Nai lưng trả nợ “bắt chồng”

19/02/2010 13:58 GMT+7

Mùa cưới là mùa của những đôi uyên ương hạnh phúc. Nhưng đâu đó, với những hủ tục đang tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh với những hệ lụy của nó đã làm khổ sở biết bao cặp vợ chồng và những bậc sinh thành của họ...

Đã có ba mặt con nhưng chị Ma Hen người Chu Ru ở buôn Krăng Gõ (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) còn đỏ mặt ngượng nghịu kể với chúng tôi về cái đêm cả tộc kéo về nhà chị để chuẩn bị đi “chạm ngõ” nhà trai.

“Người ta nhìn thấy xấu hổ lắm”

Trời nhá nhem tối, khi mọi người đang tất bật xếp rượu, xếp khăn và cặp nhẫn cưới bằng bạc để sang nhà trai thì cô dâu tương lai lóng ngóng trong bộ đồ thổ cẩm truyền thống ngồi đợi ở góc phòng. Mặc dù trong cái bụng đã thấu hiểu là “thằng” Ya Sen nó thương mình, nhà trai chắc sẽ không từ chối lễ hỏi đơn sơ nhưng Ma Hen vẫn hồi hộp lắm. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời con gái, Ma Hen đi... bắt chồng. Đêm ấy là một đêm cuối năm, khi mọi người vừa đến đầu buôn của chàng rể tương lai thì cũng là lúc đàn gà trống cất tiếng gáy sáng. Bây giờ, Ya Sen đã là chồng của Ma Hen, nhà Ma Hen nghèo lắm, họ thương nhau và dòng họ nhà trai này có lòng cảm thông và nhận thức tiến bộ không thách cưới nên đám hỏi không rườm rà lễ vật.

Dẫu vậy, Ma Hen nói, nhà đằng gái vẫn không bỏ sót thứ lễ vật và thủ tục gì trong phong tục cưới xin truyền thống của đồng bào mình...

Ở buôn Pró Ngóh (huyện Đơn Dương), già làng Ya Ngôn là người hiểu biết đầy đủ phong tục cưới xin truyền thống của đồng bào Chu Ru. Già bắt đầu câu chuyện: Ngày xưa, trai buôn nào “được mắt”, nhà gái sẽ âm thầm chuẩn bị lễ vật rồi chọn một đêm tối trời nào đó bất ngờ kéo sang họ nhà trai. Thương lượng được thì bắt chồng, không được thì cả họ gái kéo về, đợi đến một ngày khác sẽ quay trở lại. Sao phải đi bắt chồng vào ban đêm? Già Ya Ngôn giải thích: “Phải đi trong đêm tối, vì may được nhà trai thuận ý thì tốt, còn không thì cũng về trong đêm nếu không người ta nhìn thấy thì xấu hổ lắm”.


Vì cha mẹ nghèo không có tiền “bắt chồng” nên người phụ nữ này vẫn độc thân

Lễ vật trong đám cưới truyền thống của người Chu Ru thường vẫn là tiền, vàng, dây cườm, khăn... Khăn trắng của người Chăm tốt nhất chỉ đáng giá 40.000 – 50.000 đồng, nhưng khăn đen của người Cơ Ho đáng giá 1 chỉ vàng/chiếc. Khăn là vật rất quý của đồng bào Chu Ru, dùng để quấn quanh người như áo ấm. Có 3 loại khăn được người Chu Ru dùng để làm lễ vật, gồm khăn luh (màu trắng), khăn aban (màu đen) và khăn dơla (màu trắng). Khăn dơla là khăn đắt nhất, từ 700.000 - 800.000 đồng/tấm. Tấm khăn cũng là một vật quan trọng trong đám hỏi. Khi nhà trai đã ưng thuận rồi, sẽ giao một căn phòng riêng cho đôi trẻ. Cô dâu (sơ đíu) và chú rể (pơ sang) sẽ trùm chung một tấm khăn, cầm chung một chiếc liềm và bước vào phòng. Tấm khăn và chiếc liềm tượng trưng cho sự đầm ấm, sự ăn nên làm ra của họ.

Già làng Ya Ngôn nói: “Khi xong xuôi rồi, bên nhà trai giao phòng cho đôi vợ chồng mới cưới. Hai vợ chồng trùm khăn và cầm liềm bước vào phòng. Khoảng 3 - 4 giờ sáng thì nhà gái đón và nhà trai cùng đưa con trai tới nhà gái, đưa trong đêm luôn...”.

Nợ đến cả đời con cháu

Ngày nay, cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc từng bước được cải thiện, điều kiện về văn hóa tinh thần cũng được nâng lên, những tưởng rằng hủ tục trong đời sống đồng bào đã được xóa bỏ, nhưng gần đây các hủ tục ấy đã có những biến thái mới ở một số buôn làng, nhất là tục thách cưới. Cộng đồng người Chu Ru ở thôn Kan Kil, xã Próh (Đơn Dương) hay ở xã Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) vẫn còn tồn tại hủ tục thách cưới nặng nề mỗi khi người phụ nữ tuổi cập kê đi “kiếm tấm chồng”. Già làng Ya Du, trưởng thôn Próh Ngoh, cho biết: Bây giờ, nhiều nhà người Chu Ru trong thôn vẫn còn thách cưới cao, từ 1 đến 2 cây vàng, hoặc chí ít cũng 5 chỉ trở lên.

