Lời ru buồn của tuổi... 13

19/09/2006 11:26 GMT+7

Đến Đức Huệ - Long An, đi từ thị trấn Đông Thành sang Bình Hòa Bắc, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Quý Tây… đâu đâu cũng nghe người dân râm ran chuyện con gái lấy chồng sớm. Nhiều em học mới lớp 8, lớp 9 đã rời ghế nhà trường theo chồng, có trường hợp lấy chồng sớm vì bị gả ép, rồi chuyện “ăn cơm trước kẻng”…; 13, 14 tuổi đã có chồng và những bà mẹ ở tuổi chỉ mới 15 không phải hiếm… (!?).

Cả nhà... tảo hôn!

Anh Ba Hoàng, cán bộ chuyên trách Ủy ban Dân số - gia đình - trẻ em (UBDSGĐTE) huyện Đức Huệ, tỏ ra bức xúc khi nghe chúng tôi hỏi chuyện tảo hôn và lấy chồng sớm trên địa bàn huyện.

Không cần lật sổ tay, Ba Hoàng vẫn thuộc nằm lòng hàng chục trường hợp lấy chồng ở tuổi 13, 14… Anh nói, hầu khắp 11 xã, thị trấn ở Đức Huệ nơi nào cũng có chuyện sanh con ở tuổi vị thành niên.

Điểm đầu tiên mà chúng tôi ghé là gia đình chị V.T.K, ở thị trấn Đông Thành. Nhà nghèo, không đất đai không nghề nghiệp, quanh năm làm thuê kiếm sống. 15 tuổi chị đã theo chồng, chưa đầy năm thì sanh con. Đứa lớn vừa biết đi, đứa thứ 2 ra đời, hơn năm sau chị lại sanh tiếp đứa thứ 3…! Năm 30 tuổi, chị gả chồng cho đứa con đầu lòng, đứa thứ 2 cũng vậy.

Riêng đứa thứ ba, em N.T.H, bụng mang dạ chửa ở tuổi 17. Theo em, người đàn ông dụ dỗ em là một cán bộ ở thị trấn. Khi cớ sự vỡ lỡ thì kẻ phụ tình trốn tránh trách nhiệm. Không chịu nổi miệng đời to nhỏ, chị K. buộc lòng dắt em đến ủy ban thị trấn trình bày cớ sự và đề nghị chu cấp cho đứa bé đến lúc trưởng thành. Chu cấp chỉ được vài tháng thì hắn biệt tăm… Điều đáng nói, cả chị K. và 3 con gái lấy chồng ở tuổi 15 và 17 nhưng không ai biết điều đó vi phạm Luật Hôn nhân gia đình!

Theo con đường đất đỏ băng qua cánh đồng hiu quạnh, Ba Hoàng dẫn chúng tôi đến nhà em L.T.T.T ở xã Bình Hòa Bắc. Nhìn khuôn mặt ngây thơ khờ khạo ở tuổi 15, khó ai tin được, em đã có chồng và có con gần 2 tuổi. Nhà nghèo phải nghỉ học sớm làm mướn kiếm sống, năm 13 tuổi, trong lần đi làm lúa thuê, T. quen với V.T, người cùng xã. Do cha mẹ suốt ngày quần quật chạy lo cơm áo gạo tiền nên chẳng thời gian để ý tới con cái. Mãi đến khi bụng của T. ngày càng lớn thì gia đình mới phát hiện. Ván đã đóng thuyền, 2 bên đành chấp nhận!

Đang học lớp 9, em L.N.D đã bỏ học theo chồng ở tuổi chưa đầy 16 và đến nay đã có con trai trên 28 tháng tuổi. Gặp em kể: “Nhà nghèo, cha mẹ sống ly thân cự nhau hoài, chán lắm. Có học cũng chẳng đến đâu, thôi thì theo chồng sớm mong có nơi nương tựa. Nào ngờ, khi lấy nhau xong thì bên chồng không chấp nhận, mẹ chồng - nàng dâu cự nhau như cơm bữa, không ở được em phải ra đi. Hơn năm nay, chồng chạy Honda đưa khách, còn vợ bán vé số, sống đắp đổi qua ngày…”.

