Người cựu chiến binh có đàn con ‘khổng lồ’

16/05/2024 09:00 GMT+7

Suốt 16 năm qua, cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng đã dang rộng vòng tay cưu mang hơn 400 em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng.

Không mái ấm nào bằng nhà mình

Về thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) hỏi thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thì nhiều người dân ngờ ngợ chưa nhận ra nhưng khi nói "mái ấm ba Hùng" thì ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường. Từ xa, nhìn về mái ấm chúng tôi đã thấy hàng chục em nhỏ đang vui đùa ngoài sân vườn trước nụ cười hiền hậu của người cha già Huỳnh Tấn Hùng, 63 tuổi.

Ông Hùng chăm chút từ bữa ăn đến giấc ngủ cho các em nhỏ từng ở tại trung tâm

Ông Hùng chăm chút từ bữa ăn đến giấc ngủ cho các em nhỏ từng ở tại trung tâm

TGCC

Dáng người hao gầy, giọng nói ấm áp của ông Hùng khiến ai tiếp xúc cũng cảm nhận được tình cảm của ông. Thời trai trẻ, ông Hùng tham gia quân ngũ, góp công bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Xuất ngũ trở về địa phương, ông Hùng luôn tâm niệm làm việc tốt cho xã hội, dù là nhỏ nhất. Vì vậy ông thường tham gia hoạt động thiện nguyện, vận động xây nhà tình thương cho hộ nghèo.

Tuy nhiên, ông thấy giúp được người ta căn nhà nhưng đời sống họ còn rất khó khăn, trẻ em không được đến trường, vì vậy trong một lần trao đổi với sư cô Minh Hiếu ở Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai), ông Hùng đã nghĩ đến xây dựng một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2005, ông Hùng lập kế hoạch trình chính quyền địa phương và được địa phương cấp 1.000 m2 đất vùng ven thị trấn Phú Thịnh. Ông tự bỏ tiền tiết kiệm cùng với nguồn hỗ trợ của sư cô xây dựng được 2 dãy nhà cấp 4. 3 năm sau, trung tâm chính thức ra đời. 

"Quê tôi nhiều trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam nên các em đó đến với tôi đầu tiên. Ngày đó, gia đình tôi cũng khó khăn, may mà có bà xã giúp đỡ trông nom để tôi đi làm có thêm chút tiền nuôi các em", ông Hùng nhớ lại.

Có em đến với ông khi đã cứng cáp và cũng có em đến khi mới vài tháng tuổi. Như em Trần Trí Thanh, 9 tháng tuổi đã rời xa vòng tay mẹ đến với ngôi nhà mới của ba Hùng. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, mẹ không có việc làm nên đã đến nương nhờ trung tâm. "Ngày xưa nuôi cháu khá vất vả vì cháu bị khuyết mất một bàn tay nên đi lại hay bị nghiêng và ngã, song thấy cháu khôn lớn, trong lòng tôi nhẹ nhõm vô cùng", ông Hùng chia sẻ.

Yêu thương các con như con ruột

Ông Hùng nói, chăm các em ở trung tâm khó hơn chăm con ruột vì ban đầu nhiều em mới về chưa quen, rồi có một số em khuyết tật phải chăm sóc đặc biệt. Từ khi đón các em về, ông Hùng không có khái niệm ngủ trưa hay đi du lịch, thậm chí ban đêm chỉ ngủ vài tiếng vì thắc thỏm trông các em quấy khóc.

Ông Hùng cũng đặt ra một số quy định nhận trẻ như trẻ phải có lý lịch rõ ràng và người thân đồng thuận đưa đến. Do nguồn lực có hạn nên trung tâm chỉ nhận trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hoặc mồ côi; vào trung tâm trẻ sẽ được miễn phí ăn ở, học tập đến khi gia đình nhận về hoặc trưởng thành.

"Tôi có chút kiến thức y học nên biết chăm trẻ ốm. Có những đêm mấy em bị sốt, tôi và bà xã thay nhau trông suốt đêm, chỉ mong các em chóng khỏi bệnh. Tuổi thơ các em chỉ có một lần nên tôi muốn bù đắp cho các em để các em có một bầu trời hy vọng", ông Hùng nói.

Bà Phùng Thị Quấy, vợ ông Hùng cho biết: "Tôi thấy ông ấy chăm trẻ cực quá nên tôi dọn lên trung tâm ở cùng, giúp đỡ ông ấy, lâu dần tôi cũng trở thành mẹ, thành bà ngoại của các em. Vợ chồng tôi chỉ trông vào mấy sào lúa nên cũng được các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ".

