Bay lượn với diều

29/03/2010 09:55 GMT+7

(TNTT>) Ít ai biết rằng, để làm nên những con diều “dáng đẹp bay khỏe” như đã thấy ở Festival diều quốc tế lần 2 năm 2010 vừa qua, người chơi đã phải rất kỳ công. Đến mức chơi diều đã được đẩy lên thành một nghệ thuật và là thú đam mê bất tận với những người yêu thích nó.

Nghệ nhân Lâm Hoắc (Canada) được xem là 1 trong 7 tay chơi diều hàng đầu thế giới. Những màn trình diễn diều thể thao như diều nhào lộn, diều lộn qua người, diều “tẩm quất”... của ông Lâm Hoắc luôn làm mọi người trầm trồ thán phục.

Diều bay… không cần gió

Đến với Festival diều quốc tế lần 2 năm 2010, nghệ nhân Lâm Hoắc mang đến loại diều thể thao hiện đại nhỏ gọn, chất liệu bền khó xé, có 2 dây và 4 dây. Không chỉ biểu diễn diều ngoài gió, nghệ nhân Lâm Hoắc được mọi người biết đến về khả năng thả diều trong không gian hẹp không cần gió. Ông Lâm Hoắc cho biết: “Thả diều không cần gió đến với tôi rất tình cờ. Có lần, anh em ngồi với nhau trong nhà thấy chán quá, không làm gì nên mang diều chạy vòng vòng thì thấy diều cũng bay được. Từ đó tôi cũng nghĩ cách cải tiến diều để có thể thả trong nhà chơi”. Theo ông Lâm, để thả diều trong không gian hẹp, trần nhà phải cao 4 - 5 mét, diều cần phải làm bằng chất liệu nhẹ, nhỏ gọn hơn, dây cũng ngắn hơn so với diều thả ngoài trời. Thả diều trong nhà đòi hỏi nhiều ở sự di chuyển của người chơi: Phải biết hướng đi, bắt buộc phải đi lùi (đi về hướng đối nghịch cánh diều) để kéo diều lên; tay điều khiển phải đủ lực, nhanh và nhịp nhàng, kết hợp bước chân di chuyển hợp lý...

Đến Festival diều quốc tế lần này còn có sự xuất hiện của nghệ nhân diều New Zealand, ông Peter Lynn, người được xem là bậc thầy về cách làm diều theo nguyên tắc khí động học lớn nhất thế giới. Với 40 năm chơi và sản xuất diều, hiện tại, ông Lynn có 2 nhà máy chuyên sản xuất diều, mỗi năm làm ra hơn 10.000 cánh diều mang thương hiệu “Peter Lynn”. New Zealand có thế mạnh về diều không xương, ở mỗi Festival diều quốc tế khác nhau, ông Lynn giới thiệu những cánh diều với đủ kích cỡ, màu sắc, hình dáng khác nhau. Diều của ông Lynn từng được ghi vào sách kỷ lục Guinness vì lớn nhất thế giới với chiều dài 42m, rộng 25m.


Khán giả thích thú tò mò trước con diều đủ màu sắc này

Đam mê và kỷ lục

“Tôi mê diều từ lúc hơn 3 tuổi, nhưng mãi đến 25 tuổi tôi mới có dịp tiếp cận và thiết kế diều”, ông Lynn nói. Hiện tại, 3 con diều lớn nhất do ông Lynn sản xuất đang được 3 chủ tịch Hiệp hội diều Nhật Bản, Mỹ, Kuwait nắm giữ. Hơn 100 nước trên thế giới có sản phẩm diều của ông Lynn bán ngoài thị trường. Ông Lynn khoe, sẽ làm con diều cá đuối có diện tích 1.250m2. Con cá đuối lớn nhất ông Lynn đang thả tại khu du lịch Biển Đông chỉ có diện tích 45m2. 

Mới 25 tuổi và chỉ chơi diều 3 năm nay nhưng anh Nguyễn Trường Huy, TP.HCM đã được giới chơi diều cả nước biết đến bởi tài nghệ biểu diễn diều thể thao. Mặc dù chưa thể so sánh với tài năng của nghệ nhân diều Lâm Hoắc nhưng Huy vẫn là niềm tự hào của người Việt tại Festival diều quốc tế lần 2 – 2010. Huy biểu diễn diều thể thao 4 dây rất điêu luyện và luôn thu hút du khách đến xem. Huy cho biết, rất thích diều thể thao (điều khiển bằng 2 dây hoặc 4 dây) từ lúc nhỏ nhưng không có điều kiện để tiếp cận. “Thấy diều Việt Nam cứ đứng im trên bầu trời, còn diều thể thao của nước ngoài lại bay lượn theo sự điều khiển của nghệ nhân làm mình thích lắm. Sau khi xem các video, mình đã tìm mọi cách để làm loại diều này và tập cách chơi”.

