“Quả bom” thịt bẩn

15/10/2009 00:41 GMT+7

Theo ý kiến chỉ đạo của Cục Thú y, 320 tấn thịt bẩn nhập khẩu từ tháng 7, 8.2009 bị buộc phải tiêu hủy hoặc tái xuất, nhưng cho đến nay, số thực phẩm khổng lồ trên vẫn nằm lì trong nước và thực tế không cơ quan quản lý nào dám chắc số hàng này vẫn trong kho hay đã âm thầm “bốc hơi” ra thị trường. Mời nghe đọc bài

Theo thống kê của Trung tâm Thú y vùng VI, hiện nay tại các kho lạnh trên địa bàn TP.HCM vẫn đang chứa trên 320 tấn sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu không đạt chất lượng của 8 doanh nghiệp (DN).

Cụ thể Công ty Việt Phong còn tồn 60 tấn dồi trường và 20 tấn chân gà; Công ty Quốc Thắng tồn 20 tấn thịt gà bọng (thân gà); Công ty Thái Hòa tồn 57 tấn cánh gà; Công ty Seaprodex tồn 56 tấn thịt trâu; Công ty N.D.T tồn 2,7 tấn pín dê, chân dê; Công ty Intimex TP.HCM tồn 43 tấn cánh gà; Công ty Song Nam tồn 27 tấn thịt gà xay, Công ty Trường Vinh tồn 50 tấn đùi gà...

Tất cả số thịt trên đều đã được kiểm nghiệm, kết quả là không đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và cơ quan thú y đã ra quyết định buộc tiêu hủy, tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua nhưng các DN trên vẫn chưa có động thái gì tỏ ra tích cực thực hiện yêu cầu này.

“Không thể biết được”

Trên nguyên tắc thì hàng vẫn đang nằm trong các kho lạnh như các DN báo cáo và Chi cục Thú y TP.HCM là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Nhưng thực tế nếu có DN nào lén lút tuồn hàng ra thì chúng tôi không thể biết được

Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI

Trao đổi với báo chí chiều qua, ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI - khẳng định: “Từ ngày có quyết định xử lý đến nay, vẫn chưa có DN nào thực hiện việc xử lý, chưa có lô hàng nào được tái xuất hoặc tiêu hủy với nhiều lý do khác nhau”. Theo ông Bình, Công ty Việt Phong báo cáo không thể làm thủ tục tái xuất được do đã thanh toán tiền cho đối tác nước ngoài. Công ty Quốc Thắng thông báo đang làm thủ tục tái xuất sang Hàn Quốc nhưng thực tế vẫn chưa thấy “nhúc nhích”. Công ty Thái Hòa hứa sẽ tái xuất nhưng vẫn chưa tìm được đối tác chịu mua lại. Các công ty khác cũng tìm cách “câu giờ” vì không thể bán đi đâu được. Có DN im lặng không thấy báo cáo.

Động thái trên cho thấy biểu hiện rất kỳ lạ của các DN. Các lô hàng khi nhập về đều có địa chỉ kho lạnh để chứa, nhưng chi phí lưu kho mỗi ngày rất lớn, việc để tồn đọng kéo dài như vậy rõ ràng không có lợi cho DN. Theo nguồn tin mà chúng tôi nhận được, đã có một lượng thịt đông lạnh nằm trong dạng phế thải này âm thầm “bốc hơi” ra thị trường. Nhưng các cơ quan chức năng lại không xác nhận thông tin này. Ông Bình thì cho biết: “Trên nguyên tắc thì số hàng trên vẫn đang nằm trong các kho lạnh như các DN báo cáo và Chi cục Thú y TP.HCM là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Nhưng thực tế nếu có DN nào lén lút tuồn hàng ra thì chúng tôi không thể biết được”.

Về phía các trạm thú y địa phương, khi liên hệ trao đổi vấn đề này, chúng tôi được thông báo là hàng vẫn nằm trong kho, nhưng số lượng cụ thể có thất thoát hay không thì ngay cả lãnh đạo các trạm cũng không dám khẳng định.

Tiêu hủy được không?       

