Sự kiện văn hóa tuần qua: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam

26/02/2023 07:00 GMT+7

Việc xác định rõ tầm quan trọng của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để công trình phải trở thành một di sản văn hóa VN, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ đã được đặt ra tại Hội thảo Mỹ thuật trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức sáng 21.2.

Mang ý kiến tâm huyết đến với hội thảo, NGND - họa sĩ Huỳnh Văn Mười phân tích: "Trước khi bàn sâu vào nhận thức và hành động, chúng ta cần xác định 2 điểm được coi là mấu chốt nhất: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải là hình thái không gian tâm linh, được xây dựng hoàn hảo trên sự nghiên cứu, thấu hiểu, thể hiện cho được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt xuyên suốt các thời đại; toát lên hồn văn hóa của dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Tuyệt đối tránh sự lai tạp hay mơ hồ trong nhận thức lịch sử, sự lung linh trong hình ảnh lẫn phong cách thể hiện. Thứ hai, là tất cả hình thái kiến trúc xây dựng, trang trí tuyệt đối lưu ý đến phong cách của Bác Hồ là giản dị, trang nhã, tiết kiệm…, đồng thời nên khai thác các nguyên vật liệu tại chỗ, cây cảnh trồng trong khuôn viên cũng theo thổ nhưỡng từng vùng miền sao cho phù hợp với khí hậu".

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

QUỲNH TRÂN

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng: "Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để TP mang tên Bác dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp…, với sự tiếp nối trên 4.000 năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta và trên 300 năm mở cõi".

Việc thiếu các công trình điêu khắc tượng đài tại TP.HCM cho Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được GS-TS Trương Quốc Bình (Hội Di sản văn hóa VN) đặt ra khi "số lượng sau này chỉ đếm trên đầu ngón tay". "Rõ ràng, với một đô thị lớn và hiện đại, có bề dày lịch sử văn hóa như TP.HCM, các tác phẩm điêu khắc, tượng đài hiện nay là hết sức khiêm tốn, thể hiện sự thiếu khuyết về nghệ thuật công cộng tại đô thị đang trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa", ông Trương Quốc Bình nhấn mạnh.

Các ý kiến còn đề nghị trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải kết hợp xây dựng các bia thuyết minh hướng dẫn tại các bảo tàng, khu di tích và những công trình công cộng để thu hút khách tham quan tại nhiều địa danh: NVH Thanh Niên từng là Trường thi Gia Định - nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng nhiều sĩ tử Nam kỳ lui tới. Hay Dinh Thượng Thơ là nơi đặt tòa soạn Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ thủy tổ mang dấu ấn các cây bút Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… Ngoài ra, việc cần làm ngay là quy hoạch bài bản, có hệ thống những công trình điêu khắc công cộng đạt chuẩn về chất lượng, phù hợp với cảnh quan không gian và đảm bảo tính thẩm mỹ môi trường của một TP hiện đại và hội nhập.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm

Dịch giả Dương Tường đã vĩnh biệt trần thế vào hồi 20 giờ 8 phút ngày 24.2, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và về hưu từ năm 1979.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Dương Tường học trung học tại Hà Nội sau đó ông theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam rồi về hưu năm 1979.

Dịch giả Dương Tường tự học tiếng Pháp, tiếng Anh và bắt tay vào dịch thuật từ năm 1960. Gia tài dịch thuật đồ sộ của ông tới nay gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản, Na Uy… Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng do ông dịch từng chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất.

Tháng 4.2020, dịch giả Dương Tường ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường's version (Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành).

Trước khi mất, ông mắc nhiều bệnh như zona, khớp. Năm 2020, ông từng trải qua ca mổ xương sống do bị ngã.

Mộ nhà thơ Nguyễn Bính bị xâm phạm, gia đình mong cơ quan chức năng vào cuộc

Thông tin về mộ phần của nhà thơ Nguyễn Bính ở quê hương ông: thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, H.Vụ Bản (Nam Định) bị xâm phạm nặng nề đã gây bức xúc dư luận và những người yêu mến ông. Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái của nhà thơ đã thay mặt gia đình mong cơ quan chức năng vào cuộc.

Mộ phần của thi sĩ nổi tiếng Việt Nam tại vườn đất quê hương bị đào xới, tường xây nham nhở làm ngăn chia... mộ nhà thơ trơ ra. Nước vôi, vữa người ta làm vẩy bẩn cả ảnh và những dòng chữ trên mộ chí nhà thơ. Những vệt nước vôi chảy loang..., màu lá phần cuối mộ cũng bạc màu vôi loãng... Tất cả cỏ cây còn sót lại trong khu đất đều một màu nước vôi. Tấm bia khu lưu niệm bị đẩy ra sau ngôi nhà người ta mới xây...

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam - Ảnh 3.

Xung quanh khu mộ nhà thơ Nguyễn Bính

CTV

Được biết, nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra tại Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Một vùng quê Bắc bộ vốn nổi tiếng với truyền thống văn chương, khoa bảng, với nhiều sinh hoạt văn hóa làm ảnh hưởng rất nhiều tới những sáng tác của Nguyễn Bính sau này.

Chiều 21.2, trả lời PV Báo Thanh Niên, đại diện nhà thơ Nguyễn Bính cho biết: "Chúng tôi rất đau xót trước tình cảnh mộ phần của ông, cha mình bị xâm phạm và sẽ gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong một ngày gần đây để trình bày vụ việc. Mong Hội Nhà văn Việt Nam cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để phân minh làm rõ mọi việc. Làm sao cho mộ phần nhà thơ Nguyễn Bính được mồ yên mả đẹp thì chúng tôi mới an lòng".

