Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cần tập trung những vấn đề bức xúc

23/10/2009 15:59 GMT+7

(TNO) Chiều nay 23.10, Quốc hội (QH) nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời nghe Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của QH về các dự án luật trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN-NĐ) - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cho biết, Ủy ban VHGDTNTN-NĐ cơ bản nhất trí với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được nêu trong tờ trình của Chính phủ; tuy nhiên Ủy ban đề nghị: “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục”.

Trong tổng số 27 điều khoản mà Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung, Ủy ban VHGDTNTN-NĐ chỉ nhất trí về cơ bản với các đề nghị và luận cứ trình bày trong tờ trình của Chính phủ đối với 12 điều khoản, cụ thể là: khoản 2 Điều 6 (về chương trình giáo dục); khoản 1 Điều 11 (về phổ cập giáo dục); Điều 13 (về đầu tư cho giáo dục); Điều 35, Điều 41 (về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học); điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 42 (về thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ); Điều 49 (về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân); khoản 2 Điều 51 (về thẩm quyền sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường và đình chỉ hoạt động giáo dục); điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 69 (về thẩm quyền cho phép viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ thạc sĩ); Điều 74 (về thỉnh giảng).

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 50 để làm rõ hơn điều kiện thành lập nhà trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai bước: quyết định thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN-NĐ Đào Trọng Thi nêu quan điểm: “Ủy ban cơ bản tán thành tách việc thành lập nhà trường thành hai bước và quy định điều kiện tương ứng cho từng bước như Dự thảo Luật”. Nhưng ông Thi cho rằng điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục được quy định trong Dự thảo Luật còn chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. “Hơn nữa, giáo dục là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, do đó đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại điều luật sao cho vừa rõ ràng, chặt chẽ, khả thi, vừa phù hợp với Luật Đầu tư và theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Theo ông Thi, điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục nên trình bày thành các yêu cầu cụ thể, để thuận tiện trong việc thẩm định và giám sát thực hiện. Mặt khác, cần quy định rõ người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời quy định ngay trong Luật các trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể nhằm bảo đảm kỷ cương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chưa phân cấp cho Bộ trưởng cấp phép thành lập ĐH

Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, Điểm đ khoản 1 Điều 51 Luật hiện hành quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học”. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã chỉnh sửa Điểm đ khoản 1 Điều 51 thành: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường”.

Chủ nhiệm Đào Trọng Thi bày tỏ: “Việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương ưu tiên đầu tư tập trung xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế, do đó thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện”. Ông Thi nói tiếp: “Tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này”. Tuy nhiên, ông Thi cho biết: “Ủy ban ủng hộ việc giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm quyền cấp phép hoạt động giáo dục cho trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN-NĐ cho biết, một trong những vấn đề hết sức quan trọng được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi trong thời gian qua, đó là: việc xây dựng chương trình giáo dục và sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong cộng đồng chuyên môn cũng như trong xã hội nói chung nên việc Dự thảo Luật bổ sung vào khoản 3 Điều 29 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong việc quy định tiêu chuẩn về sách giáo khoa, việc biên soạn, tổ chức dạy thí điểm, thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm sách giáo khoa, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt là cần thiết.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhận xét, việc quy định như dự thảo là chưa đủ, và đề nghị quy định ngay trong Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng “quá tải” về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.          

Ngoài những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong tờ trình của Chính phủ, Ủy ban VHGDTNTN-NĐ đề nghị QH xem xét sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề như về học phí, phí dịch vụ. Điều 105 Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Nhưng Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho biết: “Thực tiễn hiện nay còn có sự nhầm lẫn trong nhận thức và vận dụng giữa học phí, phí dịch vụ và tiền đóng góp các loại quỹ trong nhà trường, dẫn đến tình trạng thu tùy tiện ở một số cơ sở giáo dục, nhiều nơi còn lạm dụng chủ trương về xã hội hóa giáo dục và quy định về các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục, mượn danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu thêm những khoản trái quy định, gây bức xúc trong dư luận và thắc mắc trong nhân dân”. Ủy ban VHGDTNTN-NĐ đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể và minh bạch các khoản tiền đóng góp, các loại quỹ, các loại phí dịch vụ trong các cơ sở giáo dục và cơ chế thu, quản lý, sử dụng các khoản thu đó nhằm thiết lập lại kỷ cương, phòng chống tiêu cực trong nhà trường.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.