Trang phục diễn viên truyền hình chưa được quan tâm đúng mức

06/10/2009 09:57 GMT+7

(TNTT>) Khi một bộ phim lên sóng, trang phục và vẻ ngoài của diễn viên là những yếu tố khán giả chú ý đầu tiên và làm nên “hình tượng” nhân vật. Vì thế chuyện ăn mặc của diễn viên trong phim đóng vai trò quan trọng để lôi cuốn người xem. Tuy nhiên nhà sản xuất phim truyền hình thường giao lại quyền chọn trang phục trong phim cho diễn viên tham gia nên có nhiều chuyện đáng bàn từ đó…

Liệu cơm gắp mắm

Những bộ quần áo hợp thời trang, năng động, trẻ trung của các bạn học sinh trong Những thiên thần áo trắng (đạo diễn Lê Hoàng, đang quay), Bộ tứ 10A8… chỉ là một trong số ít phim có phần thiết kế phục trang riêng. Ở các phim khác, phần lớn diễn viên vẫn phải tự lo quần áo cho chính vai diễn của mình thông qua kinh phí mà nhà sản xuất đã tính chung vào tiền cát-sê hoặc bỏ tiền túi ra sắm sửa. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự “giàu có” của diễn viên. Diễn viên rủng rỉnh thì đi may, mua, còn không thì “chế biến” lại các bộ trang phục đã mặc ở các phim trước, trang phục ngoài đời thật để tiết kiệm tiền. Đó là lý do thỉnh thoảng khán giả nhặt được những “hạt sạn” khi trang phục của diễn viên giống hệt nhau ở các vai diễn trong các bộ phim khác nhau. Diễn viên nam đơn giản còn đỡ chứ đối với diễn viên nữ thì cầu kỳ hơn. Diễn viên Ngọc Diệp-vai bà chủ Thư trong Áo cưới thiên đường kể: “Nhiều phim mình phải lục tung cả mấy va-li quần áo mới tìm ra được một bộ phù hợp cho nhân vật. Trong phim có nhiều phân đoạn, chỉ cần một chút sáng tạo, diễn viên cũng có thể tự “xào nấu” lại các bộ quần áo là có thể tạo ra sự khác biệt”.

Dù nhiều phim nhận được tài trợ của một nhãn hàng thời trang nào đó nhưng vì số lượng quá ít nên không đáp ứng đủ nhu cầu cho diễn viên. Diễn viên Nguyệt Ánh cho biết, trang phục của nhà tài trợ nhiều khi không hợp gu thẩm mỹ của diễn viên và bối cảnh phim nên họ không thể sử dụng được. Trong bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc, Minh Hằng đã phải bay qua Thái Lan để sắm hơn 200 bộ trang phục cho vai nhà văn Minh Minh, nhí nhảnh và sôi nổi. Ca sĩ Thủy Tiên cũng mua gần 100 bộ cho phù hợp với phong cách của Bảo Yến-nhà thiết kế lạnh lùng, cá tính… Vì diễn viên tự lo trang phục nên đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã yêu cầu các diễn viên chính chụp hình các trang phục dự kiến trước 1 tháng phim khởi quay để còn có cơ hội góp ý, chỉnh sửa. Cách làm này giúp loại bỏ những trang phục bị “chỏi” với khung cảnh hiện trường, ánh sáng…

Còn quá nhiều sạn

Đạo diễn Bá Vũ-giám đốc sản xuất CreaTV cho biết, do chi phí làm phim hạn hẹp nên không có nhà sản xuất nào mạnh dạn đầu tư quá nhiều vào phần phục trang diễn viên ngoại trừ những phim cổ trang. Mỗi một đoàn phim tuy có bộ phận phục trang riêng nhưng công việc của họ lại chủ yếu là…giữ đồ, ủi đồ! Còn vai trò lên ý tưởng trang phục, tạo hình nhân vật thì quá mờ nhạt, thậm chí giữa họ và diễn viên không tìm thấy tiếng nói chung về gu thẩm mỹ.

Đối với nhà sản xuất phim BHD Việt Nam, với các phim mang tính thương mại, để giảm bớt kinh phí, nhà sản xuất thường làm việc với nhà tài trợ để lo giúp về phần trang phục cho diễn viên. Tùy vào từng phim, nếu số lượng quần áo quá ít, diễn viên và nhà sản xuất, mỗi bên sẽ chịu một nửa về trang phục. Trong “Những thiên thần áo trắng” của đạo diễn Lê Hoàng, BHD sản xuất, trang phục của 7 diễn viên chính do họa sĩ thiết kế Lê Thanh Phương đảm nhận thông qua việc lên mẫu, chọn vải…

Đó là chưa kể tâm lý của diễn viên lúc nào cũng muốn lên hình phải thật nổi bật, nhất là các diễn viên “vơ-đét”, nên họ quá chú trọng vào chuyện làm đẹp cho bản thân mà bỏ qua tính cách, hoàn cảnh xuất thân của nhân vật. Gái nhà nghèo nhưng quần áo vẫn rất thời trang, làm nghề lao động tay chân nhưng quần áo thẳng tắp, tóc bôi keo láng mướt… Khán giả chắc chắn sẽ nhớ những tình tiết “dở cười” trong phim như: Cô nàng đáng ghét Phương Trinh trong Cô gái xấu xí ăn mặc quá hở hang tại công sở; hoa hậu Mai Phương của Chạy án diện váy quá ngắn… Điều này gây sự phản cảm, khó chịu đối với người xem.

Chính sự nghiệp dư trong khâu chuẩn bị phục trang của diễn viên đã khiến cho đoàn phim gặp khó khăn khi ra hiện trường, giảm tiến độ và tất nhiên, ảnh hưởng lớn đến chất lượng phim.

Trong khi tại các giải thưởng quốc tế về truyền hình, điện ảnh luôn có giải thưởng cho “bộ cánh” đẹp nhất thì Việt Nam ta vẫn “lơ” hạng mục này. Nhiều diễn viên quốc tế với trang phục trong phim đã “lăng-xê” cho mốt trong cả năm. Đã đến lúc nhà sản xuất phim Việt Nam cần quan tâm hơn đến vấn đề trang phục của diễn viên, sao cho khán giả không bị “gai mắt”.

Bạch Điệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.