Trung Quốc triển khai tên lửa hiện đại để nhắm vào Đài Loan khi có xung đột?

Văn Khoa
Văn Khoa
23/07/2023 13:15 GMT+7

Giới phân tích quân sự cho rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai những tên lửa hiện đại cho phép nhắm vào Đài Loan và các đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo SCMP.

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 23.7 dẫn một nghiên cứu mới từ chuyên gia Decker Eveleth thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cho hay lực lượng tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) đang triển khai rộng rãi tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 gần Đài Loan.

Ngoài ra, những lữ đoàn tên lửa ở các tỉnh đông nam của Trung Quốc gần Đài Loan đã và đang nâng cấp các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được định nghĩa là những tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 1.000 km, theo nghiên cứu trên. Nghiên cứu của ông Eveleth phần lớn dựa vào hình ảnh vệ tinh có sẵn từ các căn cứ của lực lượng tên lửa.

PLA không cho biết họ dự định sử dụng tên lửa của mình như thế nào, nhưng lực lượng tên lửa đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan trong tháng 8.2022 và cuộc tấn công mô phỏng của nước này nhắm vào Đài Loan vào tháng 4.2023, theo SCMP.

DF-17 đang thay thế tên lửa tầm ngắn?

Ông Kapil Kajal, một phóng viên về chiến tranh trên bộ thuộc công ty tình báo quốc phòng Janes (Anh), nhận định tên lửa đạn đạo hiện đại DF-17 đang dần thay thế tên lửa tầm ngắn. "Với việc triển khai DF-17 tại Căn cứ 61 [của lực lượng tên lửa Trung Quốc], PLA tìm cách đạt được khả năng tấn công các căn cứ quân sự và hạm đội nước ngoài ở Tây Thái Bình Dương", ông Kajal bình luận.

DF-17 có thể bay xa từ 1.800 km đến 2.500 km khi được gắn trên thiết bị lượn bội siêu thanh (HGV) của Trung Quốc. HGV có thể bay nhanh hơn 5 lần vận tốc âm thanh khi mang tên lửa và khó bị radar phát hiện.

Trung Quốc triển khai tên lửa hiện đại để nhắm vào Đài Loan khi có xung đột? - Ảnh 1.

Tên lửa bội siêu thanh DF-17 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019

Reuters

Cũng theo ông Kajal, HGV kết hợp với DF-17, với tốc độ từ Mach 5 (6.125 km/giờ) đến Mach 10 (12.250 km/giờ), có thể vượt qua các hệ thống phòng không của Mỹ như THAAD, SM-3 và hệ thống tên lửa Patriot.

Ông Kajal cho rằng dù các tên lửa tầm trung DF-17 đã và đang thay thế các tên lửa tầm ngắn, nhưng gần 1.000 tên lửa tầm ngắn vẫn được triển khai ở những khu vực đối diện với Đài Loan và có thể vươn tới hòn đảo này trong vòng 6-8 phút. Ông nhận định thêm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở phía nam và tây nam Trung Quốc sẽ tạo thành làn sóng tấn công đầu tiên nhắm vào Đài Loan.

Chuyên gia Eveleth cũng nhất trí rằng DF-17 sẽ là đợt tên lửa đầu tiên nhắm vào các cơ sở phòng không của Đài Loan và đồng minh. "Nhưng vấn đề là rất nhiều hệ thống của Mỹ nằm ngoài tầm bắn của DF-17", ông Eveleth bình luận, đồng thời lưu ý rằng những tên lửa tầm ngắn của Trung Quốc không thể vươn tới đảo Guam và các lực lượng hải quân chủ chốt khác của Mỹ.

Trung Quốc đã triển khai tên lửa bội siêu thanh đủ sức tấn công căn cứ Mỹ?

"Tên lửa quan trọng nhất"

Tuy nhiên, tên lửa tầm trung chống hạm DF-26 của Trung Quốc, với tầm bắn ít nhất 3.000 km, có thể tiếp cận các mục tiêu như trên. "Tôi cho rằng đó là tên lửa quan trọng nhất trong kho vũ khí. Họ đang xây dựng rất nhiều trong số đó. Ý tôi là số lượng DF-26 thực sự gây sốc đang được tung ra. Và chúng tôi có thể thấy điều đó một phần vì tôi có thể nhìn vào cơ sở sản xuất và tôi có thể thấy tên lửa được xuất xưởng", ông Eveleth nhấn mạnh.

DF-26 đã được triển khai bởi 7 lữ đoàn tên lửa đóng tại tỉnh An Huy, khu tự trị Tân Cương và một số khu vực khác của Trung Quốc, theo nghiên cứu của ông Eveleth. Lữ đoàn thứ tám, đóng tại tỉnh Liêu Ninh, cũng có các cơ sở DF-26 đang được xây dựng.

Trung Quốc triển khai tên lửa hiện đại để nhắm vào Đài Loan khi có xung đột? - Ảnh 2.

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc

Chụp màn hình SCMP

DF-26 là một vấn đề đối với các lực lượng Mỹ, theo SCMP. Là một hệ thống nội địa, DF-26 rất khó bị nhắm mục tiêu. DF-26 cũng nằm gần các cơ sở hạt nhân và có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. "Bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm vô hiệu hóa lực lượng DF-26 đều có nguy cơ đánh trúng những cơ sở hạt nhân chuyên dụng", ông Eveleth bình luận.

Dù khả năng tên lửa của Trung Quốc có thể bị thu thập thông qua hình ảnh vệ tinh, nhưng cách PLA sẽ sử dụng các tên lửa và lý do xây dựng khả năng của họ thì khó nắm bắt hơn, theo SCMP.

Mặt khác, ông Eveleth cho rằng việc khởi động lại cuộc đối thoại giữa các học giả và các nhà lãnh đạo quân sự sẽ làm giảm nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ. Các cuộc đối thoại đã dừng lại sau khi bà Nancy Pelosi còn làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan vào tháng 8.2022, khiến Bắc Kinh tức giận. PLA đã đáp trả bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có xung quanh Đài Loan.

Nga - Trung Quốc tập trận chung ở biển Nhật Bản

Tổng thống Mỹ Joe Biden có lần nói rằng quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Đài Loan bị Bắc Kinh tấn công, theo SCMP. Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó khẳng định phát biểu của Tổng thống Biden về khả năng quân đội Mỹ đến hỗ trợ Đài Loan không phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Washington.

Lâu nay, Mỹ không rõ ràng về vai trò của mình trong một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cho phép Washington giữ quan hệ chính thức với Bắc Kinh đồng thời ngăn chặn một cuộc tấn công vào Đài Loan, theo SCMP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.