Người làm nên cổ tự bằng miểng sành

29/09/2007 23:04 GMT+7

Có hơn 3.000 cái chén, cùng một số rất lớn các loại đĩa kiểu, tô kiểu, lọ hoa, bình trà và tách uống trà bằng sứ bị đập bể hoặc dùng kềm sắt cắt thành từng mảnh nhỏ trong suốt hơn 30 năm, đã nâng số miểng sành “văng ra” từ cuộc đập cắt trường kỳ ấy lên đến ước chừng hơn 6 tấn. Ai đã khởi xướng công việc mà mới nghe qua tưởng quá lạ lùng này?

Đó là nhà thiết kế mỹ thuật Lê Văn Rớt - người được giao trách nhiệm coi sóc ngôi chùa cổ nằm giữa hai vùng kênh vắng vẻ trước đây của Sài Gòn, Chợ Lớn là: kênh Đôi và kênh Phạm Thế Hiển. Được lập ra từ thời vua Tự Đức mới lên ngôi, chùa này vốn là nơi tôn nghiêm với lịch sử tồn tại ngót một thế kỷ rưỡi. Thế nhưng tới lúc ông Rớt đến (năm 1960), thì ngôi cổ tự đã gần như xuống dốc cùng kiệt với mái ngói rêu xanh và mấy tường vôi lở nứt, bao quanh bởi những xóm nghèo lầy lội (thuộc địa bàn quận 8 - TP.HCM bây giờ). Đứng trước cảnh điêu tàn đó, ông xúc động phát nguyện sẽ trùng tu di tích này từ hai bàn tay trắng.

Ban đầu ông cho dựng một chòi lá nhỏ đơn sơ cạnh chánh điện cũ đã bị mưa dột để ở và hai năm sau (1962) bắt đầu phát động bá tánh vào công cuộc xây dựng lâu dài. Biết dân quanh vùng đa phần là người lao động nghèo khổ, phải làm lụng cực khổ mới đủ ăn, nên ông không đặt nặng chuyện quyên tiền, mà chỉ khuyến phát họ đem đến cho ông các loại chén đĩa đã bị nứt hoặc đã sứt mẻ trên miệng đôi chút. Ông cũng cho người đi lục lọi vào chợ An Đông, chợ Bình Tây, lên vùng Phú Nhuận, Bình Thạnh vào các xóm nhỏ hoặc các gian hàng bán đồ sành sứ, cũng như nhiều vựa ve chai, để xin những đồ gia dụng bị nứt nẻ, vứt bỏ, mang về lựa ra làm nhiều loại. Loại có màu xanh để riêng. Màu vàng, hồng, hoặc trắng để riêng. Rồi gắn chúng vào các cây cột, các chi tiết kiến trúc, theo hình họa do ông thiết kế. Nhưng trước hết, ông cho đập bể hoặc dùng kềm sắt cắt các chén đĩa đã nứt sẵn (không bao giờ đập vỡ chén đĩa còn nguyên lành) cho có góc cạnh và bẻ chúng theo đường nét mỹ thuật tạo hình của ông. Tiếp đó trộn một hợp chất kết dính theo tỷ lệ: cứ 1 tô cát phải dùng đến 5 tô xi măng (thay vì 1 tô xi măng trộn với 4 tô cát cho những công trình khác) để trét lên bề mặt các kiến trúc trước khi ốp. Dần dà ngôi cổ tự tường xiêu mái dột ngày nào dần dần khởi sắc với những miểng sành tạo hình hoa sen, rồng phượng... Khi rỗi rảnh đôi chút, vào đêm rằm sáng trăng, ông chỉ đống mảnh vỡ của chén đĩa ngổn ngang nói với người chung quanh rằng: “Mấy ông biết không, tuổi nhỏ của tôi cũng từa tựa như những mảnh vỡ này đây. Khi tôi sinh ra mới hai tháng thì cha tôi đột ngột qua đời. Mẹ tôi lúc ấy mới 32 tuổi không đi bước nữa, cứ ở vậy tảo tần chạy ngược chạy xuôi vất vả để nuôi đàn con 5 đứa mồ côi mà tôi là con út. Khổ cực như thế đến năm tôi lên 6 tuổi mẹ tôi gửi hẳn tôi vào sống trong một ngôi chùa là Long An tự để tôi được nuôi nấng, học hỏi trong vòng tay che chở từ bi của lão hòa thượng Giác Thành...”.

Mỗi lần nhắc như vậy, ông thường bảo “chớ bỏ những đồ bị đời vứt đi” mà hãy cố tâm “biến nó thành vật hữu dụng” và trước mắt khi thấy một miếng mảnh chai lăn lóc cũng hãy lượm lên, đem về chùa: “Trước là để tránh cho người đi đường khỏi đạp lên chảy máu, sau góp vào kho công đức của mình”. Đến những năm giữa thập niên 1980 nghe nói có nhiều đồ gốm sứ xuất khẩu bị hư bể thường đem ra đổ chất đống ở vài điểm gần Ga Sài Gòn, ông đã cho người đến đó mướn xe chở về. Thấy vậy một số thiếu niên sống lang thang hè phố đã tham gia bằng cách gom sẵn vào từng cần xé đợi ông cho người tìm đến đổi lấy 60.000 đồng hoặc 70.000 đồng mỗi sọt. Đồ bát tràng ở phía Bắc chở vào bán tại phố Nguyễn Chí Thanh, Q.5, cái nào bị nứt bỏ ông cũng cho mua với giá 80.000 đến 90.000 đồng mỗi sọt. Cứ thế qua suốt ba thập niên, vô số miểng sành sứ được ốp thành những hình hoa, nét bướm, những thiên nữ múa hát “vào đời” trở lại, biến cổ tự tàn tạ năm xưa trở thành ngôi chùa đẹp đẽ và nổi tiếng. Đó là tổ đình An Phú ngày nay, tọa lạc số 24 đường Chánh Hưng, P.10, Q.8, TP.HCM. Nếu đến đó theo đường Trần Hưng Đạo, qua cầu Nguyễn Tri Phương, vừa chạm đất quận 8 dưới chân cầu, người ta có thể nhìn thấy ngay góc chùa bên phải với vẻ tráng lệ dưới nắng bởi muôn ngàn miểng sành đủ màu.

Và nhà thiết kế mỹ thuật Lê Văn Rớt nói trên chẳng phải ai xa lạ mà chính là hòa thượng Thích Từ Bạch thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, đã qua đời cách đây 14 năm (1993). Hiện vị đang kế tục trụ trì tổ đình An Phú là thượng tọa Thích Hiển Đức (là cháu gọi nhà thiết kế bằng chú ruột) đã kể chúng tôi nghe về những chi tiết trên và kết luận: “Ngài Từ Bạch đã để lại một công trình nghệ thuật mang đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng tiêu biểu cho cuộc sống đầy mặn, nhạt, chua, cay của chúng ta trong 3.000 thế giới tức tam thiên này. Vì vậy có thể chọn con số 3.000 ấy để tượng trưng cho vô số miểng sành chén đĩa bị vỡ nát nay đã được hữu dụng dưới tay người!”. 

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.