Bản lĩnh trong khủng hoảng

12/10/2009 23:41 GMT+7

Khủng hoảng kinh tế - thời điểm thử thách khắc nghiệt nhất đối với giới doanh nhân (DN) Việt Nam, nhưng đó cũng là lúc để họ thể hiện bản lĩnh của mình.

Quyết đoán

Tháng 10.2008, nguyên liệu đầu vào mà Tập đoàn Hoa Sen mua về trước đó có giá 1.200 USD/tấn rớt không phanh xuống còn 500 USD/tấn. Chênh lệch hàng tồn kho mấy trăm tỉ đồng. Hoa Sen điêu đứng. Để hạn chế tiếp tục thua lỗ, HĐQT quyết định bán sạch số hàng tồn kho này, càng nhanh càng tốt, chỉ trong ba tháng. “Khi đó tôi tính nháp, nếu cò kè tiếc rẻ chậm bán có thể sẽ lỗ 500 tỉ đồng, nhưng nhờ dứt khoát bán nên chỉ lỗ 150 tỉ đồng. Tới hết tháng 9.2009, lãi đã bù lỗ và lợi nhuận đạt 200 tỉ đồng”, ông Phạm Trung, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen hào hứng kể.

Khủng hoảng tài chính không chừa bất cứ DN nào. Nhưng sự điều chỉnh, thích ứng kịp thời đã giúp nhiều DN trụ vững trong cơn khốn đốn. Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, cho biết: “Chúng tôi tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ để đầu tư bổ sung máy móc, mua lại thiết bị của các công ty đã phá sản, tạo sản phẩm khác biệt và mua dự trữ nguyên liệu giá rẻ, tạo lợi thế cạnh tranh về giá thành... Kết quả, 9 tháng đầu năm lợi nhuận của Thái Tuấn cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây”.

Tại buổi lễ tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tổ chức ngày 11.10, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trao bằng khen và kỷ niệm chương cho 80 DN có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng những dịch vụ sản phẩm xuất sắc, tích cực tham gia công tác hoạt động xã hội, từ thiện.
Cơ hội trong khó khăn

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh cho rằng, trong các yếu tố như kiến thức, năng lực... thì quyết đoán là tính cách hàng đầu của doanh nhân VN trong khủng hoảng. “Nhưng muốn quyết đoán, phải bản lĩnh. Kinh doanh hiện nay có tính may rủi, năm ăn năm thua. DN VN giỏi, không dở, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, do yếu tài chính, nên cạnh tranh yếu”, ông Minh phát biểu.

“Khủng hoảng là cơ hội tốt cho DN VN có thời gian rèn luyện mình, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bao giờ cũng phải hết sức bình tĩnh để phân tích những yếu tố thuận lợi, tránh việc nhìn những khó khăn của hiện tại mà chùn bước”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên bình luận. Ông Vũ kể rằng, lúc tình hình kinh tế chung khó khăn nhất, Trung Nguyên đã đầu tư 100 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến cà phê. “Vừa rồi đi Mỹ, tôi đã bàn thảo việc mua lại một công ty trung bình trong lĩnh vực cà phê của Mỹ để lấy hệ thống phân phối của họ, từ đó có bước thâm nhập tốt vào thị trường này. Trung Nguyên cũng hình thành hệ thống quán cà phê mới và còn nhiều dự án khác nữa”, ông Vũ tiết lộ.

Khắc phục điểm yếu

Nhiều người nhận định, DN VN có khả năng chịu đựng cao và trong khó khăn luôn có khả năng xoay xở tốt. Nhưng với các DN nhỏ thì được, những công ty lớn lại khác. Họ cần phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn để phòng tránh khó khăn, để khỏi phải chật vật xoay xở trong khó khăn.

Khủng hoảng đã khiến không ít DN bộc lộ nhiều điểm yếu. “Các DN chủ yếu trưởng thành từ hộ gia đình, nên năng lực vẫn còn giới hạn, chưa được đào tạo bài bản. Hạ tầng đào tạo, môi trường còn khó khăn, đòi hỏi điểm mạnh là khó. Trình độ DN, tài chính doanh nghiệp, hệ thống phân phối... đều thua kém”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thẳng thắn nhìn nhận.

Sự lạc quan của doanh nghiệp: chất xúc tác cho tăng trưởng

Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Matthias Duehn (ảnh), Giám đốc Phòng Thương mại châu u (Eurocham) tại Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về tiềm năng của doanh nghiệp, vai trò của doanh nhân trong việc đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Ông nói:

- Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng được biết đến nhiều hơn trong và ngoài khu vực. Những tên tuổi như Vinamilk, Vietnam Airlines, hay PetroVietnam đã trở nên nổi tiếng trên thế giới. Ngày càng có nhiều công ty dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Ngày 18.9 vừa qua, Tổng công ty Cavico, một doanh nghiệp phát triển hạ tầng ở Hà Nội, đã được phép niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết ở Mỹ. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, xu hướng này mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Các công ty Việt Nam cần vượt qua một số thách thức, vì sự cạnh tranh trên thị trường thế giới là rất gay gắt. Các công ty Việt Nam cần tìm hiểu kỹ hơn về xu hướng thị trường trong khu vực, và đầu tư hơn nữa cho việc nghiên cứu và phát triển thị trường.

* Châu Á, trong đó có Việt Nam, được cho là sẽ vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhanh nhất. Ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nhân Việt Nam trong việc đưa đất nước vượt qua ảnh hưởng này?

- Ông Matthias Duehn: Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất tốt so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Kết quả này có được phần lớn là nhờ biện pháp điều hành của Chính phủ hồi đầu năm nay, mà cụ thể là tác động của gói kích cầu thứ nhất. Vì vậy, Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng một cách tuyệt vời. Các doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về tương lai, và điều này là yếu tố căn bản, góp phần đưa nền kinh tế đi lên.

* Theo ông, điều gì là quan trọng nhất trong việc nâng cao vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế?

- Ông Matthias Duehn: Eurocham luôn tin tưởng vào cơ hội phát triển lâu dài của Việt Nam. Để thu hút đầu tư, Việt Nam nên giải quyết 3 vấn đề căn bản. Đó là phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giáo dục, và tạo thuận lợi trong chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là chính sách thuế.

Thanh Vân
(thực hiện)

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.