Viettel sẽ thử nghiệm UAV quân sự “toàn diện”

06/07/2013 01:52 GMT+7

Theo thông tin từ Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), dự kiến đầu tháng 8.2013 thế hệ máy bay không người lái (UAV) quân sự đầu tiên do Viettel phát triển sẽ có đợt bay thử nghiệm toàn diện tính năng.

Chiếc UAV hạng nhẹ VT-Patrol chuẩn bị bay thử nghiệm sắp tới được chế tạo từ composite, có sải cánh 3,3 m, trọng lượng cất cánh 26 kg, bay tự động với khả năng truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực. Thử nghiệm trước đó cho thấy VT-Patrol có khả năng bay với vận tốc 100 - 150 km/giờ, cự ly hoạt động 50 km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại với định dạng Full HD, có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng cách 600 m.

Theo đại tá Đỗ Văn Lập, Giám đốc Trung tâm khí cụ bay thuộc Viettel, định hướng của Viettel là sản xuất ra những UAV quân sự tầm trung với thời gian bay lên tới 24 giờ phục vụ cho các hoạt động trinh sát cấp chiến dịch, chiến lược... và những mục tiêu xa hơn. Theo đại tá Lập, trung tâm được giao nhiệm vụ phát triển UAV từ tháng 11.2011 và sau hơn một năm những chiếc UAV hoàn chỉnh đầu tiên đã được bay thử nghiệm với những kết quả khả quan. UAV thậm chí còn có khả năng hoạt động dọc sườn núi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ở mức 10 độ C, trời nhiều mây mù.

Về cơ bản, các kỹ sư của Viettel đã và đang làm chủ hàng loạt các công nghệ liên quan đến sản xuất UAV. Trong đó có thể kể đến hệ thống điều khiển, thiết kế phần cứng, phần mềm do Viettel tự phát triển như hệ thống định vị, dẫn đường theo chương trình, kiểm soát trạng thái hoạt động của máy bay, kiểm soát được quá trình bay… Trong quá trình thử nghiệm, các kỹ sư của Viettel cũng đã hoàn thiện và khắc phục một số vấn đề phát sinh như hiện tượng đóng băng ở một số bộ phận khi UAV hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp (dưới 15 độ C), độ ẩm cao (trên 90%)…

Trước đó, vào đầu tháng 5.2013, Liên hiệp Khoa học - Sản xuất công nghệ cao viễn thông - tin học (HTI) thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cũng đã tổ chức bay thử nghiệm thành công 3 mẫu UAV thuộc đề tài Nghiên cứu chế tạo tổ hợp UAV phục vụ nghiên cứu khoa học do TS Phạm Ngọc Lãng làm chủ nhiệm. Trong dự án này Việt Nam cũng đã hoàn toàn tự thực hiện các khâu từ nghiên cứu, thiết kế cơ bản, thiết kế chế tạo, vật liệu...

Đề tài phát triển UAV này đã được đặt nền móng từ năm 2008 và sau đó được triển khai thành đề tài cấp nhà nước từ cuối năm 2010 với tổng số vốn đầu tư trên 12 tỉ đồng, trong đó gần 10 tỉ từ vốn ngân sách.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.