Những ngôi chợ độc đáo: Trăm năm chợ cổ Cần Thơ

22/05/2024 07:12 GMT+7

Theo Monographie de la provine de Can Tho (1904), chợ Cần Thơ xưa ở làng Tân An, tổng Định Bảo, được xếp hàng đầu trong 10 ngôi chợ lớn của tỉnh này.

Thời đó, Cần Thơ thuộc địa phận của trấn Vĩnh Thanh cùng với Long Xuyên, Châu Đốc. Đời Minh Mạng, Châu Đốc đổi tên thành An Giang, Cần Thơ thành huyện Phong Phú.

Mặt trước chợ cổ Cần Thơ

Mặt trước chợ cổ Cần Thơ

Hoàng Phương

Một thời sầm uất

Theo mô tả của J.C.Baurac trong Nam Kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây, lỵ sở Cần Thơ xưa nằm ở bờ bên phải sông Ba Thắc (Bassac). Cách tòa tham biện chừng 200 m, một lô cốt được xây bằng gạch bên bờ sông, cửa sổ song sắt, 1 tầng trệt, 1 tầng lầu, có 4 góc lõm, vì vậy tòa nhà có hình chữ thập.

Bấy giờ, mỗi năm, Cần Thơ làm ra 7,5 triệu giạ lúa (mỗi giạ 20 kg), 1/3 giữ lại tiêu thụ, 2/3 xuất cảng. Nếu tính theo thời giá lúc đó khoảng 35 đồng bạc (piaster) 100 giạ lúa thì mỗi năm Cần Thơ xuất được 1,850 triệu bạc. Cứ 3 tuần một lần, xà lúp chạy bằng hơi nước của hãng Messageries Fluviales từ Sài Gòn đi Đại Ngãi (Sóc Trăng) và ngược lại đều dừng ở đây. Cầu tàu nơi cập bến nằm ở rạch Cần Thơ, gần đối diện với nhà hàng Hotel de la Sorbonne. Xà lúp ngang qua Cần Thơ có thể thả neo dễ dàng trong rạch hoặc cập cầu tàu của chợ Cần Thơ.

Mặt sau chợ cổ Cần Thơ

Mặt sau chợ cổ Cần Thơ

Hoàng Phương

Cần Thơ thời đó thay đổi nhanh. Những bờ kè trồng xoài dài hàng trăm mét, bắt đầu chỗ gần lô cốt và kết thúc ở khu chợ. Một con lộ men theo bờ kè, đó là tuyến đường từ nội ô Cần Thơ đi Cái Răng.

Sau khi Pháp lần lượt chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào năm Đinh Mão 1867, một hôm, dinh tham biện Phong Phú bị đốt cháy và viên quan ở đó cũng bỏ trốn. Vài tháng sau, lại xảy ra sự kiện một người tên Đinh Sâm nổi dậy ở Láng Hầm, giết chết cai tổng Định Bảo tên là Nguyễn Văn Vinh. Ngay lập tức, Pháp điều động các đội lính mã tà do Trần Bá Lộc (Mỹ Tho) và Huỳnh Công Tấn (Gò Công) chỉ huy, tới đàn áp cuộc nổi dậy.

Tự hào chợ cổ Cần Thơ

Tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng (Q.Ninh Kiều) hiện nay, qua từng giai đoạn, chợ Cần Thơ có nhiều tên gọi khác nhau như chợ Lục Tỉnh, chợ Hàng Dương và bây giờ là chợ cổ Cần Thơ. Một thời, người dân địa phương rất tự hào về ngôi chợ này.

Tờ An Hà nhựt báo cuối tháng 1.1918 có bài Cần Thơ nhơn vật, mô tả ngôi chợ này có nhà lồng, nhà bến, hai bên đường lớn đều cất phố lầu, buôn bán đông, đường sá tốt. Ban đêm thắp đèn khí sáng trưng. Xe kéo, xe ngựa, xe máy, xe hơi từ sớm mai đến chiều qua lại tấp nập. Gần chợ có sở thương chánh, nhà bưu điện và "phông tên" giếng nước. Xung quanh có nhà hàng bán rượu, cơm Tây. Dưới sông thì "Tàu đưa đi Đại Ngãi, tàu đưa tới Trà Bang, đi xuống Sóc Trăng, đi qua Phụng Hiệp. Tàu lên Châu Đốc, đi xuống Mỹ Tho…".

