Tượng đài chiến thắng Điện Biên: Ba năm trước và bây giờ

25/06/2007 10:15 GMT+7

Ba năm trước, trong không khí tưng bừng của cả nước hướng về ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, phóng viên TNO cũng lên đường đi Tây Bắc để đưa tin về sự kiện quan trọng này.

 

Nổi bật trong dịp lễ trọng đại ấy, là việc nhà nước đầu tư xây dựng ở Điện Biên một tượng đài chiến thắng. Theo gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đặt trên đồi D, ngay trung tâm TP Điện Biên.


Ngày 1.3.2004, Trung tâm TP Điện Biên như một ngày hội khi đoàn xe chở tượng về đến nơi

Phóng viên TNO đã đi theo đoàn xe rước tượng lên Điện Biên. Thật xúc động khi đi trên đèo Pha Đin lịch sử, rồi theo đoàn xe tiến vào TP Điện Biên trong tiếng quân nhạc oai hùng.

Khi ấy cả nước hướng về Điện Biên, đài truyền hình trung ương khi ấy còn tường thuật trực tiếp hành trình rước tượng. Những thông tin mà hôm nay mở ra đọc lại, vẫn còn cảm thấy xốn xang.


Đầu tượng em bé người Thái này thậm chí nứt một mảng lớn

Không xúc động sao được khi đoàn xe chuyên dụng mang biển số Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh kéo theo sau những rơ moóc khổng lồ phủ vải đỏ hướng về Điện Biên lịch sử. Cả ngày 1.3.2004, trung tâm TP Điện Biên như có hội. Cả ngàn người vòng trong vòng ngoài hy vọng được thấy pho tượng đồng lớn nhất Việt Nam, bấy giờ vẫn phủ vải điều và có công an đứng gác.

Hai ngày sau. Những thớt tượng được đưa lên đồi D. Thật khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường bấy giờ còn bừa bộn như chính Điện Biên 50 năm trước. Cảm giác về công trình tượng đài lớn nhất trong lịch sử Việt Nam khi ấy thật khó diễn tả. Những thớt tượng thực ra là những mảng đồng nham nhở bên trong là sắt thép chằng chịt. Chủ yếu là sắt thép phế liệu lẫn với đất sét. Có chỗ, đồng vỡ ra từng mảng. Có chỗ cốt sắt, ruột đất lộ cả ra ngoài.


Chân tượng nứt một vệt dài và rộng

Nhiều chi tiết khi ấy vẫn chưa đúc xong, bó hoa của em bé người Thái trên tay chú vệ quốc đoàn vẫn chưa thấy đâu. Vỏ đồng của tượng dày mỏng rất không đều. Chúng tôi cảm thấy lo lắng khi biết rằng tượng đài sẽ được liên kết bằng cách hàn nối các thớt với nhau.

Ngay tại hiện trường những ngày sau đó, phóng viên TNO chứng kiến cuộc tranh luận của các nhà chuyên môn về kết cấu, sức bền với ông Nguyễn Trọng Hạnh, người chủ trì đúc tượng, nay là bị can Nguyễn Trọng Hạnh và vừa bị bắt cùng 4 người khác vì những sai phạm trong quá trình thực hiện tượng đài.

Sự kiện sạt lở chân tượng và phải đầu tư thêm 4 tỉ để khắc phục không còn là nguy cơ. Theo chúng tôi, vấn đề nằm ở chính pho tượng. Bộ phận đắt nhất, và quan trọng hơn, là nhạy cảm và tâm linh nhất. Dư luận những ngày qua đã râm ran về việc tượng đúc bằng gì? Đồng thỏi hay đồng phế liệu?


Đây là bức tường bao này sau đó đã phải mất thêm 4 tỉ đồng để khắc phục

Phóng viên TNO đầu năm nay đã đến Yên Tử. Ở đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đúc một ngôi chùa bằng đồng (thỏi). Cảm giác về chất liệu đồng ở Chùa Đồng (tên công trình) khác hẳn chất liệu đồng ở Tượng đài chiến thắng Điện Biên. Đó là cảm quan của chúng tôi.

Trở lại Điện Biên những ngày qua, cảm giác lo lắng lại xuất hiện. Tượng mới được phủ một lớp sơn dầu bóng loáng, nhưng tại các vị trí vốn là các khớp nối ngày trước, nước xanh rỉ ra thành dòng. Và từ những bức ảnh của chúng tôi nếu phóng to, còn cảm thấy trên tượng có những vết rạn nứt…

Bài, ảnh: Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.