Cảnh giác với bánh trung thu nhái, giả

12/09/2005 21:54 GMT+7

Mùa Trung thu đang đến gần, cùng với việc thị trường bánh trung thu sôi động là nạn bánh trung thu nhái, giả cũng rộ lên.

Hàng nhái tràn lan

Trên các con đường lớn tập trung các gian hàng bán bánh trung thu ở TP.HCM như Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Thế Hiển..., tình trạng nhái thương hiệu bánh trung thu Nhà hàng Đồng Khánh vẫn còn khắp nơi. Nào là H. Đồng Khánh, S.L Đồng Khánh, Ph.Th Đồng Khánh, B.Th Đồng Khánh, Th.Th Đồng Khánh, M. Đồng Khánh, L. Đồng Khánh, T.B Đồng Khánh, N.H Đồng Khánh... Những chữ đi kèm phía trước hai chữ Đồng Khánh luôn rất nhỏ, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn đó là bánh trung thu Nhà hàng Đồng Khánh nổi tiếng. Phần lớn những gian hàng này do cơ sở sản xuất nhỏ tổ chức, mua thêm hàng của Kinh Đô hoặc Đồng Khánh về bán kèm. Trong chiếc tủ bánh, hàng thứ nhất sẽ bày bánh thật, hàng thứ hai sẽ bày bánh nhái lẫn bánh thật, hàng thứ 3 bày bánh giả. Thường thì người mua xem kỹ bánh ở hàng thứ nhất. Lúc khách hàng quyết định mua, người bán sẽ lấy một chiếc bánh ở hàng thật, 2 chiếc bánh ở hàng thứ hai và 1 chiếc bánh ở hàng thứ ba cho vào hộp.

Hàng giả tinh vi

Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A thuộc Chi Cục QLTT vừa kiểm tra cơ sở sản xuất bánh Phước Lộc, số 7524 Cao Xuân Dục, Q.8 và phát hiện tại đây có 670 bánh trung thu nhân hạt sen và đậu xanh giả nhãn hiệu Kinh Đô; các thùng carton bao bì giả nhãn hiệu bánh trung thu Kinh Đô. Đội QLTT 3A cũng kiểm tra cửa hàng số 490 đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, thu giữ gần 100 bánh trung thu giả nhãn hiệu Kinh Đô.

Kinh Đô là thương hiệu số 1 được giới kinh doanh bánh giả ưa chuộng. Hiện có cả những cơ sở làm giả hộp, bao bì, logo và tem (ghi loại bánh, trọng lượng, giá cả) Kinh Đô. Người bán bánh giả có rất nhiều "chiêu" đánh lừa người tiêu dùng. Cách thứ nhất, mua trọn bộ hộp, logo và cả tem giả bánh Kinh Đô về "ngụy trang" lên bánh giả. Với cách này, người bán lời rất nhiều nhưng người tiêu dùng có thể nhận ra vì bánh trung thu thật của Kinh Đô có logo in thẳng vào hộp bánh, phía đáy hộp có in thành phần bánh, tên công ty còn bánh giả thì không và logo Kinh Đô thì được dán vào hộp bánh. Cách thứ hai, người bán lời ít hơn nhưng người tiêu dùng không tài nào nhận ra, đó là tráo tem bánh. Hiện Kinh Đô có hai loại bánh trung thu có giá bán rất đắt, giá chênh nhau nhiều và được người tiêu dùng rất ưa chuộng là bánh thập cẩm 2 trứng, trọng lượng 260g giá 35.000đ/cái và bánh vi cá jambon 2 trứng đặc biệt, trọng lượng 260g giá 48.000đ/cái. Người bán thường nhập thật nhiều bánh thập cẩm 2 trứng của Kinh Đô về rồi tháo bỏ tem và mua tem giả vi cá jambon 2 trứng đặc biệt dán vào bán hưởng lời chênh lệnh 13.000đ/cái.

Tình trạng hàng nhái, hàng giả trong thị trường bánh trung thu diễn ra từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra xử lý. Thế nhưng vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng hơn? Ông Nguyễn Văn Ri - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A thuộc Chi cục QLTT TP.HCM cho biết: tình trạng bán bánh giả xảy ra nhiều ở các gian hàng dọc theo lề đường, do số lượng gian hàng quá nhiều trong khi lực lượng kiểm tra có hạn nên không thể kiểm tra hết. Còn hàng nhái chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất, mức phạt cho mỗi lần vi phạm từ 5 đến 20 triệu đồng là "không ăn thua gì" vì mức lợi nhuận từ sản xuất bánh trung thu là rất lớn. Do vậy người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận khi mua bánh để tránh bị "móc túi".

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.