Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines

29/04/2014 03:00 GMT+7

Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký ngày 28.4 cho phép Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines nhưng “không nhằm khống chế Trung Quốc”.

Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký ngày 28.4 cho phép Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines nhưng “không nhằm khống chế Trung Quốc”.

 Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines
Tổng thống Obama (trái) bắt tay người đồng cấp Philippines Aquino sau cuộc họp báo chung - Ảnh: AFP

Hiệp định khung EDCA có hiệu lực 10 năm, ngắn hơn Mỹ mong muốn, đã được điều chỉnh để có thể ký kết chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama đến Manila. Hiệp định được giới quan sát đánh giá là một món quà mà Philippines muốn dành cho chuyến thăm của ông Obama. Các điều khoản chi tiết của EDCA chưa được công bố, trong khi những nguồn thạo tin cho biết phải mất một thời gian để hai bên đi đến những cam kết và hành động cụ thể.

Trên phương diện chung, EDCA cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines, gồm cả quân cảng Subic mà quân đội Mỹ phải rút khỏi hồi năm 1992 do phản đối của người dân địa phương và một quân cảng tiếp vận quan trọng ở tỉnh Palawan giáp biển Đông. EDCA còn cho phép binh sĩ, chiến hạm và chiến đấu cơ của Mỹ hiện diện luân phiên dài hạn hơn ở Philippines, bên cạnh đơn vị cố vấn chống khủng bố 700 người đóng tại miền nam nước này lâu nay. Ngoài ra, Mỹ cũng được phép triển khai tại các căn cứ hiện có của Philippines các phương tiện và thiết bị cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ khắc phục thiên tai.

Đổi lại, hiệp định cho phép Philippines mua sắm khí tài quân sự cũng như xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện này một cách dễ dàng hơn. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Batino nói rằng thỏa thuận sẽ “giúp Manila có được phương tiện quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu”. Còn thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định EDCA là “nền tảng hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Giữa lúc quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang gặp nhiều căng thẳng trong vấn đề tranh chấp biển Đông, Manila dành cho Tổng thống Mỹ sự đón tiếp nồng hậu. Báo chí Philippines đưa tin từng phút về hoạt động của ông Obama ngay khi máy bay của ông hạ cánh xuống Manila chiều qua.

Tuy vậy, công chúng và báo chí Philippines, mang trong mình kỳ vọng về một cam kết mạnh mẽ nào đó của ông chủ Nhà Trắng trong việc bảo vệ đồng minh nếu có xung đột quân sự, có lẽ hơi thất vọng. Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình ABS-CBN về vấn đề này tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino III, ông Obama chỉ lặp lại lập trường “không đứng về bên nào” trong tranh chấp biển Đông. “Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ xây dựng với nước này. Mục tiêu của chúng tôi không phải là đối kháng, không phải là khống chế Trung Quốc”. Khác với những gì ông cam kết với Tokyo trong tranh chấp ở biển Hoa Đông giữa Nhật và Trung Quốc trước đây vài ngày, ông Obama chỉ lặp lại tại Manila lập trường quen thuộc của các quan chức Washington là tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, tuân thủ công pháp quốc tế, không cưỡng bức và khủng bố tinh thần. Ông Obama cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Philippines trong việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế.

Bên cạnh vấn đề hợp tác quốc phòng, hai nhà lãnh đạo cũng cho biết họ đã thảo luận về khả năng Philippines tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ lĩnh xướng. Hôm nay, ông Obama sẽ đi thăm nghĩa trang binh sĩ Mỹ ở Philippines trước khi trở về Washington, kết thúc chuyến thăm 4 quốc gia châu Á gồm cả Nhật, Hàn Quốc và Malaysia.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Tổng thống Mỹ ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế
>> Thỏa thuận an ninh Mỹ - Philippines giúp Mỹ tăng cường xuất khẩu vũ khí
>> Philippines 'bật đèn xanh' để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự
>> Trung Quốc bị nghi nghe lén quân đội Philippines  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.