Ông Ba Lưu viết văn

17/09/2007 22:17 GMT+7

Cái tin ông Ngô Phan Lưu đoạt giải nhất truyện ngắn Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 2006-2007 với hai truyện ngắn Buổi sáng biến mất và Cơm chiều đã làm nức lòng rất nhiều bà con làm ruộng xứ Phú Yên. "Ơ, lão Ba Lưu quyết quăng (viết văn, giọng Phú Yên - NV) ấy mà cũng đoạt giải à?".

Thế là một cuộc lùng đọc sách báo diễn ra sôi động chưa từng có ở cái xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) như lúc này; một mẩu giấy cũng đọc, miễn là có nói chuyện Ngô Phan Lưu. Mà chuyện đời ông cũng kỳ thú chẳng kém...

Nhiều người ở quê ông vẫn nhắc câu vè "Hòa Mỹ có ông Ba Lưu /Chuyên đời làm ruộng lại liều viết văn". Lại nhiều người tỏ ra vô cùng nghi ngờ khi tới mùa nông nhàn là ông đóng cửa viết lách, sau lại chuyển bớt ruộng cho mấy người bà con làm để ngồi gặm giấy. Họ lý luận: ai đời một người ở tận vùng "mở mắt ra là thấy ruộng", sống nửa thế kỷ bằng nghề nông mà dám dứt áo đi viết văn. Đáng nói hơn, dân quê ông vốn khá "thủ dẻo" và ít chịu thay đổi, nhất là khi tuổi đã quá "ngũ thập"; vả lại, dù có "nổi tiếng chữ nghĩa một vùng quê", ai dám chắc khi đi "cày" văn sẽ thành... nhà văn, hay chỉ là "nửa ruộng, nửa văn"?

Sinh năm 1943, nay sắp lên lão 65 nhưng vẫn còn cầm cự bia rượu khá tốt; "tại cái cốt ruộng rẫy nên chuyện gì cũng cày tốt!" - Lưu "nhà văn trẻ" khà khà. Chuyên chú với văn chương khoảng mươi năm qua, đã có nhiều thành công nhất định, được làng văn công nhận là một cây bút sắc sảo viết về mảng đề tài nông thôn nhưng trước sau Ngô Phan Lưu cũng chỉ nhận mình chỉ là một người viết a-ma-tơ, một "trai cày" - như cách nói muôn thuở của ông. Chỉ một điều ông dám chắc: "Nghề văn khá mong manh trong chuyện kiếm cơm nhưng tôi tin vào đam mê và khả năng của mình...". Ban đầu cầm bút, ông lai rai làm thơ, viết đôi ba bài đọc sách phiếm luận. Bởi khoái đọc sách Tây và quan trọng là "cái nghĩ" của ông khá lạ nên cách tiếp cận vấn đề được nhiều người thích. Thế nhưng, làm thơ riết cũng chả thành nhà thơ, viết bài đọc sách mãi cũng chẳng thành nhà lý luận, thế là ông... chuyển sang sáng tác văn xuôi. May sao, cái "món" văn tỏ ra hợp khẩu!

Đến nay, Ngô Phan Lưu đã in được 2 cuốn sách riêng đầy đặn và "nói công bằng, dù ít dù nhiều" cũng đều tạo được dấu ấn trên văn đàn; đó là tập thơ Bếp lửa chiều đông (Hội LHVHNT Phú Yên, 1997) và tập truyện ngắn Người không giăng câu Kiều (NXB Văn hóa thông tin, 2004). Còn tác phẩm in chung và đăng trên báo chí thì... "không thể nào nhớ nổi; viết nhiều mới đủ cơm ăn chớ em!". Giờ, ông đang "dọa" in tập truyện ngắn Trần gian một khúc với mảng đề tài "dự báo về những tan ra giá trị ở nông thôn" - như lời ông tâm sự.

Ngô Phan Lưu vốn là một người làm nông có nghề, làm không thua kém ai, bởi ngoài một sức dẻo dai, ông còn hay để ý, rút kinh nghiệm trong chuyện gieo gặt, đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng... Chính cái am hiểu, cái gần gũi với nghề nông ấy mà rất nhiều bạn văn đã "ngả mũ" trước những trang văn đẫm chất đồng quê, sâu lắng mà ý nhị như một nụ cười thoảng qua của hình ảnh nhân vật "học giả đồng quê" xuất hiện phảng phất trong văn Ngô Phan Lưu.

Có lẽ chuyên nghề văn khá muộn màng nên ông cố tranh thủ. Mấy năm nay, truyện, thơ, bài vở... của Ngô Phan Lưu xuất hiện dày đặc trên báo chí trong và ngoài tỉnh. Thơ thì đã viết đến vài trăm bài, truyện ngắn thì đã dăm chục, các bài báo thì cứ "đẻ sòn sòn" không thể nhớ hết. Nhà văn Đào Minh Hiệp, Chủ tịch Hội LHVHNT Phú Yên nói: "Ông Ngô Phan Lưu viết rất chắc tay, với một vốn hiểu biết sâu rộng, nhất là cái duyên đằm sâu trong các truyện ngắn, tản văn viết về nông thôn đọc rất thích! Theo tôi, trong mươi năm gần đây, Ngô Phan Lưu là một trong những cây bút đáng chú ý ở miền Trung...".

Gần đây, năm nào ông cũng đoạt giải dự thi viết, không giải lớn thì nhỏ; ông "nhà văn trẻ" này khoái dự thi. Ông rất chăm gửi "hàng" để "sưu tập" giải hàng loạt báo lớn, nhỏ và cả nhiều cuộc thi viết do các ngành trong tỉnh tổ chức. Ông tuyên bố: "Viết văn cũng như làm ruộng, trước hết phải siêng năng; tui có thế mạnh chuyện này vì là dân làm ruộng mà!".

Hùng Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.