Nhiều phụ nữ đơn thân

Hiện nay, ở các buôn làng Tây Nguyên, có rất nhiều phụ nữ độc thân, đơn thân do không bắt được chồng vì nghèo, không có tiền, vàng, vì hình thức không đẹp, vì cha mẹ không có con trai để trao đổi cho nhau. Từ chế độ mẫu hệ, phụ nữ có quyền lực và được quý trọng hơn nam giới (khi người vợ chết, người chồng phải khăn gói trở về bên nội), nhưng trước gánh nặng của tập tục thách cưới, giờ đây nhiều gia đình dân tộc thiểu số muốn sinh cả con trai con gái để thực hiện “giải pháp” có qua, có lại. Tục bắt chồng, thách cưới đã ảnh hưởng đến kế hoạch hóa gia đình. Và hơn hết, hủ tục đã làm cho sự nghèo túng mãi mãi đeo bám trên những mái nhà, những buôn làng.

Bà Tuteng Ma Bao, người Chu Ru ở xã Ka Đơn, có đến chín người con - 5 trai, 4 gái. Ba con trai đã đi lấy vợ, bà cũng “đòi” được của nhà gái đưa mỗi đứa ba chỉ vàng. Nhưng con gái bà bắt chồng, bên nhà trai quyết liệt đòi từ 1-1,5 lượng vàng. Cực chẳng đã, bà Ma Bao đã phải bán dần cho đến những mảnh ruộng cuối cùng và bây giờ phải kiếm sống từ việc bắt cua đồng. Gia đình sống trong một căn nhà tình thương nhỏ bé, bên cạnh một túp lều cũ rách dùng làm bếp. Trong nhà bếp không có lấy một hạt gạo, ngoài vườn không một cây bắp, khóm bí. Những người mẹ khác như Tu Prong Mapia (80 tuổi, người Chu Ru, thôn Ka Đê), Jơ Lâng Ma Ních (73 tuổi, người Cơ Ho, xã Próh)...cũng đã khuynh gia bại sản để cho 5 - 6 cô con gái của họ được... “bắt chồng”.

Nhiều gia đình khác trở thành “chúa chổm” vì lo “kinh phí bắt chồng cho con”. Gia đình bà Pdum Ma Nhen, người Chu Ru, xã Ka Đơn có cô con đầu “bắt chồng”, nhà trai đòi 8 chỉ vàng, 5 triệu tiền mặt, 10 cái khăn (trị giá từ 100.000 -500.000 đồng/cái), 15 dây cườm (300.000 đồng/dây). Đến con thứ, nhà trai đòi 8 chỉ vàng, 5,7 triệu đồng, 9 cái khăn, 12 dây cườm. Đám cưới đầu tiên bà Ma Nhen đi vay 20 triệu đồng, bà thỏa thuận nộp cho chủ nợ 80 bao lúa. Cô thứ hai đi “bắt chồng”, bà cho thuê 2 sào ruộng trong 10 năm để đổi lấy 5 chỉ vàng. Và vay thêm 5 chỉ nữa, mỗi chỉ vàng phải trả 30.000 đồng tiền lãi một tháng. Tính nguyên tiền lãi, mỗi tháng bà Ma Nhen phải trả 1,3 triệu đồng. Một số tiền cực lớn đối với một hộ nghèo người dân tộc Chu Ru!...

Việc thách cưới cao hay thấp tùy thuộc vào dòng họ của nhà trai lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào “giá” của chàng con rể tương lai. Ngày nay, nhà trai thường “ra giá” 5 - 6 triệu đồng tiền thách cưới thay lễ vật. Nếu như nhà trai không chịu cho con của họ về nhà gái, họ sẽ đòi nhà gái thêm một lần tiền như vậy nữa mới được “bắt” về. Bởi vậy, nếu sơn nữ nhà nghèo không bắt được chồng về thì phải theo ở nhà trai, khi nào làm gom đủ số vốn trả nợ lúc thách cưới khi đó mới được phép đón chồng về nhà mình.

Cũng có nhiều trường hợp vì thách cưới quá cao nên hai bên trai gái ăn ở với nhau có mấy mặt con rồi mới gom góp đủ tiền làm lễ cưới. Ông Ya Bây ở xã Tà Năng (huyện Đức Trọng), một người đàn ông Chu Ru có 5 con gái, nói: “Bây giờ một nhà mà có nhiều con gái như tao là khó khăn lắm, nào phải chia ruộng đất, trâu bò cho nó; nếu nó xấu, không bắt được chồng thì phải nuôi nó, nếu bắt chồng được thì tiền thách cưới hơn cả cây vàng, có khi còn bù thêm 5 chỉ nữa nhà trai mới chịu”.

Huyện Đơn Dương chỉ cách thành phố Đà Lạt khoảng 40 km, nhưng khi tìm hiểu về tục bắt chồng và thách cưới ở đây, chúng tôi cảm tưởng như mình đang lạc vào một thế giới khác. Ví như ở xã Ka Đơn có 538 hộ người Cơ Ho, 215 hộ người Chu Ru vẫn đang lưu giữ tục “bắt chồng”. Một “tấm chồng” thông thường ở Ka Đơn hiện nay có giá từ 1- 1,5 lượng vàng, kèm theo 5-10 triệu đồng tiền mặt. Cá biệt, có đám nhà trai đưa giá từ 2 - 5 lượng vàng, kèm theo... 50 triệu đồng tiền mặt. Đa phần người Chu Ru ở Đơn Dương hiện nay không cho nhà gái tổ chức đám cưới nếu chưa giao đủ lễ vật. Tất cả những trường hợp nợ do bắt chồng trước đây, nếu để qua ba đời mà không trả được, khi “con nợ” chết, gia đình vẫn phải làm thịt trâu, bò để cúng. Dân làng vẫn đến dự, nhưng rất lạ là tất cả đều không ăn.

Còn với tộc người Cơ Ho, luật tục cho phép trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo, gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới. Họ có thể trả dần và dĩ nhiên đôi vợ chồng trẻ phải nai lưng ra làm để trả. Trong trường hợp cặp vợ chồng này không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.