Vụ án Hai Chi và đồng bọn: Hai Chi được tham gia “bố trí cán bộ” ở địa phương?

06/09/2005 09:44 GMT+7

Trong vụ ông Nguyễn Văn Nguyệt (hiện là Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa) bị phế truất khỏi chức Trưởng công an xã vào năm 2000, cho thấy mối “liên minh” bất thường giữa Hai Chi và ông Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa lúc bấy giờ, ông Lê Quang Thuần.

Dựa hơi "ông lớn", Hai Chi trả thù công an xã

Khi vụ án Hai Chi bùng nổ, người bị tố cáo nhiều nhất chính là ông Lê Quang Thuần, nguyên Bí thư Đảng ủy (tại Đại hội Đảng bộ xã Tân Nghĩa tháng 7 vừa qua, ông Thuần đã bị đưa ra khỏi Cấp ủy, thôi giữ chức Bí thư xã Tân Nghĩa), Chủ tịch HĐND xã Tân Nghĩa. Ông bị tố cáo trong việc ăn chặn tiền do dân đóng góp làm đường dây điện 04 trong xã, có những mờ ám trong việc bồi thường tiền giải phóng mặt bằng dọc Quốc lộ 1A của 16 hộ dân và đặc biệt là có quan hệ với Hai Chi “trên mức tình cảm”. Mọi việc đến đâu, Ban chuyên án vẫn đang điều tra làm rõ. Chúng tôi chỉ nêu một vài “chuyện nhỏ” có bàn tay sắp đặt của ông Thuần khiến người dân không khỏi bất bình về người lãnh đạo của mình.

Cuối năm 1999 - 2000, tại xã Tân Nghĩa rộ lên tệ nạn quán cà phê đèn mờ, bia ôm mọc đầy rẫy hai bên Quốc lộ 1A. Ông Lý Việt Hoa, lúc đó là Bí thư xã chỉ đạo công an xã, công an các thôn tìm mọi biện pháp kiểm tra gắt gao để trấn áp loại tệ nạn này trên địa bàn, đồng thời yêu cầu công an các thôn không cho đăng ký tạm trú tạm vắng đối với tiếp viên ở các quán. Công an xã lúc đó do ông Nguyễn Văn Nguyệt làm Trưởng công an, ông Đỗ Ngọc Biên là Phó trưởng công an xã. Hai người này ráo riết thực hiện chỉ đạo của ông Hoa, kiểm tra liên tục các quán bia ôm, trong đó có hai quán của Hai Chi. Ông Nguyệt trực tiếp xuống kiểm tra tại quán Trúc Mai (nhà Hai Chi) hai lần và cả hai lần quán này bị xử lý hành chính theo Nghị định 51/CP của Chính phủ. Chính việc làm này khiến Hai Chi ấm ức, tìm mọi cơ hội trả thù, “dằn mặt” hai ông phụ trách công an xã.

Trong năm 1999, khi Hai Chi đang thụ án 9 tháng tù giam vì tội làm giả búa kiểm lâm, thế nhưng lại được “về phép” trong lúc đang thụ án tù. Dù vậy, Hai Chi vẫn tiếp tục khai phá, vận chuyển gỗ lậu đem bán. Ông Nguyệt cho mời Hai Chi lên làm việc và đưa Hai Chi về thụ án theo quyết định thi hành án được phát đi tại địa phương. Thế nhưng ba ngày sau, Hai Chi lại về nhà trước sự ngỡ ngàng của người dân và chính quyền. Chi tìm gặp ông Nguyệt, chỉ thẳng tay vào mặt ông: “Công an xã mà đòi làm trời à!”. Ông Nguyệt cho mời Chi lên xã làm việc, hỏi lý do tại sao lại về, Chi bình thản lôi trong túi ra tờ giấy tạm hoãn thi hành án với lý do bị “gai xương đùi”.

Sang năm 2000, ông Lý Việt Hoa vì tuổi cao, không làm Bí thư Đảng ủy nữa, chức vụ này giao cho ông Lê Quang Thuần, kiêm luôn Chủ tịch UBND xã (sau đó ông Nguyễn Quốc Hưng làm Chủ tịch UBND xã, ông Thuần là Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã). Đây chính là “thời cơ” để Hai Chi thanh toán mối căm thù đối với ông Nguyệt, sau đó với cả ông Biên. Một buổi tối, Hai Chi kéo theo Thọ “đại tá”, Tư “gà lôi”, Sửu “võ sư” đi xe tải đến đậu bên cạnh nhà ông Nguyệt “biểu dương” lực lượng. Chúng ném đá, dùng búa đập bể cửa nhà ông Nguyệt rồi lên xe về nhà. Sau năm ngày, khi cửa nhà vẫn chưa sửa xong, chúng lại ném một bịch hóa chất vào nhà ông Nguyệt gây hôi thối mấy ngày liền. Ông Nguyệt báo cáo sự việc lên lãnh đạo xã, nhưng vẫn không ai có ý kiến gì. Tức mình, trong một lần anh em Hai Chi đang ăn nhậu, ông Nguyệt đến chỉ tay vào mặt Hai Chi chấp nhận đối đầu. Hai Chi biết ông Nguyệt là người từng học ngành công an bài bản hẳn hoi nên “ngán”, tìm cách “chơi” ông bằng cách khác, có thể gọi “chiêu” của Hai Chi trong vụ này là “mượn gió bẻ măng”.

