốc thì sẽ lành trong vòng 7 - 10 ngày.

Trước những chẩn đoán khác nhau về một căn bệnh đang hành hoành trong SV - bác sĩ ở KTX cho rằng bệnh Zona do vi-rút gây nên, bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu thì nói là bệnh viêm da tiếp xúc thực vật, còn bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng lại cho đó là bệnh do côn trùng Rove Beetle... - chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, tránh sự hoang mang lo sợ cho SV.

Thiên Long - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.