Vì sao bay từ đây ra Côn Đảo cũng đắt như chặng dài?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
17/05/2024 15:17 GMT+7

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã lý giải vì sao ở Việt Nam, bay chặng ngắn như TP.HCM - Côn Đảo cũng đắt như chặng dài tại hội thảo 'Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?' do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (17.5).

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, ngành hàng không là dịch vụ công cộng, cũng như các ngành vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy… phải nằm trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung. Ví dụ, cự ly dưới 300 km là ô tô, từ 300 - 700 km là cự ly cho đường sắt, trên 700 km là đường hàng không... Theo đó, các phân định, tính toán, quy hoạch phát triển phải dựa trên những tiêu chí này. 

Chi phí thuê tăng, nguồn cung máy bay khó khăn...

Tuy vậy, do nhu cầu và tốc độ phát triển của mỗi quốc gia, các cự ly này có thể khác nhau. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, với quãng đường dài 1.500km từ Vũ Hán đi Quảng Châu, đi bằng phương tiện tàu cao tốc tốc độ cao chỉ mất 3,5 tiếng đồng hồ. Sự phát triển nhanh của tàu cao tốc cũng khiến ngành hàng không không cạnh tranh được nữa ở tuyến đường này. Trong khi đó, theo ông Trần Du Lịch, ở ta, cứ lấy "1 ông" để phát triển, rời rạc, mạnh ai nấy làm, không có chiến lược chung để có sự bổ trợ cho nhau. 

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17.5

NHẬT THỊNH


Thế nên, đã đến lúc cần có một quy hoạch tổng thể các loại hình vận chuyển công cộng trong chiến lược quốc gia nói chung. "Tại Mỹ từ năm 1994, cách đây 30 năm. Tôi bay từ New York đến thành phố Ithaca để tham gia buổi nói chuyện tại Đại học Cornell thuộc thành phố này. Quãng đường ngắn, bay bằng dịch vụ vận chuyển shuttle (chặng bay ngắn, tần suất dày và có dung lượng khách lớn - PV). Tuy nhiên, liên tục các chuyến bay ngắn này chỉ chở có một mình khách hàng là ông Lịch. Tôi mang băn khoăn này hỏi vị giáo sư trong trường. Vị này cho hay, ở Mỹ, các hãng hàng không được bay đường dài phải chia lại để bù lỗ cho những hãng kinh doanh đường bay shuttle. Đến nay, chúng ta chưa làm được như vậy, bởi chưa có chiến lược tổng thể. Thế nên mới có chuyện bay đi Côn Đảo vẫn đắt như chặng bay dài", ông Lịch kể và kết luận.

Vấn đề thứ 2, theo ông Lịch, thị trường hàng không Việt Nam là thị trường cạnh tranh, không phải thị trường độc quyền. Vậy nên khi một thị trường cạnh tranh có hiện tượng giá tăng, sẽ xuất phát từ 2 nguyên nhân. Đó là mất cân đối cung cầu hoặc chi phí đẩy. Vấn đề chung của thế giới là chi phí đẩy tăng, giá thuê máy bay tăng rất cao trong thời gian qua. Hàng không Việt Nam đang đối diện cả 2 vấn đề là chi phí đẩy tăng, tiền thuê máy bay chiếm 50 - 60% chi phí cấu thành vé và cung lại khó khăn. Trong khi đó, vào các thời điểm lễ biến động nhu cầu, các hãng bay lại không có khả năng tăng cung. Ông đặt câu hỏi: Những lúc mất cân đối như vậy, ai ngồi tính toán cái này?

Chính sách nên phát triển theo khu vực, theo mảng...

Như vậy, trong cơ cấu giá vé máy bay nội địa, có thể điều chỉnh ở khoản nào để có thể hỗ trợ cho người tiêu dùng? TS Trần Du Lịch cho rằng có thể điều chỉnh thuế, phí nhưng không đáng kể và chỉ mang tính tâm lý là chủ yếu. Còn lại, chính người tiêu dùng tự điều chỉnh để có giá tốt nhất. Trong ngày, có 15 - 20 khung giá khác nhau, từ thấp đến cao, tùy khung giờ, nên người tiêu dùng có thể lựa chọn để đi khung giờ nào tốt nhất, có lợi nhất.

Ông cũng cho rằng, để triển khai một ngành công nghiệp du lịch đồng bộ là rất khó, thế nên, về chính sách chung, ông đưa ra 2 kiến nghị. Đó là chính sách quốc gia liên quan phát triển du lịch nên thực hiện theo từng mảng, từng khu vực. Ví dụ, thời gian nào các sự kiện tập trung tổ chức tại Phú Quốc, thời gian nào tập trung ở Hội An, Đà Nẵng... như cách làm của Indonesia mà ông từng chứng kiến 10 năm trước. Khi đảo Bali phát triển đến đỉnh rồi, chính phủ Indonesia có chủ trương phát triển đảo Lambok. Để thực hiện, các sự kiện quốc gia đều đổ về đó tổ chức để khu vực này phát triển. "Chúng ta không có chiến lược đó, toàn mạnh ai nấy làm, xếp hàng cùng tiến, kêu nhau làm sao được?

Kiến nghị thứ 2, sau Covid-19, ông nói: "Tôi cũng có ngồi với các nhà làm chính sách bàn chuyện hỗ trợ hàng không, nhưng thực tế ngay ngành hàng không cũng chưa đánh giá hết hậu quả mà dịch Covid gây ra. Tỷ giá tăng là nợ tăng, không riêng gì Vietnam Airlines mà tất cả các hãng hàng không. Tôi rất buồn khi Bamboo Airways giảm trong khi chính hãng bay này là động lực để Vietnam Airlines làm tốt hơn. Cần nhìn tổng thể về một thị trường cạnh tranh để có động lực phát triển".

Từ đó, TS Trần Du Lịch nói đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp - rằng các hãng hàng không, lữ hành... nên ngồi lại cùng nhau để bàn thêm những chính sách có lợi cho phát triển...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.