Nợ công: Vay gần 691 nghìn tỉ đồng trong 3 năm

03/06/2013 13:55 GMT+7

(TNO) Từ khi luật Quản lý nợ công có hiệu lực đến nay (1.1.2010), Chính phủ đã huy động vốn vay khoảng 690.910 tỉ đồng.

>> Nợ công với gánh nặng doanh nghiệp nhà nước
>> Xem xét nới trần nợ công
>> Phải công khai, minh bạch nợ công
>> Mỗi người dân gánh 800,7 USD nợ công
>> Lo ngại nợ công cao
>> Đến 2020, nợ công không quá 65% GDP
>> Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không thể coi thường nợ công

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu trong Báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công và việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển KTXH quan trọng khác sử dụng vốn vay vừa gửi tới các ĐBQH.

Trong số đó, phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 288.739 tỉ đồng. Vay nước ngoài của Chính phủ là 256.918 tỉ đồng. Huy động từ các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước là 165.253 tỉ đồng.

Về việc sử dụng vốn vay, báo cáo cho hay 53,8% tổng số vốn huy động của Chính phủ được bù đắp cho bội chi ngân sách nhà nước (tương đương 360.891 tỉ đồng). 21,8% sử dụng đầu tư cho các công trình dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế (146.000 tỉ đồng). Cho vay lại, hỗ trợ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 24,4% (163.993 tỉ đồng).

Cũng theo báo cáo, các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tính đến 31.12.2012 tương ứng bằng 55,4%; 43,1% và 42%, vẫn nằm trong giới hạn cho phép (nợ công dưới 65%, nợ Chính phủ dưới 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP).

“Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 21% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1% so với tổng số dư nợ công, phù hợp với định hướng Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030”, Chính phủ cho hay.

Đáng chú ý, về cơ cấu các chủ nợ, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28% và trong số các chủ nợ nước ngoài thì Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất với 17%, kế đến là Ngân hàng Thế giới 13%, Ngân hàng Phát triển châu Á với 8%, 34% còn lại là các chủ nợ khác. Cơ cấu các khoản nợ công của Việt Nam chủ yếu vẫn được huy động từ các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ.

Theo báo cáo, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có thời gian dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA), trong đó có các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới có thời hạn 25 năm trong đó 5 năm ân hạn, lãi suất 1,25% và phí quản lý là 0,75%. Các khoản vay từ ADB có thời hạn 30 năm trong đó có 7 năm ân hạn, lãi suất 1-1,5%. Còn các khoản vay từ Nhật Bản có thời hạn 30 năm trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất 1-2%.

Công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ

Về thực hiện bảo lãnh Chính phủ đến năm 2012, báo cáo cho hay có 99 dự án đã được cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng giá trị cam kết là 12.698 triệu USD, chủ yếu tập trung vào ngành điện, hàng không, xi măng, dầu khí, giấy và một số dự án khác thuộc danh mục được ưu tiên xét cấp bảo lãnh Chính phủ.

Tính đến ngày 31.12.2012, tổng dư nợ vay nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh ở mức 7.107 triệu USD; Tổng dư nợ của ngân sách địa phương năm 2010 là 6.766 tỉ đồng, 2011 là 10.699 tỉ đồng và năm 2012 là 23.935 tỉ đồng.

Ở phần báo cáo định hướng, giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ, đảm bảo thanh toán nợ đầy đủ, đúng hạn; báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ; xây dựng các giải pháp xử lý an toàn nợ mang tính thống nhất với các mục tiêu tài khóa và tiền tệ.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý rủi ro; xây dựng quy chế quản lý và các chỉ tiêu giám sát rủi ro (theo dõi toàn diện các loại rủi ro như tỷ giá, lãi suất, tái cấp vốn, thanh khoản, tín dụng…).

Với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cần phải rà soát tổng thể tình hình thực hiện của các dự án thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài, vay ODA; đẩy mạnh chức năng giám sát, kiểm tra nghĩa vụ trả nợ, qua đó, đề xuất các giải pháp về tài chính, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.