TNO

'Rưng rưng' với tiệm bán đồ ăn vặt đã 'thất truyền' của 8x đời đầu

01/04/2016 17:47 GMT+7

(iHay) Nếu đã là những 8x đời đầu, đảm bảo bạn sẽ có chút bâng khuâng “nhẹ” khi nhìn thấy những món quà vặt đong đầy kỉ niệm

(iHay) Đến góc quán nhỏ này, thực khách thế hệ 8x đời đầu bỗng rưng rưng khó tả khi nhìn lại những hạt xí muội hoa mai, trần bì, mì vụn trẻ em ăn hoài không hết, hay kẹo kéo dai dai, hộp kẹo C 'thần thánh', “xicula” con chồn – đồng tiền, “singum” con vẹt,...

"Tìm đâu ra hay vậy?"

Ra đời vào đầu tháng 8.2015, “Tiệm Bánh Tuổi Thơ” của cô gái sinh năm 1997 Nguyễn Lê Thúy Quỳnh ở Sài Gòn trước hết là để phục vụ chính sở thích của chủ nhân.
“Khi đang đi chơi với bạn, tụi mình bất chợt lướt Facebook thấy album toàn là bánh kẹo hồi đó, thế là cảm thấy thèm và muốn quay về thời xưa quá đi mất. Sau đó mình lên mạng lục mấy ngày trời nhưng không ra được nơi nào bán quà vặt như vậy, nên quyết định tìm tòi và mở một cửa tiệm chuyên bán đồ tuổi thơ dành cho những bạn cùng cảm giác với mình”, Quỳnh kể về cơ duyên mở tiệm.
Nói là tiệm, nhưng đó chỉ là một góc nhỏ trong chính ngôi nhà của cô bạn đang theo học ngành ngôn ngữ Nhật tại trường ĐH Mở TP.HCM, và kênh bán hàng chủ yếu là qua mạng như Facebook, Instagram. Thế nhưng, rất nhiều khách hàng sau khi thấy những “sản phẩm” này đều có chung một câu hỏi trong sự thích thú vô hạn: tìm đâu ra hay vậy? Bởi những thứ như xí muội hoa mai, trần bì, mì vụn trẻ em, kẹo kéo, kẹo C, “xicula” con chồn – đồng tiền, “singum” con vẹt, kẹo dẻo Kim Yến, bột chua, ... đều đã “biệt tích giang hồ”. Chưa kể đến hàng loạt đồ chơi “thần thánh” như máy xếp gạch điện tử, máy nuôi gà ảo, xe đạp kéo hay súng nhựa bắn thun… đều có trong danh mục tưởng đâu đã "thất truyền”. Chỉ từ …1 ngàn đến 35 ngàn đồng cho mỗi món, cái “giá” cho tấm vé trở về tuổi thơ không thể "phải chăng" hơn.
Đi tìm hoài niệm 7Có ai còn nhớ loại kẹo chua chua mặn mặn này không?
“Em lời khá ít, chủ yếu vài trăm đồng một món, nhưng em lấy theo số lượng nhiều nên cũng đủ em chi tiêu quà vặt của bản thân. Một phần cũng vì em ở với gia đình nên em không phải trang trải cuộc sống nhiều. Nguồn hàng thì từ … mọi nơi, do em đi sưu tập, tìm kiếm trong một thời gian dài từ lúc mới khởi nghiệp cho đến tận bây giờ luôn”, Quỳnh chân thành kể.
Quỳnh chia sẻ thời gian đầu mình chỉ tìm những món quen thuộc của bản thân. Thế nhưng, theo “yêu cầu” của nhiều khách hàng từ 8x rồi lùi về tận… 7x, Quỳnh lại đi tìm và mở rộng danh mục mặt hàng.
“Khi em tìm ra được và thông báo, thấy nhiều anh chị vui lắm. Ai ai cũng bảo đúng chất tuổi thơ luôn. Đây cũng là động lực để em cố gắng, trong hành trình tích góp kí ức của mình và mọi người. Những công nghệ hiện đại bây giờ cũng tốt, nhưng em thật sự muốn mang đến một niềm vui tuổi thơ giản dị hơn, cho những ai đã từng trải qua và cả thế hệ sau mình”, cô gái trẻ nói.

Tìm lại ký ức xưa
Theo chủ tiệm bánh đặc biệt này, những “bé” như xí muội hay trần bì, mì trẻ em… giống như là “vơ đét”, vì bán rất chạy và ai cũng thích. Nhưng Quỳnh khẳng định mình yêu tất cả, vì “mỗi thứ đều có một vị khác biệt và gợi cho em nhớ những kỉ niệm khác nhau”
Hiện tại, ước mơ của cô chủ nhỏ chỉ gói gọn trong chuyện phát triển tiệm bánh, học tiếng Nhật thật tốt và trong thời gian tới là kiếm việc làm part-time (bán thời gian) để có thêm kinh nghiệm sống.
Đây chắc chắn chỉ là những món quà vặt nhỏ xíu xiu với cái giá vô cùng khiêm tốn khi so sánh với hàng loạt kẹo bánh ngoại nhập, ngon lành trên thị trường hiện tại. Thế nhưng với nhiều người, giá trị mà “Tiệm bánh tuổi thơ” mang đến không phải là vị ngon “huyền thoại” khi xưa, mà chút rưng rưng khi nhận ra rằng: ký ức có thể bị lãng quên chứ chưa bao giờ mất đi.
Đi tìm hoài niệm 2
Đi tìm hoài niệm 3
Đi tìm hoài niệm 4
Đi tìm hoài niệm 5
Đi tìm hoài niệm 6
 
Đi tìm hoài niệm 8
Đi tìm hoài niệm 9
Đi tìm hoài niệm 10Những quà vặt và đồ chơi quen thuộc của thế hệ 8x đời đầu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.