Xóa viết văn 'đồng phục'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/12/2023 07:09 GMT+7

"Nhà em có nuôi nhiều con vật nhưng em thích nhất là con chó"; "Trong chuyến du lịch hè vừa qua, ba em đã mua tặng em một chú mèo". Những chú chó, chú mèo xuất hiện trong các bài "tập làm văn đồng phục" của học sinh tiểu học khiến không ít người băn khoăn.

Nhiều giáo viên (GV) bằng những cách khác nhau đã giúp học sinh (HS) thoát khỏi cách viết văn rập khuôn, "đồng phục" ngay từ cấp tiểu học.

CẦN TIN VÀO NĂNG LỰC HỌC SINH

Chị Nguyễn Mộng Tuyền, Giám đốc điều hành Học viện Ngôn từ, cho biết hiện tượng HS làm bài theo mẫu, ở cả bậc tiểu học, THCS hay THPT đã có từ lâu. Vì áp lực điểm số, áp lực về chất lượng, về thời gian... một số GV phải sử dụng giải pháp tức thời như cho sẵn đề cương, để HS học thuộc và chép lại. Dần dần, theo thời gian, điều này hình thành nên thói quen ỷ lại và tự ti, khiến HS bị thui chột tư duy sáng tạo và không dám thể hiện suy nghĩ cá nhân.

Tuy nhiên, theo chị Mộng Tuyền, đó chỉ là một số hiện tượng. Chị vẫn nhìn thấy nhiều thầy cô giáo và những người làm giáo dục chân chính đang cố gắng từng ngày, tâm huyết với câu chuyện phát triển tư duy ngôn ngữ cho người trẻ để dạy học một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất.

Xóa viết văn 'đồng phục' - Ảnh 1.

Tiết học tiếng Việt vui nhộn tại một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM

HUYỀN TRÂN

Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, quản lý thư viện "Ô cửa sách", cho rằng thời gian qua ngành giáo dục đã có một cuộc chuyển mình khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo hướng phát triển năng lực của HS. Môn tiếng Việt - ngữ văn giờ đây được đưa về đúng bản chất là để phát triển năng lực đọc - viết - nói - nghe của các em. Do đó trên lý thuyết, việc học văn mẫu là vô nghĩa. Song vẫn còn hiện tượng HS dùng văn mẫu, có những bài viết rập khuôn.

Theo thạc sĩ Tâm, vấn đề nói trên có thể từ một số lý do như GV không đủ tin vào năng lực của HS, không đủ tin rằng khi dạy đúng chương trình thì HS sẽ tự làm bài của riêng mình được. Hoặc có thể GV bị áp lực HS điểm cao nên buộc phải cho học văn mẫu. Hay lý do từ phía phụ huynh, cha mẹ quá coi trọng việc con phải đạt điểm cao nên nhắm mắt trước cách học sai này.

GV, phụ huynh có thể thay đổi từ việc nhỏ như tạo cơ hội cho HS tự do biểu đạt, lắng nghe và xem mỗi điều học trò phát biểu là một "bài văn nói" nhỏ, chấp nhận những ý kiến khác biệt. Tiếp theo, hãy cho học trò viết tự do nhiều hơn.

Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, quản lý thư viện "Ô cửa sách"

Chị Thanh Tâm cho rằng muốn khắc phục tình trạng học theo văn mẫu thì GV cần tin vào khả năng của HS, tôn trọng cá tính sáng tạo của HS. Cần tiếp tục thay đổi tiêu chí đánh giá để cởi bỏ áp lực điểm số lên GV và cần truyền thông đến phụ huynh.

"GV, phụ huynh có thể thay đổi từ việc nhỏ như tạo cơ hội cho HS tự do biểu đạt, lắng nghe và xem mỗi điều học trò phát biểu là một "bài văn nói" nhỏ, chấp nhận những ý kiến khác biệt. Tiếp theo, hãy cho học trò viết tự do nhiều hơn. Có thể chấp nhận việc viết không liên quan gì đến trả bài", thạc sĩ Thanh Tâm góp ý.

TRÂN TRỌNG NHỮNG BÀI VĂN CHÂN THẬT

Cô Phạm Hoàng Uyên, GV Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, còn nhớ mãi bài văn của một học trò lớp 3 có câu: "Cô giáo con rất hiền, mỗi lần con làm gì sai cô đều nói "thôi không sao đâu, cô bỏ qua. Con nhớ phải rút kinh nghiệm, sau này đừng lặp lại lỗi như hôm nay nữa nhé"". Với cô Uyên, những con chữ dù đơn giản nhưng gây xúc động, bởi học trò đã viết văn từ thực tế, bạn nhỏ này đã luôn nhớ câu mà cô thường nói khi gặp HS mắc lỗi.

Khi dạy học trò viết văn, đầu tiên cô Uyên cho các trò lập sơ đồ cây để hình dung bố cục các phần. Trước khi viết, HS cũng được thực hành trao đổi, thảo luận nhóm. Cô giáo chủ nhiệm lớp 3 luôn trân trọng những bài văn chân thật, câu từ giản dị nhưng vẫn chứa đựng nhiều tâm tư tình cảm của HS.

