Bánh trung thu không phải để… ăn!

13/09/2009 00:25 GMT+7

Tết Trung thu bây giờ không còn dành riêng cho trẻ con nữa, và sự biến tướng của nó đã làm cho bánh trung thu được làm ra hình như không phải để ăn… Nghe đọc bài

Hẳn nhiều người trong chúng ta, nhất là những người ở lứa tuổi trung niên 40-50, có một thời sống ở quê. Trung thu ngày ấy rất ít đầu lân, ông địa, nếu không nói là không có. Chỉ một cái lồng đèn ông sao, bên trong thắp một ngọn nến hồng, bấy nhiêu đó đủ để những chủ nhân của nó vui suốt đêm thâu. Món ăn tinh thần chỉ có vậy, còn vật chất thì không gì ngoài mấy cái kẹo thèo lèo, sang lắm chỉ được túi bánh quy đen thui đen thủi. Có nơi, ông xóm trưởng đến từng nhà để quyên góp tiền rồi mua heo, bò về thịt. Trẻ con ở quê thời ấy, quanh năm bị củ lang củ mì nó vùi dập, có ngày Tết Trung thu, ăn được bữa thịt heo, thịt bò, 30-40 năm sau vẫn còn nghe sướng! Ngày vui Trung thu dành cho con trẻ thời ấy luôn vô tư và trong vắt như vầng trăng rằm giữa mùa thu vậy. Thế nhưng, kể từ khi cuộc sống vật chất đã bắt đầu khá lên, niềm vui dành cho con trẻ cũng không còn vô tư nữa.

Ở vùng Thu Xà, phía đông huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có cụ ông tên là Nguyễn Tô, khi đã vào tuổi thất thập mà vẫn còn mê làm đầu lân “biếu” cho trẻ con vào mỗi dịp Trung thu. Trẻ con trong làng gọi ông Tô là “ông cắc cùm cùm”, do chúng dựa vào âm thanh phát ra từ chiếc trống lân mà thành. Thế nhưng độ 5 năm trở lại đây, ông bỏ hẳn nghề này. Hỏi vì sao? Ông nói: “Chúng nó giờ lợi dụng múa lân để làm nhiều việc không trong sáng như cái thời xa xưa nữa nên tui thấy bị tổn thương và nghỉ”.

Trung thu là dịp để tặng quà và nhận  quà. Tặng quà cho trẻ và trẻ được nhận quà Trung thu là chuyện không có gì phải bàn cả. Có điều, người lớn đã “nhân cơ hội” của ngày Tết Trung thu dành cho các em mà “thể hiện tấm lòng” của nhân viên đối với thủ trưởng hoặc của “bên B” đối với “bên A” trong một công trình cụ thể nào đó. Trong trường hợp này, túi bánh trung thu “tặng cháu” chỉ là cái cớ, chỉ là “miếng trầu” để cấp dưới hay đối tác biếu một thứ khác mà không có một loại bánh trung thu nào có thể “địch” nổi! Bánh trung thu đang được làm ra hàng loạt với công nghệ cao, kể cả nhập khẩu với giá cao ngất trời, rồi A mua nó biếu B, B đem hộp bánh đó biếu lại cho C, C tiếp tục đem nó biếu D... Bánh trung thu bày ra sa-lon trong phòng lạnh, ăn một miếng đã ớn. Bánh trung thu bây giờ được làm ra hình như không phải để ăn!...

Dẫu có bị biến tướng, bị lợi dụng, song từ ngàn đời nay, trăng Trung thu vẫn luôn tròn vành vạnh, chú Cuội vẫn mỉm cười với tất cả trẻ em, bất luận giàu nghèo. Chúng ta tin, đến một lúc nào đó, những gì tốt đẹp nhất của ngày vui này sẽ được trả về đúng vị trí của nó.  

“Đẳng cấp” và “xoay vòng”

Trưởng phòng hành chính của một tập đoàn ở TP.HCM cho biết, trước Trung thu khoảng một tháng, chị phải lên danh sách khách hàng, đối tác theo từng nhóm, tùy thuộc vào mối quan hệ làm ăn, để có cơ sở đặt bánh làm quà tặng. Đối tác càng quan trọng, bánh càng “nặng”. Kinh phí mua bánh trung thu tốn kém vài trăm triệu đồng, nhưng không thể không có.

Chị Khánh, trước đây phụ trách truyền thông cho một khách sạn 5 sao, tiết lộ bánh trung thu của khách sạn bán được nhờ có “tên tuổi” của khách sạn trên bao bì. “Khách hàng hầu hết là các công ty lớn, bán lẻ rất ít. Chất lượng bánh có thể không ngon bằng các hãng bên ngoài, nhưng vẫn cạnh tranh tốt vì… 5 sao. Tặng như vậy mới đúng đẳng cấp!”, chị nói. Năm nay, một số khách sạn cao cấp đã đặt quầy bánh từ rất sớm, giá từ 595.000 - 928.000 đ/hộp.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen, cho rằng, bánh trung thu vài năm gần đây đã bị “lạm dụng”, và mất đi ít nhiều ý nghĩa. Những chiếc bánh không phải để ăn, mà là quà cáp. “Của cho không bằng cách cho”, nên việc tặng hộp bánh có giá lên đến con số hàng triệu đồng, thực chất chỉ là biến thể khác của “phong bì”. Còn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Kim, tỏ rõ không ủng hộ việc công ty mua bánh trung thu để tặng. “Nhưng chúng tôi vẫn mua với số lượng không lớn, tặng khách hàng thân thiết. Việc tặng qua tặng lại thực chất không nhiều ý nghĩa”, ông bình luận.

