Khát vọng chữ nghĩa

05/07/2007 12:01 GMT+7

Cứ vào đầu và cuối mỗi buổi thi, tại điểm thi trường THCS Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) thường có một thí sinh nam đến và về một mình, lặng lẽ trên chiếc xe đạp xộc xệch. Tôi lấy làm lạ khi dõi theo “hành trình” của bạn thí sinh có dáng hình nhỏ nhắn này. Buổi trưa 4.7, sau buổi thi môn Toán, tôi lại tình cờ gặp lại “sĩ tử xe đạp” trong khu phục vụ cơm miễn phí cho thí sinh nghèo ở Siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn.

Bạn thí sinh bộc bạch về mình với một tâm trạng khá bối rối, nhưng khát vọng chữ nghĩa thì luôn ngời lên trong sâu thẳm tâm trí. Sau bữa cơm đạm bạc lót dạ, chàng trai này mới cho biết tên là Ngô Xuân Hiệp, sinh 1986. Gia đình của Hiệp ở vùng quê lúa nghèo thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Bố mẹ Hiệp mưu sinh, tần tảo nuôi con ăn học nhờ việc đồng áng nhọc nhằn. Hiệp là con trai thứ nhì trong một gia đình có 3 anh em. Con nhà nông nên mấy anh em Hiệp khi còn cắp sách đến trường làng cũng phải lăn lộn nhiều với ruộng vườn. Dù vậy, 3 anh em Hiệp luôn nung nấu ý chí học hành. Hiệp ước mơ được thi đỗ vào ngành Kỹ thuật công nghiệp - trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Năm thi đầu tiên (2006), kết quả không cao như mong muốn. Hiệp nộp hồ sơ học khoa Kinh tế trường Cao đẳng Xây dựng số 3 (TP Tuy Hòa, Phú Yên) theo “mệnh lệnh” của mẹ. 

Một năm trọ học ở trường Cao đẳng Xây dựng số 3, Hiệp miệt mài ôn lại kiến thức và đã giấu kín chuyện này cho đến ngày ra thi lại ngành Kỹ thuật Công nghiệp ở Cụm thi Quy Nhơn. Tôi thật sự xúc động khi nghe Hiệp thủ thỉ: “Nói ra sợ mẹ em buồn, có khi giận dỗi lại “kình” em. Em luôn tâm niệm một điều mà em đã bắt gặp trong sách: Hành trình nghìn dặm bắt đầu từ một bước nhỏ, thành tích lớn nhất thoạt tiên là những giấc mơ. Em sẽ thổ lộ và xin lỗi mẹ khi có kết quả thi như mong muốn. Có lẽ đến lúc đó, mẹ cũng sẽ thương”. 

Đón xe ra Quy Nhơn dự thi một mình, trong túi Hiệp chỉ có vỏn vẹn 150.000 đồng. Hiệp bảo đó là số tiền tích cóp được sau một tháng nhịn ăn sáng và sự “tiếp sức” của 4 người bạn cùng phòng trọ. Biết hoàn cảnh ngặt nghèo của Hiệp, anh chị em ở Tỉnh đoàn Bình Định đã hỗ trợ phiếu ăn miễn phí dành cho thí sinh nghèo cho Hiệp trong những ngày thi. Chứng kiến những sĩ tử khác được người nhà đưa đón, kề vai sát cánh lo cơm ăn nước uống, tôi thấy chạnh lòng cho Hiệp. Hỏi có buồn không? Hiệp chỉ cười hiền: “Dạ. Có chi đâu anh”.

Hiệp đang ấp ủ trong mình một khát vọng chữ nghĩa cháy bỏng. Dường như mọi gian khó không thôi ngăn được giấc mơ tương lai của chàng trai này để mong có được cơ hội bù đắp cho mẹ, cho bố. Tất cả là bắt đầu. Tất cả đang chờ đón bạn phía trước. Tôi tâm sự với Hiệp điều này và mong Hiệp gặp thật nhiều may mắn trên đường đời... 

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.