Những ngôi chợ độc đáo: Chợ chiều 'năm ngàn'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
15/05/2024 07:00 GMT+7

Tồn tại nhiều năm nay, phiên chợ chỉ bán với giá 5.000 đồng ở huyện vùng cao Quảng Nam đã trở thành nét độc đáo, thu hút du khách đến với vùng biên viễn này.

ĐI CHỢ KHÔNG TRẢ GIÁ

H.Tây Giang (Quảng Nam) có chợ chiều "năm ngàn" tồn tại nhiều năm nay đã trở thành một nét độc đáo, gắn với văn hóa của địa phương. Phiên chợ không chỉ là nơi trao đổi mua bán của bà con các dân tộc, mà còn trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách khi đến với huyện vùng cao này.

Những ngôi chợ độc đáo: Chợ chiều 'năm ngàn'- Ảnh 1.

Chợ “năm ngàn” trở thành nét độc đáo của huyện vùng cao Quảng Nam

Phiên chợ đặc biệt nằm ở thôn A Grồng (xã A Tiêng), chỉ bày bán vào 16 giờ hằng ngày. Các mặt hàng chủ yếu là nông sản và sản vật địa phương như rau dớn, củ sắn, măng khô, măng tươi, tiêu rừng, ớt rừng, mật ong… Tất cả đều được bà con hái từ rừng hoặc trồng từ vườn nhà nên rất sạch. Mỗi mặt hàng họ cho một "quy ước" chung, đó là giá chỉ 5.000 đồng, không hơn, không kém, không thêm, không bớt... Ai có nhu cầu thì mua, không ép giá ở bất kỳ thời điểm nào.

Thêm một điều đặc biệt nữa ở phiên chợ này, "thương lái" đều là người dân tộc Cơ Tu. Nhiều người trong số họ chỉ học hết lớp 3, có người không biết chữ, có người không nói được tiếng phổ thông, nhưng vẫn mạnh dạn tự mình đem các sản vật từ rừng ra bày bán.

Bà Zơrâm Thị Chơn (56 tuổi, ở xã Lăng) cho hay trước đây những sản vật địa phương do bà con làm ra đều cất để ăn, nếu dư dả thì đem tặng cho một số bạn bè người Kinh chứ không ai nghĩ đến chuyện buôn bán. Nhưng bây giờ xã hội phát triển, nhiều người tìm thực phẩm sạch để mua nên người dân Cơ Tu học theo người Kinh mang những sản phẩm làm được hoặc kiếm được từ rừng ra chợ bán, kiếm tiền mua sắm thứ khác trang trải cuộc sống gia đình.

Khách hàng ở phiên chợ này chủ yếu là phụ huynh đón con đi học về tranh thủ ghé mua hoặc cán bộ từ dưới xuôi lên đây công tác. Bởi tất cả các loại rau củ quả ở đây là "hàng sạch".

"Bà con mình xưa nay trồng cây không biết dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, nhìn bên ngoài rau hơi xấu xấu tí nhưng chất lượng thì đảm bảo an toàn. Tất cả mặt hàng ở đây bất cứ thứ gì cũng 5.000 đồng hết nên đừng trả giá chi. Người đồng bào mình không biết nói dối đâu", bà Chơn quả quyết.

Gùi mấy bó rau dớn, ít măng rừng, ớt cùng một nải chuối xanh đến phiên chợ, Alăng Thị Nghinh (24 tuổi, ở xã A Tiêng) chọn cho mình một vị trí đẹp để bày đặc sản núi rừng ra bán. Đây là những mặt hàng vừa được vợ chồng Nghinh vào rừng hái về. "Nhờ phiên chợ này vợ chồng em có thêm thu nhập lo cho các con, bởi ở trên này người dân sống nhờ vào nương rẫy là chủ yếu", Nghinh nói.

THƯƠNG HIỆU RIÊNG CỦA HUYỆN VÙNG CAO

Cô giáo Arất Mai Tình (công tác tại Trường THPT Tây Giang) cho hay từ khi chợ "năm ngàn" ra đời, chị thường xuyên đến mua vì giá ở đây rẻ, các mặt hàng nông sản ở đây đảm bảo sạch, không hóa chất. Ngoài mua về dùng, chị còn mua gửi xuống dưới xuôi tặng bạn bè, đồng nghiệp những bó rau rừng, củ sắn, măng… Những sản vật của người miền núi khi xuống phố rất được mọi người chào đón.

Các mặt hàng đều được “niêm yết” giá 5.000 đồng

Các mặt hàng đều được “niêm yết” giá 5.000 đồng

Mạnh Cường

"Một điều đặc biệt tôi rất thích tại phiên chợ chiều này là khi chợ họp lại không hề có một tiếng chào hàng hay trả giá. Giá ở đây đã được "niêm yết", chúng tôi đến chỉ có việc trả tiền và lấy hàng. Khi mua hàng ở đây không chỉ tìm được nông sản ngon, sạch, mà còn giúp bà con có nguồn thu nhập vì đa số họ là hộ nghèo, khó khăn", chị Tình nói.

Trước đây, chợ chiều chỉ là một bãi đất trống bên đường. Sau này, thấy bà con bán nông sản rất đông khách nhưng khi gặp trời mưa gió thì rất vất vả, vì vậy nhằm giúp bà con có chỗ buôn bán ổn định lâu dài, bớt khó khăn, nhất là trong những ngày mưa bão, chính quyền H.Tây Giang đã huy động xây dựng chợ trên diện tích khoảng 100 m2. Nền chợ được bê tông hóa, mái vòm lợp tôn, khung sắt kiên cố…, đủ chỗ cho khoảng 20 hộ dân buôn bán.

Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết so với trước đây thì hiện nay chợ "năm ngàn" đa dạng, phong phú các mặt hàng hơn. Huyện đã có chủ trương sẽ đem một số mặt hàng đặc sản địa phương bán tại chợ này như củ đẳng sâm, sâm ba kích, mật ong, nấm lim xanh và bán cả các mặt hàng thủ công như các loại áo quần truyền thống Cơ Tu cùng các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương do chính bà con làm.

Hầu hết cán bộ dưới tỉnh và ở TP.Đà Nẵng hay kể cả khách du lịch khi lên đây công tác đều tranh thủ ghé qua chợ chiều "năm ngàn" để mua một ít sản vật mang về dùng hoặc tặng người thân, bạn bè. Phiên chợ đã trở thành nét độc đáo của huyện vùng cao nên huyện cũng đang tính toán sẽ xây dựng nơi đây thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của địa phương.

Theo ông Arất Blúi, các mặt hàng buôn bán tại chợ không phải là mặt hàng lớn mà chủ yếu là bó rau, mớ măng rừng… nên huyện thống nhất không thu thuế buôn bán của bà con, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con làm ăn, phát triển kinh tế. Chợ chiều "năm ngàn" ra đời dần trở thành một thương hiệu riêng của huyện vùng cao Tây Giang.

"Trong tương lai, nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn kích thích ngành dịch vụ phát triển, và điều ý nghĩa nhất là thay đổi dần tư duy của đồng bào từ thói quen chỉ biết làm nương rẫy sang một ngành nghề mới nhưng thu nhập cao, đó là buôn bán", ông Arất Blúi nói. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.