Sony đại chiến Nintendo (kỳ 2): PS Vita vs 3DS

29/01/2014 19:00 GMT+7

Bài viết lần này sẽ đề cập đến thế hệ kế tiếp của 2 ông lớn Nintendo và Sony trên mặt trận handheld vốn cũng không kém phần khốc liệt so với mặt trận console: Nintendo 3DS và PlayStation Vita.

  • Sony đại chiến Nintendo (kỳ 1): PSP vs DS

Sau thất bại cay đắng với PSP, Sony đã chứng tỏ họ không hề nản lòng mà còn có thể vượt lên chính mình khi tung ra siêu phẩm PS Vita. Với cấu hình "khủng bố", thiết kế trang nhã, và quan trọng nhất là học tập từ chính thành công của đối thủ, Sony đã mang cảm ứng vào PS Vita, biến nó thành một con "quái vật" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Những tưởng trời không phụ người có lòng, rất tiếc một lần nữa Sony lại bị Nintendo "xỏ mũi". Đáp lại nỗ lực phi thường của Sony, Nintendo chỉ nhẹ nhàng đưa ra "chiêu bài" Nintendo 3DS, một phiên bản nâng cấp của chiếc DS với tính năng hiển thị 3D không cần kính không mấy hấp dẫn. Vậy, ma thuật gì đã giúp cho Nintendo lại một lần nữa chiến thắng?

Chiến lược kinh doanh khôn ngoan

Yếu tố quan trọng nhất giúp Nintendo chiến thắng lần này chính là thời gian. Hãng chọn thời điểm ra mắt 3DS sớm hơn PS Vita đến 1 năm rưỡi. Tuy việc này đồng nghĩa với sự khai tử DS, nhưng Nintendo đã thu lợi quá nhiều từ nó rồi nên họ không cần quan tâm nữa.

Động thái khôn khéo này đã đánh bại quân chủ bài của Sony ngay từ trong trứng nước, khi mà ở thời điểm nó ra mắt, đối thủ duy nhất của 3DS chỉ là "kẻ bại trận" PSP, chỉ cần bồi thêm 1 nhát là "lên đường". Thật vậy, trong lúc Sony vẫn còn đang "thai nghén" PS Vita, 3DS đã sớm gặt hái được rất nhiều thành công trên thị trường lúc đó nhờ vào ưu thế gần như độc quyền cũng như các thế mạnh của bản thân hệ máy. Doanh số 3DS trong tuần đầu tiên ra mắt tăng trưởng chóng mặt, chiếm lĩnh đến hơn 75% thị phần máy cầm tay lúc bấy giờ. Đến nỗi, bức ảnh vui thịnh hành nhất lúc đó chính là cảnh chủ tịch Nintendo, Satoru Iwata cười rạng rỡ, trên tay cầm một chiếc 3DS không ngừng… in ra tiền.

Sony đại chiến Nintendo (kỳ 2): PS Vita vs 3DS

Dự đoán trước Sony sẽ không để yên, Nintendo đã nhanh chóng thu thập phản hồi của người sử dụng về 3DS và ngay thời điểm PS Vita ra mắt, hãng tung ra phiên bản nâng cấp 3DS XL với hàng loạt tính năng sáng giá: màn hình lớn hơn 90%, sáng đẹp hơn, thiết kế dày nặng đằm tay hơn, thời lượng pin trâu hơn, loa tốt hơn…

PS Vita vừa ra mắt đã gặp ngay một đối thủ rất đáng gờm. Tuy xét về thiết kế lẫn phần cứng, PS Vita vẫn trên cơ 3DS XL, nhưng đằng sau 3DS XL còn có sự chống lưng của người tiền nhiệm 3DS với 18 tháng liên tục "cháy hàng". Nếu cho rằng thực lực của PS Vita là ngang ngửa, thậm chí nhỉnh hơn 3DS XL, thì nó cũng đã bị đối thủ dẫn trước quá xa.

Người hâm mộ dòng máy cầm tay chắc sẽ không bao giờ quên được câu châm chọc "kinh điển" của chủ tịch Nintendo Satoru Iwata dành cho chủ tịch Sony Kazuo Hirai hồi giữa năm 2012: “Thật ra 3DS bán chạy rất có lợi cho Sony các anh, vì sẽ có thêm nhiều kệ trống để mấy anh chưng PS Vita lên đó.

Khả năng thích ứng và học tập đối thủ

Không chỉ mình Sony mới nghĩ đến việc học tập đối thủ, mà bản thân Nintendo đã làm việc đó từ sớm. Vốn biết rằng PSP thành công một phần lớn dựa vào mạng kinh doanh PlayStation Network với phương thức bán game kĩ thuật số tiện lợi, Nintendo đã nhanh chóng nâng cấp mô hình tương tự của mình là DSi Ware thành Nintendo eShop với hàng loạt tính năng hiệu quả, giao diện thân thiện cùng các phương thức thanh toán thông minh.