Liên quan đến sự việc khu mộ của nhà thơ Nguyễn Bính (tại thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định) bị xâm phạm, chiều muộn ngày 23.2, UBND xã Cộng Hòa (H.Vụ Bản) đã tổ chức họp thường vụ để làm rõ các thông tin báo Thanh Niên phản ánh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, H.Vụ Bản cho biết: "Tôi nhận định, không có chuyện khu mộ nhà thơ Nguyễn Bính bị xâm phạm. Việc khu mộ bị xuống cấp do vấn đề thời gian", ông Tuyến nói.

Theo vị này, cũng trong sáng 23.2, lực lượng Công an xã Cộng Hòa phối hợp với Công an H.Vụ Bản (tỉnh Nam Định) đã đến kiểm tra, xác định phần mộ bị vôi, vữa văng lên khiến cỏ cây trên mộ, bờ tường trở nên mất thẩm mỹ: "Việc này là sự vô ý của hộ dân đang sống bên cạnh khu mộ khi xây nhà, quét vôi, vô tình văng lên. Hiện dấu vết của vôi vữa vẫn còn", ông Tuyến nói.

Ngôi nhà đang xây là nhà của con bà Yến (em gái nhà thơ Nguyễn Bính).

UBND H.Vụ Bản đã có chủ trương nâng cấp khu tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Bính để thời gian tới sẽ được công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh. Do đó, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định cùng trung tâm bảo tồn di tích đã hướng dẫn địa phương thực hiện các tiêu chí để khu mộ đủ tiêu chuẩn công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.

Trước mắt, để khắc phục việc ngôi mộ bị vôi vữa bắn loang lổ gây mất thẩm mỹ, chính quyền xã Cộng Hòa sẽ cử người đến lau, dọn sạch sẽ, đồng thời, cũng sẽ có kế hoạch sẽ quét vôi lên bức tường bao của khu mộ.

Đà Lạt: Điều tra vụ lập fanpage giả chiếm đoạt tiền du khách xem ca nhạc

Phòng VH-TT TP.Đà Lạt đề nghị Công an điều tra, xử lý vụ lập fanpage giả lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt du khách mua vé xem ca nhạc ở Mây Lang Thang Đà Lạt.

Chiều 20.2 ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng VH-TT TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã chuyển đơn tố cáo và đề nghị Công an TP.Đà Lạt vào cuộc điều tra, xử lý vụ lập fanpage giả lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt du khách mua vé xem ca nhạc ở Mây Lang Thang Đà Lạt.

Theo ông Kiệt, thời gian từ sau tết Quý Mão đến nay, có nhiều du khách và người dân gửi đơn trình báo họ bị lừa đảo khi mua vé xem show ca nhạc Mây Lang Thang ở TP.Đà Lạt qua mạng. Cụ thể họ vào nhầm fanpage giả của Mây Lang Thang Đà Lạt và một tài khoản Facebook mang tên Tra My để đặt mua vé xem ca nhạc. Sau khi chuyển tiền họ mới biết bị lừa đảo.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam - Ảnh 4.

Nội dung lừa đảo trên fanpage giả Mây Lang Thang

CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể các nạn nhân là du khách đến từ TP.HCM, Khánh Hòa… như chị Mỹ Linh sau 4 lần chuyển khoản vào tài khoản mà fanpage giả cung cấp để đặt mua vé xem ca nhạc đã bị lừa đảo chiếm đoạt gần 14 triệu đồng, chị Ngô Thị Thủy Tiên bị chiếm đoạt 7,8 triệu đồng; anh Nguyễn Minh Phúc bị lừa gần 9 triệu đồng; chị Thanh Huyền bị mất hơn 3,2 triệu đồng…

Ông Hoàng Thiên Ân, Giám đốc Công ty TNHH Mây Lang Thang, cho biết kẻ xấu lập fanpage giả mạo đang sử dụng toàn bộ thông tin từ trang Mây Lang Thang chính thức bao gồm: lịch diễn hằng tháng, hình ảnh poster, video, content…

Sau khi khách hàng tiếp cận, các trang này lấy lòng tin của khách dựa vào các lượt like và tương tác ảo, rồi tư vấn và hướng dẫn khách hàng đặt vé các đêm diễn và chuyển khoản vào số tài khoản có thông tin: Nguyễn Hoàng Long, ngân hàng: Agribank; tài khoản Momo tên Trần Văn Thắng...

Ông Hoàng Thiên Ân cho biết thêm, hiện đơn vị đã đề nghị Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng vào cuộc điều tra, xử lý những người lập fanpage giả và đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, du khách mua vé xem ca nhạc.

Theo Phòng VH-TT TP.Đà Lạt, các vụ lừa đảo qua mạng như bán hoa tươi, đặt phòng khách sạn là vấn đề nổi cộm của thành phố trong vài năm gần đây, nay lại thêm lừa đảo mua vé qua mạng để xem ca nhạc. "Trước khi giao dịch chuyển tiền thuê khách sạn, mua vé xem ca nhạc trên mạng du khách nên gọi điện cho đường dây nóng của TP.Đà Lạt số 0912903178 để tránh bị lừa đảo. Chỉ sau khoảng 10-15 phút, cơ quan sẽ xác nhận giúp du khách rằng số tài khoản nhận tiền có phải là của chính chủ hay không", ông Kiệt chia sẻ thêm.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành Di sản quốc gia

Sáng 19.2, tại di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định) diễn ra lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 (âm lịch); có thể ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu hay đủ và có thể kéo dài thêm 2 hoặc 3 ngày của tháng 2 âm lịch.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam - Ảnh 5.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây khoảng 400 năm

THANH QUÂN

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng đặc sắc, nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.