Giảm 75% thủ tục đầu tư xây dựng

28/06/2008 01:33 GMT+7

Một hội thảo nhằm lắng nghe các doanh nghiệp (DN) địa ốc phản ánh về "ma trận" thủ tục trong đầu tư xây dựng đã được Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức sáng 27.6.

Thủ tục chỉ còn 8 bước

Hội trường A của dinh Thống Nhất sáng qua đã chật kín với sự có mặt của hơn 300 đại diện DN. Tại buổi hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Chu Văn Chung cho biết: "Để rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục đầu tư xây dựng các dự án từ 3-4 năm còn lại 1 năm/dự án, giúp cho các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Bộ Xây dựng đã rà soát lại toàn bộ 33 bước thủ tục và "chốt" lại còn 8 thủ tục cần thiết nhất". Theo ông Chung, ngoài việc bỏ hẳn 7 thủ tục như xác nhận ranh giới đất, thỏa thuận địa điểm, chấp thuận đề cương nhiệm vụ quy hoạch 1/500, chấp thuận lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500, chấp thuận ranh giới hoặc mốc giới..., nhiều thủ tục sau này sẽ không còn tách riêng để giải quyết ở nhiều cơ quan như trước mà sẽ được thực hiện một lần tại một cơ quan đầu mối. Chẳng hạn như 2 thủ tục giới thiệu địa điểm dự án và xác định chỉ giới đường đỏ sẽ được nhập lại làm thành thủ tục cung cấp thông tin quy hoạch, hoặc 6 thủ tục khác như báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thỏa thuận chuyên ngành về cấp điện, cấp nước, chiều cao tĩnh không, phòng cháy chữa cháy... sẽ được nhập lại thành một thủ tục và sẽ do một cơ quan đầu mối nhận hồ sơ của DN và giải quyết, sau đó sẽ trả lại cho DN đúng hẹn. "Sắp tới sẽ quy định việc cung cấp thông tin quy hoạch cho DN đối với những khu vực đã có quy hoạch 1/2.000 chỉ không quá 10 ngày làm việc hoặc thời gian thẩm định phê duyệt quy hoạch 1/2.000 chỉ còn không quá 45 ngày, thủ tục giao đất cho DN chỉ còn không quá 30 ngày" - ông Chung khẳng định.

"Trong hơn một năm, dù lãnh đạo TP đã thúc giục rất nhiều lần nhưng đến nay TP.HCM mới chỉ phê duyệt được 70% số đồ án quy hoạch 1/2.000. Việc giải quyết thủ tục đầu tư cho DN vì thế còn rất nhiều bất cập. Ngoài ra, đề nghị các DN nếu thấy cán bộ nào, sở nào cố tình gây khó khăn, phiền nhiễu cho DN trong quá trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng thì có thể thông tin cho UBND TP, tôi sẽ trực tiếp xử lý ngay" - (Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín)

Nhiều DN cho rằng nếu làm được quy trình như trên sẽ là một cuộc cách mạng trong cải cách thủ tục hành chính, bởi xưa nay vấn đề giải quyết thủ tục này rất chậm trễ, nhiêu khê, gây tốn kém, lãng phí. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành - dẫn chứng: "Chỉ với một bước thẩm tra quy hoạch 1/500, Công ty Thành Thủy có dự án tại P.16, Q.8 đã phải mòn mỏi chờ đợi 3 năm 5 tháng 21 ngày (từ 2.12.2004 đến 23.5.2008). Hay như Công ty địa ốc Đất Lành xin thỏa thuận chủ trương đầu tư một dự án tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cho đến khi trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thẩm tra là 1 năm 4 tháng 13 ngày". Ông Nguyễn Văn Đực cũng đề nghị: "Theo tôi, nên bỏ toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư dự án cũ mà soạn thảo một quy trình mới, không nên cắt xén, chắp vá gây rối rắm thêm cho DN". Và ông Đực cũng đề xuất một quy trình, theo đó thời gian để làm thủ tục cho một dự án đầu tư chỉ mất 4 tháng.

Ai thực hiện?

Ông Nguyễn Xuân Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - băn khoăn: "Việc rút ngắn quy trình thủ tục cho dự án là một bước cải cách quan trọng, tạo điều kiện tốt cho DN nhưng liệu gánh nặng giải quyết thủ tục có khiến cho cơ quan quản lý bị quá tải hay không? Vì khi các cơ quan nhà nước quá sức giải quyết, mong muốn rút ngắn thủ tục sẽ trở thành bất khả thi. Theo tôi, cần xem xét quy mô dự án để có hướng giải quyết thích hợp. Ví dụ, với các dự án quy mô 50 ha trở xuống thì có thể cần thẩm định và phê duyệt quy hoạch 1/500 trước khi đầu tư, còn đối với các dự án có diện tích 50 ha trở lên thì chỉ nên lập quy hoạch 1/2.000, sau đó tùy theo từng giai đoạn đầu tư mà thẩm định phê duyệt quy hoạch 1/500 để phù hợp với sự phát triển năng động của dự án, không khiến cho dự án bị lạc hậu với thị trường".

Ông Đặng Hoàng Vũ - Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình cho rằng: "Định ra quy trình nhưng cần phải giám sát việc thực hiện của cơ quan quản lý khi thực hiện quy trình đó. DN cần triển khai đầu tư nhanh, hồ sơ đã nộp đầy đủ nhưng cơ quan phê duyệt chây ì, không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, sau đó nại ra lý do này, lý do khác để "hành" DN thì sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu khi đã nộp đủ hồ sơ, nếu cơ quan nhà nước phê duyệt trễ hẹn thì DN có thể tiến hành tự khởi công được hay không?".

Đề cập đến vấn đề kéo dài dự án, ông Dương Tấn Tú - Giám đốc Công ty kinh doanh nhà Anh Tuấn - bức xúc: "Công ty tôi có dự án 11 ha đã giải tỏa đền bù được 70%, đã trình văn bản đề nghị chấp thuận đầu tư lên UBND TP.HCM từ tháng 10.2007 nhưng đến nay, qua 8 tháng vẫn chưa được trả lời. Tôi thấy nếu cứ phải thỏa thuận đền bù 100% với người dân là rất khó khả thi. Đề nghị chính quyền cần có biện pháp hỗ trợ khi DN đã đền bù được 80%". Một DN khác phát biểu: "Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực địa ốc hơn 15 năm nhưng thấy cán bộ thụ lý hồ sơ đầu tư dự án một phần thì sợ trách nhiệm không dám quyết, một phần thì có ý thức đùn đẩy, xin ý kiến đủ chỗ rồi mới dám quyết cho yên thân. Do vậy, dù quy trình tinh gọn như thế nào mà con người thừa hành như vậy thì cũng khó mà giúp DN đẩy nhanh việc đầu tư dự án được".

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.