Cảnh nóng “tấn công” phim truyền hình: Phim hay cần gì cảnh “nóng”!

10/04/2012 09:10 GMT+7

Nhiều người làm nghề khẳng định cảnh “nóng” không phải là yếu tố làm nên giá trị của bộ phim

Nhiều người làm nghề khẳng định cảnh “nóng” không phải là yếu tố làm nên giá trị của bộ phim

Nội dung phim có thể hay, có những ý nghĩa riêng nhưng nếu như để lại một vài hình ảnh gây phản cảm thì mãi mãi để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng khán giả. Đã từng có những ý kiến tiếc nuối kiểu “giá như đừng có thì tốt hơn”  dành cho một vài phân đoạn táo bạo quá mức xen vào mạch phim đang chuyển tải tâm lý và những giá trị cuộc sống.

“Nóng” một phút, hỏng cả phim

Hoa nắng là một minh chứng điển hình. Khi phim bị dư luận lên án, biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ, thành viên Hội đồng Duyệt phim Đài Truyền hình Việt Nam, đã chia sẻ chân thành rằng phân cảnh mà mọi người cho là phản cảm ấy chỉ là một chi tiết rất nhỏ, xuất hiện ngắn ngủi trong suốt chiều dài 36 tập phim. Và đó cũng chỉ là mắt xích cần thiết để có thể thuyết phục cho những tình huống kịch tính xảy ra tiếp sau. Thế nhưng, lý lẽ này đã không thể đứng vững trước áp lực chỉ trích của khán giả cả trong Nam ngoài Bắc.

Khách quan mà nói, Hoa nắng không phải là một bộ phim quá tệ. Những tập đầu phát sóng, phim còn nhận được nhiều lời khen của khán giả trên diễn đàn điện ảnh vì khai thác chân thực về đời sống của giới trẻ hiện đại. Không chỉ vậy, diễn xuất của các diễn viên cũng được đánh giá cao. Nhưng chỉ một khoảnh khắc hình ảnh gây phản cảm, giá trị của cả một bộ phim đã dễ dàng sụp đổ, chưa kể diễn viên tham gia cũng bị chê trách. Rating (chỉ số người xem) cho bộ phim có thể tăng nhưng có thể nói Hoa nắng đã để lại ấn tượng xấu với khán giả và trở thành một ví dụ điển hình về phim truyền hình chất lượng kém hay kiểm duyệt dễ dãi của nhà đài.

Đạo diễn Trương Dũng cũng bày tỏ quan điểm: “Với điện ảnh, việc xem phim đã giới hạn đối tượng, khán giả đến rạp thưởng thức tác phẩm điện ảnh cũng có những tâm thế khác hơn phim truyền hình. Còn khán giả của màn ảnh nhỏ rất rộng. Làm phim truyền hình phải ý thức là phục vụ nhiều tầng lớp, đối tượng trong xã hội. Cá nhân tôi nghĩ nếu tốn thời gian làm cảnh “nóng” mà chưa chắc nó đã phục vụ cho bộ phim thì thôi, cứ dồn tâm sức đầu tư vào chiều sâu cho các nhân vật có khi còn để lại ý nghĩa nhiều hơn”.

Sức sống tự thân

Điểm lại một số bộ phim truyền hình được giới chuyên môn đánh giá cao, được khán giả yêu thích trong thời gian gần đây như Cá rô, em yêu anh!, Một thời ta đuổi bóng, Chuyện tình mùa thu, Trở về, Đỗ Quyên trong mưa… không có phim nào đình đám ở những cảnh “nóng” mặc dù đây cũng là những phim khai thác đề tài tình yêu, gia đình. Ngược lại, chưa thấy phim nào nổi đình nổi đám vì cảnh nóng mà lại có được sự lắng đọng sâu hơn về giá trị trong lòng khán giả.

Câu chuyện, cách thể hiện của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên mới là những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công cho cả bộ phim. “Gia vị” cảnh “nóng” là một con dao hai lưỡi, nếu làm không tới chỉ gây phản cảm. Nhất là ở phim truyền hình, sẽ khó mà đòi hỏi có những khung hình “đậm chất điện ảnh”. Cảnh “nóng” phim truyền hình cứ “tự nhiên chủ nghĩa” hiển hiện trên màn ảnh nhỏ khiến người xem thấy “phiền” hơn cái gọi là thưởng thức giá trị hình ảnh.

“Nếu cứ “bê nguyên xi” mọi thứ lên phim là một việc làm quá nguy hiểm. Đề cao, ca ngợi những giá trị tốt đẹp cũng là góp phần dọn dẹp những cái xấu trong xã hội, còn nếu đưa cảnh “nóng” lên phim mà càng làm cho mọi góc nhìn trở nên rối ren, đi theo chiều hướng xấu hơn thì không nên làm làm gì” - đạo diễn phim Một thời ta đuổi bóng Trương Dũng nói.

Thật sự, không cần cứ phải thực đến mức trần trụi thì khán giả mới có thể thấy rõ “hiện thực cuộc sống”. Ví dụ như trong phim m tính, đạo diễn Phương Điền đã có những cách xử lý rất khéo léo cho nhân vật của Mai Phương Thúy. Không cần phải “nóng bỏng”, khán giả vẫn có thể cảm nhận được số phận khốc liệt của nhân vật – từ cuộc đời thăng trầm có thật của hoa hậu Lâm Uyển Nhi. Với phim truyền hình, câu chuyện kịch tính và những nút thắt mở - sợi dây liên kết xuyên suốt các tập phim - mới là quan trọng chứ không phải ấn tượng ở một vài phân cảnh “nóng” hay tươi mát.

Trách nhiệm ở nhà sản xuất, nhà đài

Cần cảnh “nóng” hay không cũng bắt nguồn từ quan điểm làm nghề của nhà sản xuất. Trong chủ trương gầy dựng thương hiệu bền vững, Công ty Sóng Vàng đã lựa chọn những cách kể chuyện rất riêng. Không chỉ cẩn trọng trong việc chọn lọc đề tài, đơn vị này cũng khá cẩn trọng với phục trang cho các diễn viên, đến mức sưu tầm những bài báo phê phán trang phục hở hang trên phim dán ở các phòng phục trang, đạo cụ để nhắc nhở cả đạo diễn và diễn viên phải có sự cân nhắc phù hợp. Tương tự, diễn viên – đạo diễn Việt Trinh khi làm phim Trở về cũng không cho diễn viên nào được phép mặc “hở trên, hở dưới” dù các nhân vật trong phim cũng ăn chơi trác táng.

Phim truyền hình dài tập phải xem có lớp lang thì mới hiểu được, một hai cảnh “nóng” gây tò mò cũng không nói được điều gì. Mà nếu cố làm để câu khách thì kết quả cũng không có hậu” – một đạo diễn có nhiều phim được khán giả yêu thích và cũng đã nói “không” với cảnh nóng cảnh báo.

Tham gia mổ xẻ vấn đề cảnh “nóng” trong phim truyền hình, cùng bảo vệ ý kiến hoặc lý giải cho những pha “nóng bỏng” cần thiết của một số phân cảnh trên các phim truyền hình nhưng ý kiến sau cùng của nhiều đạo diễn, diễn viên chung quy lại vẫn là: Tốt nhất phim truyền hình không nên có cảnh “nóng”! “Còn nếu như đã chấp nhận có cảnh “nóng” trong phim truyền hình thì nhà đài cũng cần phải kiểm duyệt kỹ hơn nữa hoặc là sắp xếp giờ chiếu cho phù hợp với từng đối tượng khán giả”- đạo diễn Trương Dũng đúc kết.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.