Bài học từ động đất ở New Zealand

07/11/2011 15:12 GMT+7

Chi tiết mới về trận động đất tại New Zealand có thể cung cấp bài học đắt giá về mối nguy hiểm tiềm tàng từ những đứt gãy chạy xuyên qua các trung tâm đô thị thế giới.

Cơn địa chấn với cường độ lớn hơn trung bình “đánh” vào thành phố Christchurch hồi tháng 2 từng khiến giới chuyên gia kinh ngạc về sức phá hủy dữ dội của nó. Trận động đất mạnh 6,2 độ Richter đã giết chết hơn 180 người và làm thiệt hại hơn 100.000 tòa nhà. Đây cũng là trận động đất chết chóc nhất từng giáng xuống New Zealand trong 80 năm qua. Đa số các thiệt hại xuất phát từ một hiện tượng gọi là sự hóa lỏng, nơi đất đai rung chuyển và bắt đầu có biểu hiện như là chất lỏng, làm xói mòn những tòa nhà cùng những cấu trúc xây dựng khác.

“Cường độ rung lắc trên thực tế mạnh hơn so với lý thuyết, đặc biệt trong trường hợp một cơn địa chấn trung bình. Và thiệt hại do sự hóa lỏng này lan tỏa trên phạm vi rộng và vô cùng nghiêm trọng”, Erol Kalkan, kỹ sư nghiên cứu cấu trúc và là quản lý dự án về địa chấn National Strong Motion Network (Mỹ), nói. Mức độ thiệt hại còn đặc biệt gây ngạc nhiên nếu xét theo khía cạnh thành phố có sự chuẩn bị khá kỹ càng trước các nguy cơ từ địa chấn.


Rút ra bài học từ Christchurch có thể giúp tránh được những thảm họa tương tự trên thế giới - Ảnh: AFP 

“Nếu so với trận động đất hủy hoại phần lớn Haiti, mức độ thiên tai ở Christchurch khá nhỏ”, theo nhà khoa học địa chất Jonathan Lees của Đại học North Carolina, Tổng biên tập của tờ Seismological Research Letters, “tuy nhiên, Christchurch được xây dựng với công nghệ hiện đại hơn, cũng như kỹ thuật kiến trúc cao hơn, và điều này gióng lên hồi chuông báo động khẩn thiết đối với các thành phố đông đúc dân cư ở các nước phương Tây”.

Cơn địa chấn ở Christchurch theo sau một trận động đất có cường độ lớn hơn, đến 7,1 độ Richter ở Darfield, New Zealand, vào tháng 9.2010, dù lúc đó thiệt hại ít hơn và chẳng có ai chết. Sự khác biệt giữa 2 vụ thiên tai giúp giới khoa học giải thích được tại sao vụ ở Christchurch lại gây ảnh hưởng khủng khiếp đến vậy.

Bài học chính rút ra từ các trận động đất ở New Zealand là có sự liên hệ giữa phần móng của thành phố với mức độ thiệt hại. Hầu hết Christchurch từng là bãi lầy, đụn cát, cửa sông và phá. Kết quả là nhiều vùng lớn phía dưới nơi này và các khu vực xung quanh tập hợp từ cát lỏng, sỏi, phù sa, những loại dễ dàng chuyển sang dạng hóa lỏng. Một bài học khác đến từ nền đá lòng chảo phía dưới Christchurch: hình dạng và cấu trúc của lòng chảo này nhiều khả năng khuếch đại tình trạng rung lắc của mặt đất, kìm giữ và bẫy luôn các năng lượng địa chấn bên trong nó, cũng giống như thấu kính bẻ cong ánh sáng. Chuyên gia Kalkan lưu ý rằng rất nhiều khu vực đô thị trên thế giới được xây dựng trên các trầm tích mềm, hoặc bên trong thung lũng hay trên các lòng chảo, ví dụ như vùng vịnh San Francisco và khu đô thị Los Angeles ở Mỹ. Những khu vực này nằm trên các cấu trúc địa chất có thể phóng đại hoặc thổi phồng các chấn động như ở Christchurch, theo ông Kalkan.

Sự việc diễn ra tại Christchruch nhiều khả năng sẽ khiến giới chức New Zeland bắt đầu đánh giá lại các cấu trúc tương lai cho nước này. Tuy nhiên, trước hết các chính phủ phải học được bài học đắt giá nhất: tránh xây dựng thành phố trên những nền đất mềm, có thể gây nên hiện tượng hóa lỏng.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.