Chợ cổ Cần Thơ về đêm

Chợ cổ Cần Thơ về đêm

Hoàng Phương

Rạp chiếu bóng đầu tiên của Cần Thơ cũng được xây dựng gần chợ. Theo quảng cáo trên tờ An Hà nhựt báo ngày 22.11.1917, rạp này khởi công xây dựng ngày 31.10.1917, cất theo kiểu nhà hát bên Paris. Phim ảnh được nhập từ bên Tây qua. Không có nhà hát bóng nào bì kịp, hình coi rõ lắm, coi không chóng mặt, rõ như thể người sống thiếu có tiếng nói mà thôi…

Theo ghi chép của Huỳnh Minh trong Cần Thơ xưa và nay thì chợ Lục Tỉnh xưa có một cái bến giới thương hồ đậu ghe thuyền mua bán, ven bờ có hàng dương nên chợ được dân địa phương gọi là chợ Hàng Dương. Thời Pháp thuộc có đặt tại đây một tấm biển đề Quai de Commerce (bến thương mại). Sau năm 1954, tấm biển này được chính quyền gỡ xuống, đổi là bến Lê Lợi. Bấy giờ, ở đây vẫn tồn tại bến chợ, ghe xuồng của giới thương hồ đậu san sát, việc mua bán vẫn tấp nập.

Bên trong chợ cổ Cần Thơ

Bên trong chợ cổ Cần Thơ

Hoàng Phương

Thời gian sau, bến Lê Lợi được chỉnh trang lại, làm công viên cho du khách hứng gió, ngắm cảnh. Ngày 4.8.1958, bộ trưởng của chính quyền thời Ngô Đình Diệm là ông Lâm Lễ Trinh xuống chủ tọa lễ khánh thành. Bến Lê Lợi được đặt tên là bến Ninh Kiều để kỷ niệm chiến tích của Bình Định vương Lê Lợi đánh tan quân Minh tại Ninh Kiều (Chúc Động) - Tụy Động (Tốt Động) thuở xưa. Lúc này, ở mặt tiền chợ, bên phải có đường Phan Châu Trinh, bên trái là đường Phan Bội Châu được trồng hai hàng dừa cao vút, người địa phương gọi là đường Hàng Dừa, vì vậy chợ Cần Thơ có thêm một cái tên nữa là chợ Hàng Dừa.

Kiến trúc xưa độc đáo

Nhà lồng chợ Cần Thơ có diện tích khoảng 1.700 m², thiết kế theo chữ T, mặt tiền ngó ra đường Hai Bà Trưng. Vật liệu chủ yếu là bê tông cốt thép, mái lợp ngói. Hai dãy hai bên được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, "thượng lầu hạ hiên" 3 lớp mái. Gian chính là một cổ lâu với một tháp chính và hai tháp phụ. Tháp lớn nhất có gắn đồng hồ, hai bên có hai tháp nhỏ đối xứng.

Bên trong chợ cổ Cần Thơ

Bên trong chợ cổ Cần Thơ

Hoàng Phương

Tất cả các tháp đều được lợp ngói ống. Nóc tháp trang trí thêm phù điêu cách điệu hỏa châu, long vân… Hành lang tháp chính được chạy hoa văn kỷ hà, tạo thêm điểm nhấn. Chỗ giao nhau hình chữ T có 4 cây kèo bê tông đỡ lấy mái tháp. Ngoài ra ở tháp chính người ta còn xây thêm một mái hiên, cũng được lợp ngói ống lưu ly. Sự kết hợp này khiến ngôi chợ trông vừa có nét cổ kính vừa hiện đại.

Do có 3 lớp mái xếp chồng lên theo hình vòm nên bước vào bên trong thấy chợ cao ráo, thông thoáng. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc ngôi chợ với phố xá hai bên đường và công viên cây xanh làm tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chợ cổ, một thời được xem là chợ đẹp nhất miền Tây. Sau hơn một thế kỷ, trải qua bao thăng trầm thế sự, chợ Cần Thơ dần dần xuống cấp. Đến đầu thế kỷ 21, chợ được trùng tu và hoàn thành vào tháng 4.2005. Điều đáng ghi nhận là trong lần trùng tu quy mô này, kiến trúc cũ của ngôi chợ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.