Đặt vấn đề về tương lai của các em lấy chồng sớm, ngành DSGĐTE và cả chính quyền địa phương đều thở dài ngao ngán. Ba Hoàng chứng minh thực trạng đau lòng: “Cách nay khoảng 3 năm, em N.T.H, ở Bình Hòa Bắc, 16 tuổi đã theo chồng. Về sống chẳng bao lâu thì chán nhau rồi chia tay, ôm theo đứa con thơ dại. Cũng ở Bình Hòa Bắc, em T.T.N.L, 16 tuổi, đang học lớp 9 đã bụng mang dạ chửa. “Tác giả” bào thai dụ dỗ L. đi phá rồi sẽ làm đám cưới. Sợ bị người yêu bỏ rơi nên L. nghe theo. Khi mọi chuyện xong xuôi thì chàng “quất ngựa truy  phong”.

Tức giận kẻ bạc tình, L. tìm người yêu kết thúc mối tình bằng… can axít. Hay như em V.T.H, ở ấp Chánh, lấy chồng sanh con ở tuổi mới 15, chung sống chỉ mấy tháng thì chia tay". Ba Hoàng chua chát: “Hầu hết các em lấy chồng sớm đều kết thúc bi đát. Đến nay chưa thống kê được số liệu chính xác nhưng tỷ lệ chia tay chiếm đa số. Nguyên nhân, các em tuổi còn quá nhỏ, thiếu suy nghĩ chín chắc nên ở với nhau chỉ vài tháng là chán, rồi chia tay. Chỉ tội nghiệp cho những đứa trẻ bất hạnh không cha hoặc không mẹ…” .

Chính quyền ở đâu?

Bà Nguyễn Thị Đẹp, Phó Chủ nhiệm UBDSGĐTE huyện Đức Huệ: “Nhiều người chưa hiểu rõ về pháp luật và Luật Hôn nhân gia đình nên tảo hôn và lấy chồng sớm tiếp tục xảy ra. Như trường hợp Nguyễn Văn Tráng vừa bị Tòa án tỉnh Long An tuyên phạt 12 năm tù về tội giao cấu với trẻ vị thanh niên, lúc này cả 2 bên gia đình mới vỡ lẽ…” .

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Đẹp, Phó Chủ nhiệm UBDSGĐTE huyện Đức Huệ thừa nhận: “Tình trạng tảo hôn, lấy chồng khi còn học cấp 2, yêu đương sớm dẫn đến mang bầu, các em bị người lớn dụ dỗ… đều có xảy ra. Đa số là nghèo, ít học, cha mẹ thiếu trông coi, giáo dục. Nhưng cũng có trường hợp khá giả, tự nguyện gả con… nhất là từ năm 2005 trở lại đây”. Được biết, hiện toàn huyện có khoảng 57 trường hợp lấy chồng và sanh con sớm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số biết được khi các em đến trạm y tế sanh nở. Còn những trường hợp sanh con bên ngoài hay lấy chồng xa… thì không thể biết hết. Khi ngành dân số đưa ra con số trên thì nhiều cán bộ lãnh đạo ở huyện nghi ngờ không tin đây là sự thật. Vì chuyện tảo hôn và lấy chồng sớm mà năm qua Đức Huệ bị tỉnh trừ điểm thi đua từ hạng 2 rơi xuống hạng 4.

Trước thực trạng trên, từ đầu năm đến nay, ngành dân số phối hợp cùng chính quyền địa phương và các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền tác hại của tảo hôn. Đã có 6 trường hợp kết hôn sớm bị phát hiện và ngăn được. Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khác âm thầm lấy nhau… Chị Lê Thị Mứt, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đức Huệ, bức xúc: “Tới đây chúng tôi sẽ tuyên truyền đến tận các gia đình, các tổ nhóm ở cơ sở, để các bà mẹ thấy tác hại của việc này”.

Dù vậy, sự vào cuộc của các ngành chức năng còn yếu ớt, chưa tạo nên một chiến dịch, phong trào… lôi kéo nhiều ngành tham gia, ngành dân số còn đơn độc vận động “bằng miệng” nên hiệu quả không cao. Đã đến lúc, lãnh đạo huyện, tỉnh phải “tiếp sức” với huyện trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn thì mới mong tình hình chuyển biến.

Theo Phước Lợi/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.