Khi học Đại học Bách khoa TP.HCM, Huy mới đến với môn chơi diều này và lên mạng hỏi các nghệ nhân nước ngoài về cách làm, cách chơi diều. “Mình làm con diều đầu tiên chỉ chơi được vài "trick" (kiểu bay của con diều) không được như những con diều nước ngoài. Sau nhiều lần sáng tạo, đến nay mình cũng đã làm được con diều tương đối đáp ứng được kỳ vọng của mình”, Huy nói. Con diều hiện tại của Huy là diều thể thao loại 4 dây, Huy có thể chơi được 15 trick, như: kiểu Yoyo (xoay dọc chiều), fade (xoay ngược mặt), nhảy 2 chân, xoay theo các trục của con diều (diều có 3 trục)…


Kapadia nghệ  nhân Ấn Độ đang thả diều kiểu truyền thống 

 

Những cuộc chơi công phu

Tính đến nay, Huy đã làm ra 30 con diều thể thao. Để làm một con diều thể thao, Huy phải đặt mua vật liệu (khung sườn diều) từ nước ngoài. Giá thành mỗi con diều gần 2 triệu đồng (loại diều Huy làm, nước ngoài bán gần 500 USD/con). Khi hỏi Huy có thể dạy cho mọi người chơi diều, Huy liền “ok”. Huy cho biết, bãi chơi diều nơi Huy hay chơi nằm ở đường Nguyễn Văn Linh. Tuy nhiên, hiện nay Huy đang là chuyên viên giám sát an toàn ở sân bay Tân Sơn Nhất nên thời gian Huy dành cho chơi diều là rất ít.

Theo nghệ nhân Bùi Kim Long, Hà Nội, để làm được một con diều sáo chuẩn chẳng đơn giản chút nào. Trước hết phải chọn tre đực già, phơi nắng cho khô, vót thành khung. Cánh diều phải được làm từ vải Cát Bá, một loại vải mịn, bền và chắc để khi diều no gió không bị bục tung ra. Đặc biệt, linh hồn của diều sáo là những chiếc sáo, thực sự phải chế tác rất kỳ công. Chỉ vào 2 cây sáo đang nằm trên bãi cát, nghệ nhân Bùi Kim Long tỉ mỉ giải thích: “Cây sáo này là giọng pha trưởng, còn cây này là giọng đô trưởng. Mỗi bộ diều sáo có âm điệu khác nhau, tùy thuộc vào chất liệu của từng ống sáo. Cũng có lúc chúng tôi chọn ống nhựa hoặc lon bia làm ống sáo, nhưng âm thanh không chuẩn, tiếng sáo thật nhất vẫn là thân sáo làm bằng chất liệu tre, hoặc trúc”.

Cái hay ở chỗ, người chơi diều có thể tạo ra cây sáo có âm vực trầm, âm vực cao, hoặc thể hiện như tiếng cồng thu quân (sáo cồng), tiếng kêu như lời than (sáo đẩu) hoặc như tiếng còi (sáo còi)”. Sau khi chọn được các ống tre cái, tùy vào độ lớn của cánh diều mà người chơi lựa chọn ống sáo có kích cỡ khác nhau. Hai đầu sáo được khoét giống với hàm én để tạo tiếng (chất liệu bằng gỗ vàng tâm).

Người khoét sáo diều phải là người am hiểu về diều sáo, có đôi tay khéo léo, nếu không sáo bị rít tiếng, coi như vứt bỏ. Dây thả diều cũng làm bằng tre. Tre dùng làm dây diều là loại tre bánh tẻ, đốt dài. Người chơi diều sẽ pha chế thành từng đoạn rồi chẻ róc thành những chiếc lạt không quá dày cũng không quá mỏng. Lạt tre làm dây diều được nối lại với nhau đem đun trong nước muối một ngày một đêm cho dây thật dẻo, thật chắc để đủ sức giữ diều...

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.