Vụ 19 ngôi nhà nứt toác bên sông Đà: Tiếp tục hút cát, hậu quả khôn lường

20/05/2024 08:29 GMT+7

Theo chính quyền sở tại, liên quan việc hút cát trên sông Đà (H.Ba Vì, Hà Nội), nếu không có biện pháp cứng rắn cũng như thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và hậu quả rất khôn lường, trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi.

Trao đổi với báo chí trong bối cảnh ở thôn Vân Hội (xã Phong Vân, H.Ba Vì) ghi nhận có 42 hộ dân bị ảnh hưởng như nứt tường bao, nhà, sân, trong đó 19 ngôi nhà nứt toác dài từ 2 - 13 m, một lãnh đạo UBND H.Ba Vì cho biết, thời gian vừa qua, tình hình khai thác cát trên sông Đà, đoạn giáp địa bàn thôn Vân Hội (xã Phong Vân) diễn ra rất phức tạp.

Nhà nứt toác khiến nhiều hộ dân ở thôn Vân Hội luôn sống trong lo sợ

Nhà nứt toác khiến nhiều hộ dân ở thôn Vân Hội luôn sống trong lo sợ

NGUYỄN TRƯỜNG

Do đó, vị lãnh đạo H.Ba Vì cho rằng, liên quan đến việc khai thác cát nếu không có "biện pháp cứng rắn" cũng như việc thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và có thể ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống, tính mạng của bà con nhân dân. Nhận định vụ việc này phức tạp và diễn biến hậu quả khôn lường nên huyện đã báo cáo Sở NN-PTNT và TP.Hà Nội.

Cạnh đó, H.Ba Vì cũng đã tuyên truyền đến người dân khi có thuyền bè đậu bên bờ sông Đà thì xua đuổi không cho đậu giáp bờ kè phục vụ việc khai thác cát của địa phương giáp với H.Ba Vì (tỉnh Phú Thọ - PV).

Nói về giải pháp lâu dài, vị lãnh đạo này cho biết, huyện rất mong các ngành và địa phương không thuộc địa phương của TP.Hà Nội vào cuộc phối hợp xác minh, thực hiện rà soát, kiểm tra cụ thể việc hút cát trên sông Đà có được cấp phép hay không?

"Vì theo phản ánh của bà con và công tác nắm tình hình thì bên địa phương giáp ranh với thành phố được cấp phép khai thác khoáng sản. Mặc dù phía bên này quản lý rất chặt chẽ nhưng việc cùng một con sông lại có 2 địa phương giáp ranh khiến việc quản lý rất bất cập. Để giải quyết dứt điểm cần sự phối hợp đồng bộ, song song, đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an để kiểm tra, xử lý việc hút cát.

Nếu không, cứ để xảy ra như vậy thì hậu quả rất khôn lường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khi cát càng sâu xuống, nước càng giảm xuống, việc sạt lở là đương nhiên", vị lãnh đạo H.Ba Vì bày tỏ.

Tàu thuyền neo đậu dày đặc trên sông Đà, mạn giáp bờ đê hữu Hồng, thuộc địa phận xã Phong Vân

Tàu thuyền neo đậu dày đặc trên sông Đà, mạn giáp bờ đê hữu Hồng, thuộc địa phận xã Phong Vân

KHẮC HIẾU

Như Thanh Niên đã phản ánh, nhiều tháng qua, hàng chục hộ dân ở thôn Vân Hội sống trong lo sợ trong chính ngôi nhà của mình vì tường bao, sân, nhà nứt toác.

Theo chính quyền sở tại, thời gian vừa qua, tình trạng hút cát diễn ra công khai, tấp nập; hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.

Hoạt động hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt trượt 900 m chân kè và làm nứt đường đỉnh kè; đồng thời khiến tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị nứt vỡ.

Người dân địa phương cho biết, khi đêm xuống, trên đoạn sông Đà này như một thành phố, tấp nập tàu thuyền bật đèn sáng choang. Nhiều người lo sợ, nếu tàu cát tiếp tục hút với số lượng lớn thì nhà dân sẽ sạt lở xuống sông Đà nên đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa nhận được giải pháp thiết thực, hiệu quả từ chính quyền sở tại.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Kinh tế H.Ba Vì, nguy cơ sạt lở một số nhà dân ở thôn Vân Hội rất cao. Trước mắt, chính quyền sở tại đã cắm biển cảnh báo, lên phương án bảo vệ với phương châm "4 tại chỗ" vì mùa mưa đang đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.