Cần có bạn bè lớn

22/10/2009 00:26 GMT+7

Đại diện 16 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tham dự hội nghị tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hoà) hôm qua. Nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận tại hội nghị này.

1. Theo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN–PTNT), hiện nay vùng biển ven bờ bị khai thác quá mức, nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Tình trạng đánh bắt hải sản bằng các phương pháp hủy diệt, phá hủy nơi cư trú tự nhiên quan trọng ở vùng biển và ven bờ (như các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển) có chiều hướng gia tăng, làm mất chỗ dựa lâu dài của ngành thủy sản. Tổng cục Biển và Hải đảo VN cảnh báo: “Mất các hệ sinh thái biển, lòng biển nước ta sẽ trở thành hoang mạc, không còn tôm, cá và vắng bóng du khách”. Vì vậy, tuyên truyền biển, đảo trước hết phải giáo dục người dân ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên biển. 

2. Báo cáo của Cục Cảnh sát biển nêu rõ, thời gian qua, các hoạt động kinh tế trên biển đã phát sinh nhiều vấn đề về an ninh, trật tự: Buôn lậu, gian lận thương mại trên biển quy mô lớn, với nhiều chủng loại hàng hóa như khoáng sản, xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm… Bên cạnh đó là tình trạng khai thác hải sản trái phép, tranh chấp ngư trường, ăn cắp ngư cụ, vi phạm các quy định hàng hải… Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển và hàng hải sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo.

3. Trong khi đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, Quân chủng Hải quân đã đề nghị: Ban Tuyên giáo Trung ương cần có định hướng chiến lược lâu dài, kế hoạch thực hiện, lộ trình và bước đi cụ thể đối với việc tuyên truyền biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân. Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu đề xuất với Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương đưa nội dung giáo dục về biển, đảo vào chương trình giáo dục quốc phòng hằng năm cho các đối tượng. Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung về biển, đảo VN vào sách giáo khoa, làm tài liệu học tập chính khóa cho các cấp học, bậc học và trường đào tạo do Bộ quản lý.

4. Chiến lược biển VN đến năm 2020 hướng đến mục tiêu phấn đấu nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên biển. Theo báo cáo đề dẫn hội nghị, thời gian gần đây, tình hình tranh chấp ngư trường, tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực xung quanh biển Đông có nhiều dấu hiệu phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần phổ biến cho ngư dân những thỏa thuận về chủ quyền biển, đảo của VN với các nước trong khu vực để tránh những hoạt động vi phạm chủ quyền nước khác; cũng như đấu tranh trên dư luận với những hoạt động của tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển của nước ta. Bên cạnh đó, cần đảm bảo an sinh lâu dài cho cư dân biển đảo, vì đây là yếu tố sống còn trong việc bảo vệ chủ quyền.

Để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh việc phát huy truyền thống quật cường của cha ông và nội lực, cần tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển, đảo cùng sự ủng hộ của bạn bè trong khu vực và trên thế giới. Như một nhà hiền triết đã nói: “Đất nước nhỏ cần có bạn bè lớn”.

Việt Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.