Những ngôi chợ độc đáo: Chợ họp trong đình

18/05/2024 06:52 GMT+7

Ở VN có nhiều tên chợ gắn với chữ "đình" cùng địa danh nơi đó, như chợ Đình Bích La (Quảng Trị), chợ Đình Bình Thủy (Châu Phú, An Giang), chợ Đình Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Riêng chợ Đình trong bài viết này không gắn với bất cứ địa danh nào nhưng những ai từng buôn nón lá dọc miền Trung 50 năm về trước, nghe đến chợ Đình là biết nó ở đâu.

Sự khác biệt của ngôi chợ này không chỉ vì nó nằm trong một đình làng mà thời gian họp chợ cũng chẳng giống ai và bán một loại sản phẩm cũng "không đụng hàng". Đó là chợ Đình thuộc xã Tịnh Bình, H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

TRÁNH KHU TRỤC PHÁP

Hôm rồi có dịp ngang qua chợ Đình ở Tịnh Bình, thấy tấm biển ghi "chợ Đình", đứa cháu lên 10 được "ông trẻ" dẫn theo, hỏi: "Ông ơi, đã chợ sao lại có đình nữa?". Lâu nay quen miệng gọi thế chứ giờ trẻ con nó hỏi thì giật mình ngay vì không ít người, nhất là lớp thanh niên ngày nay không hiểu ngọn ngành về tên các ngôi chợ như chợ Đình này. Tôi đành tìm kế hoãn binh theo cách đoán mò: "Trong chợ có cái đình nên người ta định danh luôn đó mà". Nó chả chịu tha: "Mình vô coi cái đình đi ông?". Đến nước này thì tôi đành nói dối cháu: "Giờ tối họ đóng cửa chợ rồi, bữa nào ta cùng trở lại xem cháu nha".

Chợ Đình ngày nay không còn tấp nập

Chợ Đình ngày nay không còn tấp nập

TRẦN ĐĂNG

Thực ra thì việc đoán mò của tôi để trả lời đứa cháu chả sai. Cụ bà Nguyễn Thị Mai, 86 tuổi, chủ một đại lý buôn nón trước đây ở chợ Đình, giải thích: "Chợ Đình thuộc làng Châu Nhai, một tên gọi cũ thời Pháp thuộc, nguyên nó là ngôi chợ nhóm ở Gò Cát - cách chợ Đình ngày nay chừng vài cây số. Đâu khoảng năm 1950, tàu bay Pháp nó bay ngang và thấy cảnh họp chợ nên thả bom. Thế là, thay vì nhóm chợ giữa Gò Cát, người ra rút vô trong một cánh rừng bên cạnh đó. Trong cánh rừng này lại có một ngôi đình do dân Châu Nhai lập ra để hội họp, tế lễ thường niên. Vì là trong chợ có ngôi đình, thế là người ta định danh luôn cho nó là chợ Đình".

Cũng cần nói thêm là, thời "chín năm" - cách gọi của những cụ già để chỉ thời kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Quảng Ngãi là vùng tự do của Liên khu 5. Tuy không có bóng dáng của lính Pháp nhưng máy bay khu trục của Pháp luôn "dòm ngó", hễ thấy bất cứ động tĩnh gì là chúng cắt bom. Toàn bộ sinh hoạt của người dân thời đó, đều phải làm vào ban đêm. Chợ Đình cũng phải chấp nhận quy luật đó. Nhưng để có thể họp chợ "đúng giờ" mà không sợ máy bay Pháp thì chỉ còn cách chuyển vô rừng. Bảy tám chục năm về trước, vùng này còn rất nhiều cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Dựa vào lợi thế này, chợ Đình nhóm họp giữa ban ngày suốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà vẫn an toàn.

Vị trí mà chợ Đình tọa lạc là nơi giao lưu buôn bán giữa hai miền xuôi - ngược của phía bắc tỉnh Quảng Ngãi. Sản vật của vùng rừng núi Trà Bồng và phía tây Sơn Tịnh thường mang về đây tiêu thụ, còn dân miệt biển thì mang cá và các loại mắm lên đây bán cho người miền ngược. "Đó là giai đoạn đầu, còn sau này, chợ Đình chỉ bán độc một loại: nón lá!", cụ Mai cho biết thêm.

