Vì sao ý thức người lưu thông kém?

20/09/2006 22:57 GMT+7

Hầu hết ý kiến trong buổi hội thảo Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TP.HCM (do Ủy ban MTTQ và Ban ATGT TP.HCM tổ chức sáng 20.9) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến ý thức chấp hành luật của người tham gia lưu thông kém lại do chính các cơ quan chức năng chưa làm tốt chức trách...

Quản lý giao thông chưa đạt yêu cầu

Phân tích nguyên nhân gây ùn tắc, kẹt xe và tai nạn giao thông, Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ TP.HCM Nguyễn Hữu Thái cho rằng, quy hoạch, phân luồng giao thông hiện nay chưa kịp thời và chưa khoa học. Ông Thái nói: "Ta cứ nói hạ tầng chưa tương xứng, thiếu đường sá... nhưng hạ tầng hiện trạng ta cũng chưa sử dụng hết năng lực. Đường Điện Biên Phủ tôi thấy từ 6-8 giờ, từ 16-18 giờ hằng ngày, làn cho xe hai bánh chạy đầy xe gắn máy và cả xe hơi, trong khi những làn xe ô tô ở giữa hầu như không có xe. Chỗ này là sao? Có phải phân luồng sai không? Rồi xe ô tô từ Đinh Bộ Lĩnh ra Điện Biên Phủ buộc phải chạy vào làn xe hai bánh một đoạn dài mới ra được đường ô tô...". Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Soa, Ban Phong trào MTTQ TP.HCM dẫn chứng trên đường Trường Chinh làn xe hai bánh trộn cả xe buýt, khiến mỗi khi xe buýt chạy vào là xe hai bánh phải... leo lên lề. "Người dân có ý thức chấp hành luật không? Xin thưa, không ai muốn mang sinh mạng của mình ra đùa cả. Nhưng phân tuyến như thế chưa hợp lý, buộc người dân phải vi phạm" - bà Soa nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thẳng thắn: "Trình độ quản lý giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu". Phó ban thường trực Ban ATGT TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông-Công chính (GTCC) Trần Quang Phượng thừa nhận chính sách quản lý đô thị chưa tốt, và  "xin tiếp thu" những ý kiến tại hội nghị để chỉnh sửa. Riêng những phản ánh của Báo Thanh Niên về tình trạng làn sơn mờ, thiếu... (bài GTCC làm khổ CSGT, Thanh Niên ngày 18.9), ông Phượng cho biết sẽ chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị rà soát, chỉnh sửa nhanh...

Phạt mạnh, không nể nang!

Theo số liệu của Ban ATGT TP.HCM, trong 5 năm 2001-2005, trên địa bàn thành phố xảy ra 10.490 vụ TNGT, làm chết 5.777 người và bị thương 10.055 người. Còn nếu tính từ năm 1996 đến 15.9.2006, TNGT trên địa bàn thành phố làm chết 10.528 người, bị thương 22.433 người.

Biện pháp hàng đầu để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và lập lại trật tự giao thông, theo Ban ATGT TP.HCM là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Hầu hết các đại biểu cho rằng đó là biện pháp lâu dài và ngành giáo dục cần đưa Luật Giao thông thành một môn học chính thức trong nhà trường từ tiểu học đến đại học, chứ không phải học vài buổi. "Còn trước mắt, CSGT phải xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm luật vì đây chính là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất" - Phó phòng Đoàn thể Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Phạm Văn Sáng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Thái kể: một lần do mải suy nghĩ nên ông điều khiển xe gắn máy vượt đèn đỏ. CSGT yêu cầu dừng xe xử lý. Sau khi ông xuất trình giấy tờ, CSGT hỏi nơi làm việc của ông thì... cho đi. "Tôi bảo cậu CSGT là phải lập biên bản, phạt tôi thì tôi mới nhớ được mà lần sau không vượt đèn đỏ nữa thì cậu này nhìn tôi ngạc nhiên lắm" - ông Thái kể và kết luận: "Nhiều khi CSGT làm chưa nghiêm nên người vi  phạm chưa sợ". Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khôi:  "Ngoài các mức phạt như quy định, tôi đề nghị nên có biện pháp răn đe, giáo dục, buộc lao động công ích tại các khoa cấp cứu, nhà xác của bệnh viện đối với những người có hành vi vi phạm nghiêm trọng, là nguy cơ gây tai nạn cho những người khác. Trước đây, có lần chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 thanh thiếu niên đua xe, chạy quá tốc độ vào lao động tại khoa cấp cứu, nhà xác. Sau đó, một người bảo: "Sau khi lao động tại bệnh viện, cứ mỗi lần kéo ga tăng tốc là tôi lại nhớ ngay đến hình ảnh... nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy".

Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, khẳng định CSGT sẽ xử phạt nghiêm từ nay trở đi. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Lê Hiếu Đằng đồng tình với thái độ kiên quyết của ông Thịnh, đồng thời đề nghị ngành GTCC nghiên cứu thúc đẩy tiến độ các công trình giao thông chậm trễ vì đây cũng là một nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn. Ngoài ra, ông Đằng cũng đề nghị mở rộng biện pháp phát triển giao thông công cộng, nhất là xe buýt, nhưng: "Xin nói với anh Phượng (ông Trần Quang Phượng) là xe buýt cũng là nguyên nhân gây TNGT, mà ghê gớm lắm. Phát triển nhưng phải tổ chức sao cho hợp lý, không thể để cho chạy ẩu được".

Đ.T

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.