Các em nhỏ tại trung tâm được thưởng thức một bữa ăn

Các em nhỏ tại trung tâm được thưởng thức một bữa ăn "thịnh soạn" do các nhà hảo tâm tài trợ

TGCC

Tiếng lành đồn xa, một số cụ già neo đơn không nơi nương tựa cũng tìm đến nương nhờ mái ấm, ông Hùng không ngần ngại đón các cụ về chăm sóc như người thân. Ông Hùng cho biết, hiện mỗi tháng trung tâm dùng từ 120 – 150 ký gạo, còn tiền sinh hoạt khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Hằng năm, ông Hùng đều đến các trường để xin cho các em học, kể cả khi các em đã vào đại học hay học nghề ông cũng tìm cách kết nối doanh nghiệp hỗ trợ học tập, việc làm. Đến nay, đã có 4 em tốt nghiệp đại học. Ông chỉ mong các em trưởng thành, lập nghiệp rồi đi giúp đỡ người khác chứ không màng các em mang tiền về trung tâm hay phải báo hiếu ông.

Em Dương Thái Lâm, từng ở trung tâm và nay đang học Cao đẳng FPT Đà Nẵng, cho biết: "Lúc đầu vào em gọi bằng ông, sau gọi bằng ba Hùng. Ba rất tuyệt vời, lớn dạy theo cách lớn, nhỏ thì yêu thương, dạy dỗ và chăm chút cho chúng em từ việc nhỏ nhất. Em thấy may mắn khi đến với ba Hùng. Bây giờ lúc rảnh rỗi em thường về hỗ trợ ba Hùng giúp các em nhỏ học bài, ăn uống và vệ sinh".

Ông Hùng cho biết, từ khi thành lập đến nay có khoảng 400 trẻ em được phụ huynh đưa đến nhờ giúp đỡ. Trong đó, có 200 em ở một thời gian thì gia đình ổn định kinh tế và đón về, khoảng 200 em ở đến khi trưởng thành và hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 22 em từ 1 - 15 tuổi. Là ông, là cha của hơn 200 em nhỏ, đôi lúc có em chưa ngoan nhưng ông Hùng không cáu giận, không la mắng mà luôn dùng tình thương yêu để dỗ dành, bảo ban các em. Đó chính là bí quyết để ông Hùng luôn gần gũi được các em không khác một người mẹ.

Ước mong các con trở thành người tử tế

Ngoài nuôi các em ở trung tâm, ông Hùng còn vận động nhà hảo tâm xây dựng được hàng chục ngôi nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cho phụ huynh tìm kiếm việc làm và yên tâm gửi con ở trung tâm đến khi đủ điều kiện đón con về. "Dù ở đây tốt đến mấy cũng không bằng các em ở cùng bố mẹ", ông nói.

Những nhà hảo tâm đến tặng quà cho trung tâm (ông Hùng thứ 2 từ trái sang)

Những nhà hảo tâm đến tặng quà cho trung tâm (ông Hùng thứ 2 từ trái sang)

TGCC

Anh Nguyễn Bình Nam, trưởng nhóm Bạn thương nhau chia sẻ: "Mình thường xuyên đến đây hỗ trợ các bé, thấy cô chú đã lớn tuổi chăm sóc trăm em nhỏ mình thấy rất ngưỡng mộ. Xin cảm ơn chú Hùng, cảm ơn các bé, nhờ mọi người chúng ta được chứng kiến những câu chuyện tử tế".

Theo em Cao Thị Lê Thu: "Con ở trung tâm cảm thấy rất vui. Ở đây ông ngoại yêu thương tất cả chúng con, chơi cùng chúng con, hễ chúng con ốm đau ông săn sóc. Ông thường bảo chúng con phải cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội, ông không mong chúng con báo hiếu mà chỉ mong chúng con nếu có thể thì hãy giúp đỡ những người khó khăn mình gặp trong cuộc đời".

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Ninh cho biết: "Chúng tôi đã và đang tạo mọi điều kiện để đồng hành cùng trung tâm nhằm tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn trong thời gian tới, giúp đỡ các em có hoàn cảnh không may mắn, hoạt động thiết thực và nhân văn. Trung tâm đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội không chỉ trong huyện mà còn trong tỉnh Quảng Nam".

Ông Hùng thổ lộ, ông cũng nghĩ đến ngày già yếu không ai trông nom tụi trẻ... Ông bảo nếu như sau này ai có điều kiện tiếp nhận trung tâm ông sẵn sàng trao lại để họ tiếp tục giúp đỡ các em chứ ông không giữ của riêng mình. "Tôi chỉ mong các em khôn lớn và trở thành người tử tế, giúp đỡ người yếu thế, ngoài ra tôi không có mong muốn nào cả", ông Hùng cười hiền nói.

Người cựu chiến binh có đàn con ‘khổng lồ’- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.