Cuộc sống trên xe lăn sau 3 năm gặp biến cố của thầy giáo sư phạm

Lê Nam
Lê Nam
19/11/2019 18:11 GMT+7

Vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn để đỗ đại học, rồi thành giảng viên nhưng biến cố ập đến, anh Đặng Hoàng An bị liệt hai chân, phải từ bỏ giảng đường. Thế nhưng thầy giáo trẻ không đầu hàng số phận...

Cậu học trò nghèo thành giảng viên đại học

Trước biến cố, thầy giáo Đặng Hoàng An (28 tuổi, quê ở Long An) là giảng viên trẻ của Khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Nhưng ít ai biết, anh từng là một cậu bé vươn lên trong nghèo khó.

Ba làm thợ hồ, mẹ làm công nhân, dành dụm được bao nhiêu, ba mẹ đều lo cho anh em anh An và chăm bà nội hơn 80 tuổi. Việc anh An đi học đã vốn trở nên… xa xỉ. Khi hay tin anh đỗ đại học, hàng xóm còn đồn rằng: "Cha mẹ nó đủ tiền nuôi nó học đại học mới là chuyện lạ".

Thầy An chụp ảnh với thầy Huỳnh Văn Sơn (áo sơ mi kẻ sọc) khi còn khỏe mạnh

Lên đại học, anh vừa học vừa làm, con đường chinh phục ước mơ không hề đơn giản. Trong suốt 4 năm học đại học và 2 năm học thạc sĩ, bao giờ anh cũng tự nhủ phải cố gắng gấp nhiều lần so với bạn bè.

Sau khi tốt nghiệp, được trở về phục vụ cho khoa, hàng ngày anh cắp cặp thep thầy cô dự giờ, học hỏi thêm kinh nghiệm… Không chỉ trở thành một giảng viên trẻ tâm huyết, anh còn được bầu làm Bí thư đoàn Khoa Tâm lý.

Cú ngã lấy đi tất cả

Biến cố ập đến với anh vào một chiều tháng Tư cách đây 3 năm. “Buổi sáng đi dạy về, buổi chiều tính đi mua một số vật dụng cá nhân. Lúc đi từ lầu xuống trọ, mình bất ngờ bị tuột canxi máu. Người mình không còn lực gì để níu giữ lại nên rơi từ trên lầu rơi tự do xuống…”, anh An nhớ lại.

Cú ngã tác động rất mạnh vào vùng sống lưng, ảnh hưởng đến đến đôi chân. Khi vào bệnh viện, bác sĩ phát hiện thêm hệ thống miễn dịch của anh bị suy giảm, chỗ nào đang yếu sẽ bị tấn công chỗ đó. “Dần dần hai chân mình mất cảm giác, không điều khiển được. Nói nôm na thì giống như một khúc cây đã chết…”, anh tự ví.

Từ một thanh niên khỏe mạnh với hoài bão lớn lao, anh An phải từ bỏ tất cả để về quê với một chiếc xe lăn

Sau đó 2 tháng, bác sĩ nói anh được về nhà. Anh không vui, cũng không buồn, chỉ nằm im như một cái xác không hồn. "Tôi nghĩ về cuộc đời chắc đã hết hy vọng khi trở thành một phế nhân khi mới chỉ 25 tuổi”, anh nói.

Đang là một thanh niên khỏe mạnh, sau cú ngã định mệnh, anh phải từ bỏ tất cả. Từ bỏ giảng đường, từ bỏ học trò, từ bỏ những con đường Sài Gòn thân quen anh vẫn đi mỗi ngày. Ngày trở về quê nhà, anh nằm im trên tay cha như một đứa trẻ. 

Mẹ anh An khóc hết nước mắt khi con trai cả gặp tai nạn

Cuộc sống như đã chết ấy cứ thế kéo dài hơn một năm. Cho đến một ngày cận tết Mậu Tuất 2018, khi trời bỗng trở lạnh, anh tưởng như chết thật. Lúc ấy nhịp thở rất yếu, cho đến khi anh cảm nhận mình sắp không còn thở được nữa.

“Ba mẹ tưởng mọi chuyện đã xong rồi nên mới lấy chăn đắp qua mặt mình. Chuẩn bị đến mặt thì nguồn năng lượng ở đâu không biết, mình thở nhẹ, lúc đó nhà rất vui mừng như mình được hồi sinh”, anh kể.