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, sở dĩ việc xử lý các lô hàng thịt bẩn khó khăn như vậy là bởi các DN đã mua đứt bán đoạn với đối tác nước ngoài, nên khi hàng đã về VN thì không tái xuất được. Nếu tiêu hủy thì gây thiệt hại cho DN, trong khi đó nhiều DN đang kỳ kèo chuyển các lô hàng thịt trên làm thức ăn cho cá sấu. Chính vì vậy đến nay cơ quan thú y vẫn dùng dằng chưa thể quyết định được phương án xử lý nào là hợp lý nhất. Nếu Cục thú y đồng ý chuyển lượng thịt này làm thức ăn nuôi cá sấu, thì chắc chắn không thể tiêu thụ hết một lúc lượng thịt lớn như vậy, thời gian lưu giữ tiếp tục kéo dài, đồng thời sẽ rất khó khăn trong việc quản lý. Liệu các DN có thật sự bán cho trại cá sấu hay lại đưa ra tiêu thụ trên thị trường? Chưa kể nếu khâu phối hợp và giám sát không nghiêm thì sẽ xảy ra tiêu cực giữa DN và đơn vị phụ trách kiểm soát.          

Phải kiên quyết yêu cầu các DN xử lý tiêu hủy số thịt trên nếu họ không thể tái xuất, như vậy mối lo về “bom nổ chậm” sẽ không còn nữa. Chi phí để tiêu hủy lượng thịt trên vào khoảng 2,1 tỉ đồng, đây là con số thật sự không lớn để giải trừ mối lo cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Bình cũng đồng tình với phương án này: “Thật sự tôi cũng muốn giải quyết dứt điểm lượng thịt kém chất lượng đang tồn kho này, bởi vì nếu để lâu thì sẽ xảy ra tình trạng DN trộn lẫn hàng cũ với hàng mới rồi bán ra thị trường. Với chi phí tiêu hủy tính toán như trên thì không quá khó đối với DN và cơ quan thú y cũng dễ giám sát”.

Điều dư luận quan tâm hiện nay là, trong thời gian chờ quyết định cuối cùng từ Cục Thú y, cơ quan chức năng liệu có giám sát được các lô hàng đang nằm trong kho?

Gần 700 tấn xương động vật không rõ nguồn gốc

Đội 1, Phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường (C36) Bộ Công an trong 2 ngày 13 và 14.10 đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất tại khu phố 5, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM đang chứa gần 700 tấn xương động vật không rõ nguồn gốc. Tại Công ty TNHH TM & SX Thiên Phú (số 7E/13) có 500 tấn xương động vật chất thành từng đống cao, kéo dài từ trong kho ra đến các khu vực sân phơi quanh công ty. Theo ông Phạm Văn Lắm, Giám đốc Công ty Thiên Phú, công ty đã hoạt động được 2 năm, số xương này được mua lại của những cơ sở ve chai, hoặc những người thu gom xương từ các nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM về để sấy khô và xay làm thức ăn chăn nuôi.

Cạnh Công ty Thiên Phú là cơ sở Phạm Văn Hảo cũng đang chứa khoảng 200 tấn xương, da động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ sở này do ông Phạm Văn Hảo (em trai ông Lắm) làm chủ, chế biến và kinh doanh nguyên liệu làm phân bón từ xương động vật suốt 7 năm nay. Cơ quan chức năng còn phát hiện hàng chục tấn lông trâu, bò, heo, gà, vịt... đang chờ chế biến. Trong ngày hôm qua, 2 cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động để làm rõ. (Đ.Mười – C.T.V)

Tẩy trắng bì heo bằng hóa chất

Hôm qua đoàn kiểm tra liên ngành Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã kiểm tra cơ sở chế biến bì heo tại địa chỉ 36/20A Tăng Bạt Hổ, P.11, Q.Bình Thạnh. Tại đây đoàn phát hiện có 24 thùng xốp, 8 bao PP chứa đầy da heo tươi với số lượng hơn 3 tấn da heo, hàng chục ký bì heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Tại hiện trường còn có 9 thùng phuy và 1 bể đang ngâm da heo cùng hơn 100 kg hóa chất các loại dùng để tẩy trắng, làm giòn dai bì heo. Theo lời khai từ chủ hàng, số da heo trên được thu mua từ Quảng Ngãi. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số bì độc hại này. (Q.T)

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.