Cuộc trò chuyện lúc 0 giờ 30 với GS-TS Nguyễn Lân Dũng

10/01/2004 15:38 GMT+7

Suốt mấy ngày trước đó, Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng tất bật trong ngày trọng đại của gia đình: Ngày cưới của con trai Nguyễn Lân Hiếu. Không cầu kỳ và với sự nhiệt tâm lúc nào cũng sẵn có, buổi trò chuyện giữa Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng và bạn đọc Báo Thanh Niên diễn ra lúc nửa đêm: 0 giờ 30.

- Giáo sư là nhà khoa học nổi tiếng, vừa là một đại biểu Quốc hội. Vậy giáo sư tâm đắc nhất điều gì trong những việc mình đã làm được để chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến các kỳ họp Quốc hội? (Trần Khắc Lãm, khaclam@yahoo.com)

- Tôi không dám nhận là người nổi tiếng, mà chỉ là người được biết mặt, biết tên, nhất là trong bà con nông dân, vì nhiều năm nay, tôi đã đảm nhiệm việc trả lời thư của bạn đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam và bạn xem truyền hình (Chương trình KCT).

Vừa giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh vừa chỉ đạo công tác nghiên cứu và nhiều hoạt động xã hội khác, rất ít khi tôi được đi ngủ trước 23 giờ 30. Nhưng bù lại, tôi rất vui khi được đọc hàng ngàn thư gửi về từ khắp nơi.

Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội, tôi rất băn khoăn trước đơn thư khiếu nại tố cáo, thư kiến nghị mà đông đảo bà con gửi về. Tôi cố gắng chuyển hết các thư từ, đơn khiếu nại đến cơ quan có trách nhiệm, đồng thời gạn lọc một vài vấn đề bức xúc nhất để phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ này, tôi tập trung kiến nghị về chống tham nhũng, chống thất thoát công quỹ và kiến nghị các biện pháp dùng đòn bẩy khoa học - công nghệ trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo...

- Để có được học vị giáo sư, chắc hẳn đó là cả một quá trình học tập và nghiên cứu gian nan. Nhưng ngày nay, không thiếu những thạc sĩ, tiến sĩ... dỏm. Giáo sư nghĩ sao về sự bất công giữa 2 tiến sĩ thật và 1 tiến sĩ... giấy? (Đỗ Thùy Diễm Trang, 137/1 Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)

- Một nhà sử học, cũng là đại biểu Quốc hội có một câu trả lời khá dí dỏm về chuyện này. Anh nói, anh rất phục những người thực sự có tài và kể cả những người bất tài mà vẫn dám nhận những danh hiệu không phù hợp với mình(!).

Tôi cho rằng chúng ta phải sớm có những cải tiến về học hàm, học vị, không thể để tình trạng "tù mù" như hiện nay. Ở đơn vị tôi, có một phó giáo sư, về tiêu chuẩn, anh đã vượt xa yêu cầu xét chọn giáo sư, vậy mà khi bỏ phiếu kín, hai đợt liền... thiếu phiếu(!).

Tôi viết bài: Vì sao thừa cân mà lại xếp loại gầy?, nhiều người gọi điện cho tôi bảo mình "thừa cân nhiều lắm nhưng thiếu cái bằng... lòng" của một số ủy viên trong hi đồng xét duyệt.

- Trên chương trình truyền hình KCT, giáo sư có trả lời rất nhiều vấn đề về khoa học. Qua báo chí, tôi thấy giáo sư cũng trả lời nhiều vấn đề khác nữa. Làm thế nào giáo sư có thể am tường tất cả các lĩnh vực? (Đặng Ngọc Yến, 12 Mê Linh, Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)

- Những người hỏi tôi phần lớn là nông dân. Họ không có điều kiện để hỏi ai, nên rất nhiệt tình viết thư hỏi tôi. Không ai có thể hiểu hết mọi chuyện, với những câu hỏi có thể tra cứu sách vở, mạng Internet hoặc Bách khoa toàn thư thì tôi tự trả lời. Vấn đề nào khó quá, tôi gọi điện nhờ các giáo sư khác trả lời giúp.

Tôi may mắn có nhiều giáo sư là bạn cùng thời, họ sẵn sàng giúp tôi vô điều kiện. Khó khăn nhất là mỗi tuần phải nộp cho Báo Nông thôn Việt Nam đúng 4.000 từ cho chuyên mục "Hỏi gì đáp nấy".

Tuần nào có kế hoạch đi công tác xa, tôi phải cố gõ cho đủ... 8.000 từ. Như thế mà tôi không được cấp thẻ nhà báo quả thật là... bất công! (cười). Tuy nhiên, tôi cũng đành "chào thua" trước các câu hỏi về bệnh tật, về tâm linh và về các nỗi oan khác...

- Cháu được biết gia đình giáo sư có truyền thống học giỏi, một gia đình có 8 người đều là giáo sư cả, truyền thống ấy xuất phát từ đâu? Theo giáo sư, làm thế nào để xây dựng truyền thống học giỏi như thế trong gia đình thời nay? (Nguyễn Trung Nam, H7, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh)

- Nói chính xác thì trong 8 anh chị em tôi có 7 học vị tiến sĩ, 3 học hàm giáo sư và 2 phó giáo sư. Tấm gương cần cù học hỏi để tự trưởng thành của thân phụ tôi (nhà giáo Nguyễn Lân) có ảnh hưởng rất lớn đến cả đại gia đình (kể cả các con dâu, con rể và các cháu).