Căn nhà đơn sơ ở Long An của thầy giáo tâm lý

“Lúc nằm trên bệnh viện, thấy nhiều người lấy từng hơi thở để đấu tranh giành sự sống thì tại sao mình buông xuôi như vậy? Nên đó là động lực giúp mình vượt qua tất cả”, anh nói.

Thầy cô Khoa Tâm lý gửi xuống một chiếc xe lăn để cho mình ngồi hay di chuyển tốt hơn nhưng mình không chấp nhận ngồi trên chiếc xe đó. Sau khi trải qua cuộc hồi sinh đó, mình mới ngộ ra được nhiều vấn đề và mình chấp nhận ngồi xe lăn thế này.

'Sống tích cực và tử tế hơn mỗi ngày'

Thầy giáo trẻ dần lấy lại tinh thần và niềm lạc quan hơn trong cuộc sống. Ngoài việc học cách tự phục vụ cá nhân, anh trồng thêm hoa, rau sạch, nuôi cá… làm đẹp cho khuôn viên ngôi nhà.

Anh tham gia cộng tác trong một chương trình tư vấn tâm lý trên đài phát thanh Vĩnh Long, mỗi tuần 2 buổi vào chiều thứ Tư và thứ Sáu. Mỗi buổi kiếm thêm vài trăm ngàn, phụ giúp thêm kinh tế cho cha mẹ trang trải cuộc sống.

Anh An thu hoạch đậu bắp... Những hình ảnh này cũng được anh truyền tải trong các Vlog của mình

Vườn hoa rực rỡ do một tay anh An trồng

Thời gian đầu khi bị tai nạn, gia đình lâm vào cảnh khó khăn thực sự. Cũng từ đó đến nay, các thầy cô trong khoa Tâm lý vẫn luôn ở bên để hỗ trợ. Hiện nay, anh An cũng nhận thêm các đề tài nghiên cứu khoa học do thầy Huỳnh Văn Sơn (Phó hiệu trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) giao để cộng tác.

“Trong mình vẫn luôn có một ước mơ, một ngày nào đó được quay trở lại giảng đường, dù là ngồi xe lăn, mình vẫn có thể đến báo cáo chuyên đề hay dạy cho các bạn một kỹ năng nào đó, giúp các bạn sinh viên vượt qua được khó khăn của mình cũng như truyền dạy được kiến thức tâm lý học cho các bạn”, anh An chia sẻ.

Hiện nay, thầy giáo An còn thành lập một kênh YouTube có tên "Đôi chân tròn", quay những video về cuộc sống từ góc nhìn của một người ngồi xe lăn. Nói về ý tưởng lập kênh, anh cho biết: “Trong một lần đi du lịch, mình vô tình gặp một người khuyết tật giống như mình. Qua trò chuyện, mình nhận thấy không phải ai cũng tự vượt qua được cú sốc. Từ đó, mình có ý tưởng làm một kênh YouTube với hình ảnh là một người ngồi xe lăn, nhưng mang màu sắc tươi sáng để tạo động lực cho những người có cùng cảnh ngộ”.

Anh An thích chăm sóc vườn cây, trồng hoa... sau khi trở về nhà sinh sống

Bức tường trong phòng riêng treo kín các bằng khen ghi nhận sự nỗ lực của anh

Việc học quay phim, dựng phim đều rất mới mẻ với anh An

Do điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn, anh An dự kiến mỗi tuần sẽ sản xuất một video. "Nếu sức khỏe tốt, có thể mỗi tuần sản xuất hai clip", chủ kênh "Đôi chân tròn" nói.

“Cuộc sống của một thạc sĩ tâm lý học về hưu ở tuổi 30 có gì?" luôn là câu hỏi mà anh gợi mở cho người xem ở mỗi video. Tự mày mò cách quay phim, dựng phim, mặc dù những video còn chưa chỉnh chu về âm thanh, góc máy nhưng anh An vẫn luôn rất vui khi nhận được sự ủng hộ của mọi người, đặc biệt là các học trò cũ.

"Mình muốn gửi đến cho những người khuyết tật hay cả những người bình thường nên có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống này. Đôi khi chúng ta phải nhìn lên, nhìn ngang và nhìn xuống để mình biết mình phải cố gắng, sống tích cực và tử tế hơn mỗi ngày", đó là thông điệp mà thầy giáo tâm lý muốn gửi gắm với cộng đồng.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.