Không biết do ai đã “tham mưu” cho Hai Chi làm đơn tố cáo ông Nguyệt về việc “lấy chiếc xe Honda đời 78 của Hai Chi để bán cho người khác”. Đây là xe của Hai Chi dùng chở gỗ lậu, bị ông Nguyệt và lực lượng xã bắt được, chuyển xuống công an huyện và lâm trường để xử lý. Từ lá đơn này, xuất hiện những câu chuyện về mối quan hệ giữa ông Lê Quang Thuần và Hai Chi rất bất thường.

"Ông lớn" chỉ đạo lấy công tác phí từ... Hai Chi!

Sau khi nhận được đơn (do chính ông Thuần nhận đơn và công khai thông báo trước toàn thể Đảng ủy xã), ông Thuần sốt sắng triệu tập Cấp ủy họp, nêu vấn đề của ông Nguyệt bị tố cáo là “rất nghiêm trọng” và chính ông Thuần chỉ đạo thành lập tổ công tác “đặc biệt” đi xác minh đơn thư tố cáo của Hai Chi. Hai người được ông Thuần giao nhiệm vụ là Võ Luận - Chủ nhiệm, ông Nguyễn Nam - Ủy viên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã Tân Nghĩa. Thật bất ngờ, khi ông Luận và ông Nam chuẩn bị xe cộ để đi công tác thì ông Thuần tiếp tục chỉ đạo: “Ra gặp thằng Hai Chi, chi phí đi lại, xăng nhớt, ăn uống, dẫn đường... Chi nó lo cho”.

Nhận được chỉ đạo “tế nhị” của ông Thuần, ông Luận bàn với ông Nam: “Chúng ta là đảng viên, phụ trách kiểm tra Đảng, không có tiền tập thể thì đi bằng tiền túi”. Rồi hai ông đến gặp ông Lý Việt Hoa (lúc này vẫn giữ chức Chủ tịch HĐND xã) để xin ý kiến. Ông Hoa nghe xong bảo: “Nếu mấy ông không có tiền thì tôi bỏ tiền cho mà đi, sao lại lấy tiền nó (Hai Chi) để đi công tác”. Ông Luận và ông Nam lên đường đi xác minh đơn tố cáo của Hai Chi. Chiếc xe trên đúng là đang nằm tại Trạm kiểm soát 92 thuộc Lâm trường Sông Dinh. Thế nhưng, nguồn gốc nó đến đây là từ công an huyện. Sau khi bị công an xã bắt, đã chuyển cho công an huyện xử lý chiếc xe này, hồ sơ vụ việc vẫn còn lưu tại công an huyện. Như vậy, nội dung Hai Chi tố cáo Trưởng công an xã Nguyễn Văn Nguyệt là sai sự thật. Hai ông về báo cáo lại toàn bộ sự việc với Đảng ủy xã và ông Thuần. Ông Thuần không thể xử lý được ông Nguyệt qua vụ này đành phải “vạch lá tìm sâu” để xử ông Nguyệt bằng một lý do khác.

Theo đó, ông Thuần chỉ đạo Chi bộ thôn 1A (nay là thôn Nghĩa Hiệp), nơi ông Nguyệt sinh hoạt Đảng phải kiểm điểm ông Nguyệt về tội “lãnh đạo gia đình không tốt, để mất đoàn kết”. Theo sự chỉ đạo này, ông Nguyệt bị hình thức kỷ luật cảnh cáo 6 tháng. Tưởng thế là xong, nhưng ông Thuần đã đi xa hơn bước nữa là khi ông Nguyệt bị Chi bộ đưa ra hình thức kỷ luật kiểu “trời ơi” trên, ông Thuần đã “gợi ý” cho ông Nguyệt nên làm đơn xin thôi việc. Vì bị uất ức và tự ái, ông Nguyệt viết đơn xin nghỉ việc thật. Chỉ chờ có thế, ông Thuần ép ông Nguyệt nghỉ làm Trưởng công an xã.

Sau khi biết ông Nguyệt bị mất chức, Hai Chi gặp một cán bộ xã hỏi thẳng ông này: “Dự kiến Trưởng công an xã là ai thì được?”. Ông này trả lời Hai Chi: “Trưởng nghỉ thì phó lên chứ ai nữa!”. Chi liền cắt ngang: “Thằng Biên (Phó công an xã - NV) mà làm cái gì. Đề nghị đưa Phạm Ngọc Thành (lúc đó là Trưởng công an thôn 1A, có quan hệ gần gũi với ông Thuần và cả Hai Chi - NV) lên có được không?”. Đến lúc này, mọi nghi vấn xung quanh vụ việc càng được phơi bày.

Rất may là sau đó ông Thành không lên làm Trưởng CA xã như “ý định” của Hai Chi mà lãnh đạo xã đã bầu ông Đỗ Ngọc Biên làm nhiệm vụ này. Về phần ông Nguyệt, sau hai tháng “thi hành kỷ luật” lại được giao làm Văn phòng UBND xã, sau đó được tín nhiệm làm Chủ tịch UBND xã (từ năm 2001).

Biết không thể vùi dập ông Nguyệt mãi, sau một thời gian ông Thuần phải đến gặp ông Lý Việt Hoa (người có uy tín nhất tại địa phương) để thú nhận sự việc cho ông Nguyệt “mất chức”. Ông Thuần nói, mọi việc diễn ra là do chỉ đạo của cấp trên. Ông Hoa hỏi “cấp trên” là ai thì ông Thuần trả lời là do ông L.T, Trưởng công an huyện Hàm Tân lúc đó.

Ngoài vụ này còn một số phi vụ che chắn của ông Thuần và những cán bộ xã trong ê-kíp làm việc của ông đối với gia đình Hai Chi mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong thời gian sắp tới.

Trần Trung Sơn
(Báo CA TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.