Tuy nhiên, không có yếu tố di truyền như nhiều người nghĩ. Ở trường tôi, có nhiều bạn học rất giỏi, nhưng là con em gia đình nông dân, bộ đội. Thậm chí, bố mẹ có trình độ thấp, nhưng các bạn ấy có ý thức phấn đấu và ý thức tự giác cao.

- Trong một chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV, có một người cùng xuất hiện với giáo sư, giống hệt giáo sư (giả làm giáo sư). Đến nay, em vẫn còn thắc mắc là làm sao lại có một người giống hệt giáo sư thế, liệu có phải người đó là anh em, họ hàng giáo sư không ạ? (Học trò cũ của thầy)

- Không phải, đó là nghệ sĩ hài Văn Hiệp. Anh giống tôi ít thôi, nhưng vì có tài diễn xuất cao, nên bạn cho là giống.

- Xin giáo sư cho biết, những bài học làm người quý báu nhất mà giáo sư có được từ người bố đáng kính của mình? (Thanh Bình - huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)

- Trong bài Khóc cha mà tôi thay mặt cả nhà đọc trước linh cữu cha tôi, tôi đã viết: "Chúng con vô cùng tự hào về gia tài tinh thần mà cha đã để lại cho con cháu. Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở những người lương thiện sống quanh ta. Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho xã hội. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình. Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác...".

Tâm nguyện của chúng tôi là luôn phấn đấu theo tấm gương của cha, giữ vững truyền thống của gia đình nhà giáo Nguyễn Lân.

- Có một điều cháu chưa được biết: chú có một gia đình thế nào? Các con chú có giỏi giang và nổi tiếng như chú không? (Nguyễn Thùy Lâm, Trường ĐH KHXH-NV, TP Hồ Chí Minh)

- Gia đình tôi là một gia đình cán bộ bình thường nhưng rất hạnh phúc, vì mọi người đều phấn đấu làm việc hết mình và thật sự thương yêu nhau. Vợ tôi là đại tá quân y, cũng là phó giáo sư - tiến sĩ. Con trai là thạc sĩ Y khoa chuyên ngành tim mạch, con dâu công tác trong ngành hàng không, con gái là sinh viên năm thứ 3, lớp cử nhân tài năng Sinh học của ĐHQG Hà Nội.

- Thưa giáo sư, làm cha mẹ ai cũng muốn con cái mình học giỏi, đỗ đạt, nhưng không phải người con nào cũng ý thức được tầm quan trọng của việc học. Tôi cảm thấy bất lực khi đứa con trai duy nhất 17 tuổi sẵn sàng bỏ học, thậm chí bỏ nhà đi vì đua đòi bạn bè. Tôi không biết phải làm gì để con mình chuyên chú học hành... xin giáo sư một lời khuyên. (Một người cha khổ tâm)

- Dạy con cần dạy từ nhỏ và trước hết phải hiểu con mình. Bạn đừng vội bi quan, cần kiên trì tìm hiểu vì sao cháu chán học. Cố gắng thuyết phục cháu làm theo sở thích của mình, trở thành người có ích cho xã hội. Không nhất thiết phải học đại học. Học hành là việc của suốt cuộc đời. Có thể cháu thích một hướng đi khác mà gia đình chưa thông cảm và chưa hỗ trợ cho cháu thực hiện được hoài bão ấy.

- Cháu mới tốt nghiệp và đang làm việc trong một viện nghiên cứu. Trong viện cháu có rất nhiều người vì đam mê công việc mà lập gia đình rất muộn hoặc không hạnh phúc. Bạn bè cháu cũng bảo rằng những người làm công tác nghiên cứu khoa học thường rất khô khan trong đời sống, nhất là trong tình yêu. Chú có thể cho cháu lời khuyên từ thực tế cuộc sống của mình không? (Hải Trâm, VNCCT, TP Hồ Chí Minh)

- Đó là một chuyện có thật đối với một số bạn gái. Tôi khuyên các bạn gái rằng: "Đừng quá say sưa với áp lực phải nhanh chóng có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Học tập là việc cả đời, thời gian không ủng hộ cho nhan sắc và tình yêu". Không nên né tránh những tình cảm chân thành và lập kế hoạch lo cho sự nghiệp trước, gia đình tính sau. Nên yêu ở tuổi 20-25 và nên kết hôn ở tuổi dưới 30.

Tôi cảm ơn bạn đọc Báo Thanh Niên đã gửi nhiều thư cho tôi. Riêng các câu hỏi chuyên sâu về khoa học, tôi sẽ viết thư riêng cho các bạn.

- Xin cảm ơn giáo sư, kính chúc giáo sư nhiều sức khỏe.

Hoàng Thắng (thực hiện)

 Kỳ tới, trên Thanh Niên cuối tuần số 32 ra ngày 1/2/2004 Nghệ sĩ Ưu tú Bảo Quốc sẽ giao lưu cùng bạn đọc. Mời bạn đọc đặt câu hỏi “chất vấn” (câu hỏi xin gửi về tòa soạn hoặc địa chỉ e.mail: tnct@hcm.vnn.vn, trước ngày 15/1/2004).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.