Vẫn còn bán nón lá dù đầu thì đội mũ bảo hiểm

Vẫn còn bán nón lá dù đầu thì đội mũ bảo hiểm

PHẠM ANH

ĐẶC SẢN NÓN LÁ

Dựa vào các loại đặc sản bán trong chợ, người ta định danh cho ngôi chợ ấy, như chợ Bò (chuyên bán bò ở xã Tịnh Phong, H.Sơn Tịnh) hay chợ Heo (ở TT.Sơn Tịnh trước đây) chẳng hạn. Nhưng chợ Đình lại không nằm trong quy luật ấy. Đó là ngôi chợ độc đáo nhất vùng này, chuyên bán một loại "thời trang" mà bất cứ ai cũng phải sử dụng. Đó là nón lá. "Mẹ về nón lá nghiêng che" (thơ Đỗ Trung Quân). Hình ảnh ấy, ai mà chẳng nhớ đó là mẹ ta sau mỗi buổi làm đồng về. Nghiêng che ở đây chả phải làm duyên làm dáng để chụp ảnh "tự sướng" như bây giờ đâu, mẹ ta nghiêng vành nón lại để lấy ra khỏi đầu và quạt cho mát tí rồi vào bếp cơm nước cho cả nhà đó thôi.

Cụ bà Nguyễn Thị Mai nhớ lại: "Đến sau năm 1954, chợ Đình vẫn tiếp tục họp trong cánh rừng ấy chứ không quay lại Gò Cát. Chợ chỉ nhóm họp lúc 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều là tan. Từng "núi" nón lá được gom về đây bán. Có một thương nhân người Bình Định tên là Lê Văn Đồng chuyên ra đây gom từng "cây" nón, cứ đủ một chuyến hàng thì thuê xe chở về. Mỗi tháng ông ra vài lần và mua hết số nón ở chợ Đình. Vì vậy, dân quanh vùng như Vĩnh Lộc, Châu Nhai, An Thiết (Bình Nam, Bình Bắc, Bình Đông bây giờ) đã hình thành những làng chằm nón chuyên nghiệp là vậy".

Ngay sau lưng các làng nghề này có hẳn một ngọn núi mang tên "núi Nón". Ngọn núi này chuyên cung cấp nguyên liệu lá nón cho các làng nghề. Tuy nhiên, giai đoạn cực thịnh của nghề chằm nón, ngọn núi này cũng bị khai thác cùng kiệt. Để cung cấp đủ lá nón cho các làng nghề này, có một đội quân chuyên săn lùng trên miệt Sơn Hà, Ba Tơ - những huyện vùng cao có nhiều cây lá nón để mua lại của đồng bào H're rồi mang về.

Để làm ra những chiếc nón xinh xắn ấy, phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu như dùng cát để chà xát cho lá nón tróc hết phấn, dùng miếng gang hơ nóng rồi tì vuốt cho những chiếc lá ấy phẳng ra rồi mới chằm. Ngay cả công đoạn chằm cũng khá công phu. Thấy những người phụ nữ vừa "buôn chuyện", mắt để đi đâu nhưng tay cứ thoăn thoắt "xâu" vào những chiếc lá, ấy vậy nhưng chẳng bao giờ bị kim đâm vào tay cả!

Trong nghề chằm nón, lại cũng có những bậc "cao thủ", chuyên chằm những chiếc nón đặc biệt thay lời tỏ tình của các chàng trai khi tặng cho các cô thôn nữ. Ngoài việc chọn lựa loại lá "hạng một", giữa hai lớp lá của chiếc nón còn có những hình ảnh minh họa rất bắt mắt như hình trái tim, hình đôi chim bồ câu...

Cuộc sống hiện đại với đủ các loại thời trang thịnh hành từ vài chục năm nay đã "khai tử" luôn nghề chằm nón ở các làng nghề này nhưng chợ Đình thì vẫn còn đó dù "đặc sản" thì đã biến mất cùng cánh rừng và ngôi đình dạo nào. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.