Nêu tên đơn vị chi sai ngân sách để dân biết

26/05/2013 03:25 GMT+7

Thảo luận tại hội trường ngày 25.5 về quyết toán ngân sách 2011, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ nêu rõ cơ quan, đơn vị chi sai ngân sách nhà nước để người dân biết và giám sát.

>> Đầu tư như thế thì lãng phí quá
>> Xem xét nới trần nợ công

“Đầu tư lãng phí nhiều quá !”

Là đại biểu đầu tiên bấm nút, bà Võ Thị Dung (TP.HCM) chỉ rõ, tính kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) 2011 chưa thật hiệu quả, chưa được nghiêm minh. Đặc biệt, thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng cao, việc đầu tư dàn trải chưa được khắc phục. Dẫn lại báo cáo kiểm toán dự án tái định cư thủy điện Sơn La, xây dựng 2 công trình hết 60 tỉ đồng, nhưng do khảo sát không tốt nên chỉ có 6 hộ dân vào ở. “Tôi cho rằng đầu tư như thế thì quá lãng phí, Quốc hội cần phải xem xét vấn đề này khi thảo luận về ngân sách” - ĐB Dung đề nghị.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)
 Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 thắt chặt chi tiêu ngân sách, mua sắm công, tuy nhiên theo ĐB Dung báo cáo kiểm toán cho thấy, nhiều đơn vị vẫn vi phạm. Vì vậy, ĐB yêu cầu cần nêu tên, làm rõ các địa chỉ này để nhân dân được biết, vì tiền ngân sách là do người dân đóng thuế.

 

Quốc hội cần xem xét thảo luận về ngân sách nhà nước, đặc biệt khi quyết toán nên có phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân giám sát được việc sử dụng ngân sách nhà nước, bởi vì chủ yếu ngân sách từ thuế do người dân đóng góp, nên người dân phải được biết

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)

ĐB Dung cũng đề nghị, Quốc hội cần làm rõ nợ công vì sao tăng nhanh, khi năm 2011 tăng hơn 2010 là 24,8%. Trong đó, đáng chú ý nợ vay của bảo hiểm xã hội (BHXH), Chính phủ vay từ nguồn này tăng 34,5% và năm 2012 tổng số vay tăng trên 50%. Trong khi đó, luật quy định nhà nước phải có chính sách bảo toàn, tăng trưởng quỹ và việc vay từ nguồn này để giải quyết cho ngân sách có đúng luật không. ĐB Dung kiến nghị: “Việc sử dụng ngân sách, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân trong một năm đặc biệt khó khăn như 2011, thì trách nhiệm của các đơn vị cần được làm rõ. QH nên cân nhắc xem xét về vấn đề này”.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cũng nêu, trong quyết toán thu 2011, thu NSNN vượt 126.000 tỉ đồng, vượt 21,3% so với dự toán, thể hiện nỗ lực lớn. Nhưng tăng thu lại chủ yếu phụ thuộc vào tăng giá khi năm 2011 chỉ số CPI lên 18,13%, nếu loại bỏ yếu tố này tăng thu phù hợp với tốc độ tăng GDP. Tuy nhiên, thu lớn nhưng tình trạng nợ đọng thuế của DN còn rất cao, chiếm 43.500 tỉ đồng, tăng 35% so năm trước.

“7 không” gây lãng phí ngân sách

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) “gói gọn” việc chi tiêu ngân sách trong năm 2011 qua báo cáo kiểm toán đánh giá ở "7 cái không”, gồm: không đúng thời gian; không phân bổ hết vốn được giao; không đủ thủ tục; không đúng cơ cấu chương trình được Thủ tướng phê duyệt; không đúng đối tượng mục tiêu; không sát thực tế nên không sử dụng được và dự án phải điều chỉnh nhiều lần; một số địa phương không thông qua HĐND. “7 không này là miếng đất màu mỡ để người ta lách, lợi dụng sinh ra tham nhũng, tiêu cực. Phải chỉ rõ để sử dụng ngân sách năm 2013 và các năm tới tốt hơn”. ĐB Hùng kiến nghị thêm: “Quốc hội cần xem xét thảo luận về NSNN, đặc biệt khi quyết toán nên có phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân giám sát được việc sử dụng NSNN, bởi chủ yếu ngân sách từ thuế do người dân đóng góp, nên người dân phải được biết”.

 

Việc sử dụng ngân sách, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân trong một năm đặc biệt khó khăn như 2011, thì trách nhiệm của các đơn vị cần được làm rõ

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM)

Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, kỷ luật ngân sách chưa cao, chưa chặt chẽ do trong 2011 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm, một số chương trình mục tiêu quốc gia  phải đánh giá, tổng kết làm đi làm lại nhiều lần, nên giao dự toán có chậm, một số khoản chi không thực hiện được. Bên cạnh đó, một số cơ chế cũng ban hành không kịp thời. Số vốn bị chuyển nguồn còn cao do khi thực hiện bất khả kháng bởi những khuyết điểm từ cơ chế chính sách. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, khi thực hiện có một số khoản ra kế hoạch và chính sách chậm,

Về khoản vay nợ của Chính phủ tại Quỹ BHXH, theo ông Ninh, luật BHXH quy định Chính phủ phải bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Để tăng trưởng, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cho phép quỹ được đầu tư bằng nhiều hình thức, kể cả đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn nên hiện không cho phép đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ bản và các lĩnh vực nhạy cảm gây ra rủi ro. Chính vì vậy, quỹ chủ yếu tăng trưởng nhờ vào 2 kênh: Thứ nhất, gửi tại các ngân hàng thương mại, nhưng chỉ gửi tại các ngân hàng có vốn nhà nước. Thứ hai cho Chính phủ vay lãi suất theo lãi thị trường và thông qua hình thức mua trái phiếu chính phủ phát hành. “Cho Chính phủ vay là an toàn nhất, đảm bảo quỹ không bị thất thoát” - ông Ninh nói.