Đường đi của các hộp bánh trung thu đắt tiền cũng phức tạp không kém. Giám đốc một nhà hàng ở quận 1 cho biết, nhiều hộp bánh được tặng xoay vòng. Nghĩa là anh tặng hộp bánh này cho khách hàng, khách hàng lại mang hộp bánh đó tặng cho đối tác… Cứ thế, hộp bánh chuyền tay cho đến hết Tết Trung thu, nên đã xảy ra chuyện buồn cười, hộp bánh của mình cuối cùng lại trở về tay mình.

N.Trần Tâm

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: “Phú quý sinh lễ nghĩa”

Có những loại bánh kẹo người ta dùng quanh năm nhưng bánh trung thu thì mỗi năm chỉ có một lần, cũng như Tết Nguyên đán có bánh chưng. Thực chất, loại bánh này dành cho trẻ em bởi trên bánh mang nhiều hình thù các con thú ngộ nghĩnh. Đến Tết Trung thu, người ta lại mang bánh ra cho trẻ con phá cỗ, trông trăng, kèm vào nhiều hoạt động khác như rước đèn ông sao, múa sư tử... Đó là một đặc thù văn hóa đẹp có từ lâu đời. Tuy nhiên bây giờ điều kiện kinh tế tốt lên, nên đến hẹn lại lên người ta đổ xô đi mua bánh, phú quý tất sinh lễ nghĩa, có người mua cặp bánh những vài trăm đến cả triệu đồng để biếu tặng nhau. Việc làm bánh, mua bánh đón trung thu là việc phù hợp với văn hóa không có gì đáng phê phán cả nhưng tôi cảm thấy rằng, việc biếu tặng bánh trung thu hiện nay đang nặng về vật chất và nhẹ về văn hóa, xa rời với ý nghĩa cao đẹp ban đầu của nó. Điều này cũng khiến cho con trẻ, đến Trung thu chỉ biết đến bánh chứ không biết đến nhiều hoạt động khác có ý nghĩa về văn hóa, giáo dục nữa. Tôi cho đó là điều không tốt mà bản thân mỗi chúng ta phải suy nghĩ và nên điều chỉnh hành động của mình.

Thái Sơn (ghi)

Nhà văn Băng Sơn: Nhìn vào cách họ biếu tặng nhau

Chiếc bánh trung thu rõ ràng có giá trị văn hóa rất lớn đối với người Việt Nam. Thế hệ chúng tôi ngày xưa, con rể không thể không biếu bố vợ; học trò không thể không biếu thầy giáo... chiếc bánh nướng bánh dẻo, dĩ nhiên chiếc bánh thời đó giá trị chỉ vài đồng bạc nhưng cả người đi tặng và người được nhận quà vẫn thấy ấm áp vô cùng.

Khi xã hội phát triển, đời sống kinh tế của người dân khấm khá lên thì việc người ta mua những chiếc bánh đắt tiền để biếu tặng nhau xét về góc độ xã hội là điều đáng mừng. Vấn đề là ở cái “tâm” của người đi biếu, giá trị quà biếu dù lớn, dù nhỏ hãy gác sang một bên để nhìn về cách họ biếu tặng nhau. Dù mối quan hệ giữa người biếu và người nhận thế nào, tôi cũng muốn nhìn ở khía cạnh văn hóa tốt đẹp trong hành động này nhân ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Nhưng tôi sẽ cảm thấy rất buồn nếu người ta mượn chiếc bánh trung thu ấy để làm “vỏ bọc” cho một món quà khác mà giá trị tính bằng USD hoặc hơn thế nữa. Điều đó làm méo mó giá trị truyền thống của ngày tết dân tộc.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: Người ta cần cái cớ

Xã hội càng phát triển thì người ta càng có nhiều cách để duy trì, củng cố các mối quan hệ của mình. Ngày trước, vào dịp Trung thu, chiếc bánh nướng, bánh dẻo thường chỉ được biếu tặng trong phạm vi gia đình, dành cho người già và trẻ nhỏ, chứ không phải biếu tặng tràn lan như hiện nay.

Thực chất, ngày nay nhiều người rất cần cái cớ để thể hiện “tấm tình” của mình với một nhân vật quan trọng nào đó. Thế nên thay vì bánh trung thu đơn thuần hay chỉ kèm theo vài quả hồng, gói trà ngon, thì nay người ta kèm vào đó chai rượu đắt tiền hoặc bất cứ thứ gì có giá trị. Bánh trung thu có còn là món quà thơm thảo nữa không hay là một cơ hội để người ta gửi vào đó những toan tính, vụ lợi?

Dù không hề khó để trả lời câu hỏi này nhưng tôi cho rằng không thể và không nên có một động thái nào mang tính chất cấm đoán. Vấn đề mấu chốt vẫn phải chờ đợi đến khi xã hội phát triển, khi các cơ quan, doanh nghiệp vận hành thực sự chuyên nghiệp, nhân viên làm việc bằng đúng năng lực của mình, không phải lo làm “vừa lòng” cấp trên, không còn phải đi “cửa sau” để đạt được mục đích của mình... thì mới có thể loại trừ được những câu chuyện như đã nói ở trên.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.