Lâm “điện đường loa chợ”

18/01/2011 21:33 GMT+7

Một người đàn ông xứ biển có nhiều biệt danh: Lâm “điện”, Lâm “đường”, Lâm “loa”, Lâm “chợ”, hay có khi ghép lại thành Lâm “điện đường loa chợ”.

Anh tên thật là Lê Lâm (ngụ xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), còn những biệt danh trên là do bà con chòm xóm đặt cho để nhắc về những việc tốt mà anh đã làm.

Dân biển nhưng mê làm mộc

Xóm biển nghèo hiện ra với tất cả những gì nó có: những mái nhà lụp xụp nằm cạnh những hàng dương và mênh mông gió cát. Có những đứa trẻ chân đất đuổi nhau chạy khắp đường làng, có những cụ già miệt mài khâu lại mớ lưới chài cũ kỹ… Nhưng không ai trong số họ lại không biết về anh Lâm, ngược lại họ còn hăng hái chỉ đường và nhắc chúng tôi rằng: “Hắn là ân nhân của dân xứ này đó cậu!”.

Trong gian phòng khách nhỏ treo đầy bằng khen, giấy khen, anh Lâm pha tách trà nóng và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình. “Năm 1984, tui vào bộ đội để ra Bắc, được hai năm thì bị thương, cụt mất 2 ngón tay nên đơn vị cho về nhà. Hai năm sau đó, tui chủ yếu đi biển, cùng bà con rong ruổi theo con tôm, con cá…”, anh hồi tưởng. Nhưng sau những chuyến quăng quật ngoài khơi xa, thu nhập bấp bênh và hiểm nguy rình rập, anh bắt đầu lần tìm một hướng đi mới. Gia đình và bà con không ngờ rằng, Lâm đã bắt đầu với một nghề mà trước nay quá lạ lùng với xứ biển: làm mộc. “Chú biết sao không, chạy dọc bờ biển này cả trăm km cũng không có xưởng mộc nào nên tui nghĩ làm mộc ắt sẽ thắng”, người đàn ông trung niên có học vấn chưa hết lớp 5 trình bày sự logic trong ý tưởng của mình.

Anh kể dạo đó mình cũng không “bái thầy bà” nào để học mà chủ yếu học lóm trong những lần đi “ngơ ngơ”, quẩn quanh trong các xưởng mộc trên phố, hết ra Đông Hà lại vào thị xã Quảng Trị. “Nghề sẽ tự đào tạo mình” - đó là phương châm làm việc của Lâm.

Dù chọn một con đường khó, dù không được ai chỉ bày nhưng bằng nghị lực, những giọt mồ hôi và một chút tài hoa, Lâm đã thành công từ bàn tay trắng. Gần 7 năm sau khi mở xưởng mộc, anh đã phải sống và làm việc trong vất vả bộn bề, ít vốn, thiếu thợ. Nhưng từ năm 1997 trở lại đây, công việc kinh doanh của Lâm đã đi vào ổn định, thu hút được hơn 10 nhân công làm việc thường xuyên với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

“Mạnh thường quân” xứ cát

Đầu năm 1998, khi cả vùng cát này không có lấy một con đường, muốn đi lại thì người dân phải “lội” hết trảng cát này đến trảng cát khác, đến nỗi đôi bàn chân ai cũng chai trân thì anh Lâm bắt đầu hì hục làm đường. Thuê mấy chục chuyến xe tải chở đất thịt từ nơi khác đến, anh đã tạo nên một con đường ước mơ cho bà con xóm chài với chiều dài hơn 3km. Khi đường hoàn thành, nhiều cụ cao niên trong làng vui đến mức ứa cả nước mắt, bởi đến tuổi gần đất xa trời họ mới được đi trên con đường đất đúng nghĩa của quê hương mình.

Một năm sau, khi dòng điện quốc gia về được với vùng quê hẻo lánh này, anh Lâm tiếp tục cùng thợ của xưởng mộc “bỏ việc” hơn 2 ngày để dựng cột lắp 15 bóng đèn công suất lớn tại những điểm khuất, tối suốt dọc đoạn đường từ biển Mỹ Thủy đi vào thôn Thâm Khê. Thời gian đó, đối với trẻ con xứ này, mỗi tối là một “lễ hội” vì chúng được ra đường chạy nhảy, đùa nghịch dưới ánh đèn sáng trưng. Em Nguyễn Văn Lợi (15 tuổi) nói với chúng tôi: “Vì thích chơi dưới ánh đèn đó nên em thích luôn anh Lâm. Bây giờ em vào xưởng anh Lâm học nghề mộc để sau này sẽ làm được nhiều việc tốt như anh ấy”.

“Khoảng năm 2000, tui đi lên mấy vùng quê khác thấy chỗ nào cũng có cài loa xóm để thông báo cho bà con việc làng việc nước nên tiện thể ghé qua chợ mua bộ loa và dàn âm ly về mắc trước nhà mình luôn”, anh Lâm hóm hỉnh. Và cái biệt danh Lâm “loa” đã có từ đó. “Đài phát thanh” của anh Lâm phát đều đặn suốt 8 năm trời, ngoài thông báo việc làng, anh còn kiêm luôn dự báo thời tiết, báo hiếu, báo hỉ, tết nhất thì bật nhạc xuân cho vui xóm vui làng…

Anh Lâm còn có một bà o ở trời Tây và một vài người họ hàng khá giả ở TP.HCM và Bình Dương, cứ có chuyện gì là anh lại điện thoại nhờ hỗ trợ, lúc họ về quê thì anh dẫn đi xem những gia đình khó khăn cần giúp đỡ. “Năm rồi, họ cho xã 1 chiếc thuyền đua, 300 suất gạo hỗ trợ bão lụt với xây 2 căn nhà tình nghĩa đó”, anh khoe. Thế nên cũng không quá bất ngờ khi bà con trong thôn Thâm Khê đã đặt một bài vè về anh, tuy đọc chưa thật khớp vần nhưng già trẻ lớn bé đều thuộc làu: “Họ mình có bác Lê Lâm/Có mụ o ở ngoại, rai rai xuất tiền/Có ông anh cả ở Bình Dương/Trưởng ban từ thiện tiếng tăm lẫy lừng…/Tuy rằng bác ở địa phương/Rạp mộc uy tín có ăn suốt đời/ Bác lại có tính yêu người/Năm ba khối đất, típ bóng, loa đài bác cho đều đều…”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.