Đối với vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách và xử lý vi phạm theo kiến nghị và báo cáo của kiểm toán trong 2011. Ông Ninh báo cáo, tính đến hết 31.12.2012, có trên 82,4% tổng số kiến nghị được xử lý, nhưng vẫn còn một số khoản chưa xử lý được do giữa địa phương và kiểm toán chưa nhất trí cách giải quyết. “Về kỷ luật, đến nay các bộ ngành, địa phương đã xử lý 262 đơn vị, cá nhân và đang tiếp tục làm. Chính phủ đã có chỉ thị các bộ, ngành nghiêm túc xử lý kiến nghị của kiểm toán, thanh tra phát hiện sai phạm và có báo cáo cụ thể” - ông Ninh cho biết.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nới trần nợ công, hỗ trợ kinh tế

 Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Trao đổi với PV Thanh Niên bên lề Quốc hội hôm qua 25.5, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (ảnh) cho biết, Chính phủ đang xem xét việc đề xuất nới trần nợ công, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

* Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số CPI tháng 5 âm 0,06%, sau 5 tháng chỉ tăng 2,35% so với cuối 2010. Dấu hiệu suy giảm kinh tế đã rõ rệt hơn, quan điểm Chính phủ có nên nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa như đề nghị của Ủy ban Kinh tế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

- Ủy ban Kinh tế đề xuất chung chung như vậy, việc nới lỏng hay không phải thận trọng, không thể nói ào ào được đâu vì lạm phát cụ thể thấp, nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn cao. CPI giảm chủ yếu do lương thực, thực phẩm giảm nên phải nhìn vào đó để phân tích. Hiện nay, chúng ta phải đề phòng câu chuyện kinh tế thế giới có phục hồi nhưng chưa bền vững, giả dụ có phục hồi tốt hơn thì giá cả nguyên, nhiên vật liệu sẽ tăng trở lại.

* Vừa rồi có 2 yếu tố dẫn tới thiểu phát, một là CPI giảm, thị trường trì trệ, doanh nghiệp khó khăn. Nhiều ý kiến lo lắng nền kinh tế bị thiểu phát?

- Đánh giá thiểu phát phải có tiêu chí, bởi vì CPI giảm phải xem chủ yếu là cái gì, chủ yếu ở đây do giá lương thực, thực phẩm giảm. Việc này cũng ảnh hưởng tới người dân và Chính phủ không muốn điều đó, nên đang có chính sách hỗ trợ nhưng cái quan trọng phải xem xu hướng của nền kinh tế.

Hiện nay chỉ số ngành công nghiệp cũng khá lên, lượng hàng tồn kho vẫn cao nhưng cũng đã giảm, tăng trưởng tín dụng tuy chậm, nhưng so với năm ngoái tốc độ khá hơn. Phân tích trên khía cạnh đó, chúng ta chưa phải vội và quá lo lắng. Tuy nhiên đúng là DN và nền kinh tế hết sức khó khăn vì thế Chính phủ cũng đang suy nghĩ, tính toán trong phiên họp ngày mai sẽ bàn, xem xét để tiếp tục thực hiện gói cứu trợ theo Nghị quyết 02. Hiện nay cũng có ý kiến nói rằng bị chậm thì mình phải làm nhanh hơn. Thứ hai cũng phải xem xét để huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế. Gọi là nới lỏng thì không chính xác, chưa dùng cái đó, nhưng cũng phải tạo điều kiện nâng tổng cầu của nền kinh tế, cần thiết phải xem xét một cách nghiêm túc.

* Trần nợ công và bội chi được Quốc hội chốt rồi, giờ không nới lỏng, vậy Chính phủ định tăng thêm nguồn lực hỗ trợ bằng cách nào?

- Thứ nhất, về chính sách tín dụng mình cũng không nói quá chặt chẽ, mà phải xem xét điều hành linh hoạt. Bây giờ vẫn còn khung tăng trưởng tín dụng cả năm 12%, làm hết mức này cũng đã là quá tốt rồi. Thứ hai, nợ công trong giới hạn an toàn, cho nên cũng cần xem xét có thể huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế vượt qua lúc khó khăn này. Chính phủ đang xem xét, đề xuất Quốc hội nới trần nợ công một chút.

* Vậy còn gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế nhiều ý kiến đề xuất áp dụng sớm luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi từ 1.7.2013 để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp?

- Việc này đã có ý tưởng từ đầu năm và cuối năm ngoái, nhưng vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên Chính phủ phải báo cáo lên Thường vụ QH ban hành nghị quyết riêng. Nhưng thường vụ có ý kiến đưa luôn nghị quyết vào trong luật sửa đổi, luật này mà thông qua thì thực hiện được ngay vì thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý, quyết toán theo năm nên không có ngại gì về thủ tục hướng dẫn cả.

Anh Vũ (thực hiện)

Anh Vũ

>> Thu ngân sách nhà nước đã đạt 30% dự toán
>> Kiểm toán ngân sách và tài sản nhà nước
>> Nhiều sai phạm trong chi tiêu ngân sách
>> Chống thất thoát ngân sách trong xây dựng
>> Tạm ứng ngân sách mở rộng QL1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.