Những gì đã và đang xảy ra tại tu viện Bát Nhã (tỉnh Lâm Đồng)?

13/10/2009 23:38 GMT+7

Không có chuyện công an bắt bớ, đánh đập phật tử tại tu viện Bát Nhã", Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân đã cho biết như vậy trước thông tin cho rằng chính quyền đã "đàn áp" phật tử tại tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Xuân, bắt đầu từ năm 2006, tại tu viện Bát Nhã có các khóa tu tập cho những người theo pháp môn Làng Mai, một pháp môn tu hành do Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh sống ở Pháp) sáng lập. Việc mở các khóa tu tập đã được Thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện Bát Nhã bảo lãnh và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chấp thuận. Từ tháng 5.2008 cho đến nay, tại tu viện Bát Nhã có khoảng trên 400 người theo môn pháp Làng Mai. Sự chênh lệch về tương quan lực lượng đã tạo nên sự nghi ngờ của những người thuộc tu viện Bát Nhã, mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh và lớn dần.

Ngày 1.9.2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi có văn bản gửi các cấp chính quyền và GHPGVN thông báo không bảo lãnh cho số người theo pháp môn Làng Mai và yêu cầu họ rời khỏi tu viện Bát Nhã. Yêu cầu này không được những người tu theo pháp môn Làng Mai chấp nhận. GHPGVN, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có ý kiến bằng văn bản để giải quyết sự việc.

Ngày 29.6, khi đoàn chức sắc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đến tu viện Bát Nhã để xúc tiến việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên thì một số phật tử của tu viện Bát Nhã, cho rằng các vị trong Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng ủng hộ những người tu theo pháp môn Làng Mai nên đã có nhiều hành vi quá khích như dùng đá, gậy gộc tấn công đoàn chức sắc tôn giáo tỉnh Lâm Đồng. Chỉ có một vị trong đoàn bị thương nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Ngày 27.9, một số phật tử tu viện Bát Nhã đã tập trung gây áp lực buộc những người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi đây.

Trong hai ngày 27 và 28.9, số người tu theo pháp môn Làng Mai đã rời khỏi tu viện Bát Nhã để tới chùa Phước Huệ (cách đó 15 km). “Trong tất cả những người này không có ai bị công an hay chính quyền địa phương đánh đập, bắt bớ như một số tin đồn. Do một số người đã trở về với gia đình nên hiện nay, tại chùa Phước Huệ chỉ còn khoảng trên 190 người và đang được chính quyền địa phương, GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng giúp đỡ, tạo điều kiện để họ trở về địa phương hoặc nơi tu hành cũ”, ông Xuân cho biết.

* Thanh Niên: Thưa ông, một số vụ việc lộn xộn xảy ra tại tu viện Bát Nhã được cho là do mâu thuẫn nội bộ, cụ thể là như thế nào?

- Ông Nguyễn Thanh Xuân:  Nguyên nhân sâu xa của những xung đột này là do trước đây, Thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện Bát Nhã có bảo lãnh cho việc tu học của số người tu theo pháp môn Làng Mai. Nhưng cũng từ đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai tại đây có nhiều việc làm, biểu hiện không tuân thủ Hiến chương và những quy định của GHPGVN, như: tổ chức khóa tu không xin phép, nhận người vào tu trái với quy định, đồng thời coi thường sư trụ trì ở tu viện Bát Nhã... Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn tự động bổ nhiệm chức sắc tôn giáo và làm một số việc vi phạm các quy định của tu viện Bát Nhã. Những người tu theo pháp môn Làng Mai cũng vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và giáo luật của GHPGVN như: không chịu khai báo các thông tin về nhân thân, về tạm trú, tạm vắng; một số người chưa đến tuổi thành niên xuất gia nhưng không được cha mẹ đồng tình, không có người giám hộ... Cũng vì những nguyên nhân này mà Thượng tọa Thích Đức Nghi đã không tiếp tục bảo lãnh cho các tín đồ pháp môn Làng Mai. Có thể nói, vụ việc xảy ra ngày 27.9 là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn nội bộ tôn giáo đã bị dồn nén lâu ngày và càng gia tăng giữa tín đồ, phật tử hai bên.

* Trách nhiệm của địa phương và  hướng giải quyết  vụ việc này như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Xuân: Trong quá trình xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã thể hiện được vai trò vừa hòa giải các mâu thuẫn, vừa hướng dẫn  các bên thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Khi xảy ra các vụ xung đột, chính quyền địa phương đã giữ an ninh không để xảy ra xô xát, gây mất trật tự ở địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của công dân. Đồng thời vận động, thuyết phục các phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã không được xúc phạm làm ảnh hưởng đến nhân phẩm và thân thể của các vị tu theo pháp môn Làng Mai, yêu cầu các vị tu theo pháp môn Làng Mai phải tuân thủ pháp luật VN. Nhân đây tôi cũng nói rõ là trong 2 vụ xô xát đã xảy ra, không có một trường hợp nào bị chính quyền “bắt, giam giữ”, chỉ có một trường hợp bị thương nhẹ là Thượng tọa Thích Thái Thuận, Phó ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên, tôi cho rằng rất khó dung hòa. Thượng tọa Thích Đức Nghi đã nhiều lần có văn bản, thư thỉnh nguyện gửi GHPGVN bày tỏ việc này. GHPGVN cũng khẳng định,  tại Việt Nam, chỉ có GHPGVN là tổ chức Phật giáo hợp pháp duy nhất; không công nhận có cái gọi là “Giáo hội Làng Mai” ở Việt Nam. Trước đây, khi cho phép pháp môn Làng Mai hoạt động, GHPGVN cũng quy định rõ chỉ cho phép tổ chức khóa tu theo giới hạn 3 tháng, hết hạn phải xin phép tổ chức lại. Hiện nay, việc giải quyết đối với người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã thực hiện theo hướng của GHPGVN: trường hợp nào có đăng ký hợp pháp thì cho ở lại tu học cho bố trí đến nơi tu học mới. Trường hợp chưa đăng ký hoặc đã hết hạn nhưng có thiện tâm, quyết chí tu học sẽ được giúp đỡ cho phép đăng ký tạm trú và chờ bố trí đến nơi tu học mới. Trường hợp nào vi phạm pháp luật, gây bất ổn sẽ đưa đi ngay. Ngoài ra, nếu vị trụ trì nào có thiện ý muốn bảo lãnh tăng ni đang tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã đến nơi tu tập mới thì cần phải tiến hành các thủ tục đăng ký với Ban Trị sự Phật giáo và chính quyền địa phương nơi đến.

Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền tỉnh Lâm Đồng ủng hộ cách giải quyết này của GHPGVN và trong chức năng, trách nhiệm của mình sẽ phối hợp tích cực để giải quyết sự việc. 

Thái Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.