Trái lại, việc học hỏi của Sony có vẻ không mấy thành công, bởi khi họ ứng dụng cảm ứng vào PS Vita, họ không muốn mang tiếng sử dụng ý tưởng trùng lặp. Vì vậy, Sony đã làm khác đi bằng một cách thể hiện… khó đỡ: đưa tính năng cảm ứng ra… mặt sau của chiếc máy Vita. Cho đến thời điểm hiện nay, số tựa game tận dụng được tính năng này chỉ... đếm trên đầu ngón tay.

Trở về với đề tài cấu hình, có lẽ Nintendo đã đúng khi cho rằng máy cầm tay không nên quá chú trọng vào đồ họa. Do đó họ chỉ đầu tư cho 3DS một nền tảng đồ họa vừa phải, ngang tầm với chiếc PSP. Không cần thiết phải nâng cấp lên chuẩn HD như Vita, Nintendo đã tiết kiệm khá nhiều chi phí và nhân lực để hoàn thiện các mảng khác, cụ thể là vào tính năng chơi game. Tuy vậy cũng không thể không nhắc lại sự lãng phí vào tính năng hiển thị 3D vốn chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng.

Đối tác tiềm năng và sự thân thiện

Khi PS Vita mới rục rịch ra mắt, đã có tin đồn hệ máy này sẽ sử dụng chuẩn thẻ nhớ riêng, được bán kèm với giá không rẻ. Rất nhiều game thủ, trong đó có cả người hâm mộ Sony tỏ ra bất bình với tư tưởng “hút máu” này. Rất tiếc, tin đồn đó là... sự thật, khi một chiếc thẻ nhớ riêng của Sony với dung lượng 16 GB có giá trên 1 triệu đồng, gấp 3 lần một thẻ SD phổ thông cùng dung lượng mà 3DS sử dụng.

Tuy vậy, đòn "tấn công chí mạng" mà Nintendo đã sửa soạn từ rất lâu giờ mới hé lộ. Đó chính là việc cho các hãng sản xuất game thấy được tiềm năng thu lợi khổng lồ của 3DS và thâu tóm họ về làm việc cho mình.

Những nền tảng game hấp dẫn nhất.

Hậu quả của chiến dịch ngầm này là, dòng game Monster hunter vốn là quân bài chủ lực của các đời máy Sony đã không ngại ngần "dọn nhà" qua Nintendo, với hợp đồng độc quyền với nhà phát triển Capcom trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Chính động thái này đã lôi kéo một lượng không hề nhỏ fan của Sony, những người trước nay vẫn căm ghét Nintendo vì máy móc đồ họa kém, phải ngậm ngùi mua một chiếc máy mà họ vẫn ghét, chỉ để tiếp tục chơi dòng game Monster hunter yêu thích của mình.

Nguyên nhân chính khiến cho PS Vita lâm vào cảnh "đìu hiu chợ chiều", chính là việc tuy sở hữu nền tảng đồ họa khủng, nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi không "ma" nào chịu làm game cho nó. Tính đến hiện tại, đầu năm 2014, danh sách game đáng chơi trên PS Vita vẫn rất khiêm tốn.

Lời kết

Nintendo đã chứng tỏ mình là người thông minh hơn khi họ liên tục sử dụng các chiến lược bất ngờ, kế lồng trong kế để ứng phó với Sony, người vẫn miệt mài đi vào lối mòn chỉ biết tận dụng sức mạnh công nghệ. Thời buổi bây giờ, người ta mua máy đơn thuần vì một tựa game họ muốn chơi, và nếu bàn về khoản này thì Nintendo 3DS chứng tỏ mình là kẻ trên cơ khi nắm trong tay một danh sách dài dằng dặc những tựa game đỉnh cao, bom tấn đến từ chính Nintendo và các hãng thứ 3 (những người đã quay lưng rời bỏ Sony).

Ở mặt trận console, Nintendo với Wii U đã thảm bại trước các đối thủ mạnh mẽ như PS4  và Xbox One. Hay ít ra, nhìn bên ngoài tình hình có vẻ là như vậy. Nhưng trên thực tế, việc Nintendo đầu tư nhỏ giọt cho Wii U cũng như thờ ơ với hệ máy này, cho thấy có thể họ đang đầu tư vào một thứ gì đó khác. Hãng game "Mario" vẫn luôn là một đấu thủ khó lường với những đấu pháp bất ngờ và những "động tác giả" đầy ngẫu hứng.

Với tin đồn Nintendo đang rục rịch chuẩn bị cho ra mắt các siêu phẩm máy chơi game thế hệ kế tiếp với mật danh Fusion DS và Fusion Terminal được trang bị cấu hình “khủng bố”, người ta có thể tin rằng Nintendo đang chuẩn bị một "cuộc chiến" bất ngờ khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.