Còn thầy Hoàng Gia Hưng, GV Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM, cho biết khi HS lên lớp 4, 5 các yêu cầu đọc, viết nhiều hơn. Trong lớp của thầy Hưng, tới giờ tập làm văn, HS được chia nhóm thảo luận. Các bạn nhỏ được học hỏi từ người bạn của mình những cách viết hay, những câu văn lạ, cách liên tưởng thú vị. Đồng thời mỗi lần chấm bài, bắt gặp bài văn nào hay, thầy Hưng đều lưu lại để về sau, đọc cho cả lớp nghe.

Thầy Hưng cho biết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho HS được viết theo năng lực người học. Các em được viết theo chủ đề. Ví dụ trong đề tài bảo vệ môi trường, HS lớp 5 có thể chọn chủ đề hành động bảo vệ môi trường như phong trào trồng cây xanh trong cộng đồng hoặc có thể chọn viết về nạn phá rừng, đánh cá bằng điện, bằng mìn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Với cách viết theo năng lực người học, chương trình mới khuyến khích những bài văn sáng tạo, không phải mở bài, kết bài máy móc. Đồng thời, giáo viên cũng phải linh hoạt, sáng tạo trong chấm điểm, để từ đó phát huy khả năng sáng tạo của HS.

Xóa viết văn 'đồng phục' - Ảnh 3.

Học sinh được chia nhóm, tương tác, thảo luận trong giờ tiếng Việt tại một trường tiểu học tại TP.HCM

HUYỂN TRÂN

CHA MẸ KHÔNG ĐỨNG NGOÀI CUỘC

Thầy Hoàng Gia Hưng cho rằng gia đình - cha mẹ không đứng ngoài cuộc trong hành trình giúp HS viết văn chân thật, nói không với văn mẫu. Ví dụ như kỹ năng đọc tốt. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể cùng con đọc sách, luyện cho con kỹ năng đọc. Khi đọc sách nhiều, các HS được tăng thêm khả năng cảm thụ, vốn từ ngữ, khả năng diễn đạt phát triển…

Còn chị Mộng Tuyền nhận định để xóa dần những kiểu viết văn rập khuôn, người lớn nên tập trung vào việc kích hoạt tư duy ngôn ngữ cho trẻ. Bởi để viết tốt thì trước tiên HS phải muốn viết. Các em cần những đề tài kích thích sự sáng tạo, khiến các em trăn trở, suy nghĩ về nó. HS càng suy nghĩ đủ sâu, các em có cảm xúc và mong muốn bộc lộ cảm xúc. Khi ấy, các em cần vốn ngôn từ đủ phong phú để có thể diễn đạt trọn vẹn ý tưởng trong đầu mình.

"Để có vốn từ thì ngay từ nhỏ, trẻ em cần được đọc nhiều, được trao đổi, trò chuyện, tranh luận, phản biện nhiều. Điều này thì trẻ 5, 6 tuổi đã có thể làm được với sự hỗ trợ của ba mẹ", chị Mộng Tuyền gợi ý.

Xóa viết văn 'đồng phục' - Ảnh 4.

Môn tiếng Việt - ngữ văn giờ đây được đưa về đúng bản chất là để phát triển năng lực đọc - viết - nói - nghe của các em

HUYỀN TRÂN

Đồng thời, theo chị Mộng Tuyền, HS nên tham gia những nhóm đọc sách, các CLB như nói trước công chúng, CLB phản biện, CLB sáng tác hoặc tham gia nhiều cuộc thi. "Cần nói không với việc đến các lớp học thêm và mang nguyên mẫu bài văn của GV để học thuộc và chép. Theo thời gian, các em nên cố gắng rèn luyện ngay chính trong quá trình viết lách của riêng mình. Tự đặt ra những chủ đề để viết, viết mỗi ngày, áp dụng những cách dùng từ thú vị mà mình đã đọc trong sách, tìm những cách diễn đạt đặc biệt mang dấu ấn cá nhân... từ đó, mỗi em sẽ ý thức hơn về việc học văn - tiếng Việt và phát triển nó mỗi ngày", chị Mộng Tuyền trao đổi. 

Giáo viên nương theo sự sáng tạo của học trò

Cô Phùng Lê Diệu Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Đức, Q.8, TP.HCM, cho biết với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì bài tập làm văn của HS không bị gò bó, rập khuôn mà để trẻ được phát huy tư duy, bài văn có thể mở hơn theo nhiều hướng, miễn đảm bảo bố cục, chủ đề. GV nương theo HS khi chấm bài, để phát huy những bài văn có sự sáng tạo.

Để HS được tăng cường thêm khả năng tư duy, ngôn từ, nhà trường khuyến khích các em tham gia hoạt động trải nghiệm để trẻ có cái nhìn thực tiễn trong xã hội, cuộc sống, từ đó lời văn phong phú hơn. Tại Trường tiểu học Hồng Đức, trẻ em có các ngày hội đọc sách, chương trình kể chuyện mỗi thứ hai hằng tuần với những câu chuyện ý nghĩa, câu chuyện đẹp học đường ở các tỉnh thành cũng giúp các em thêm nhiều kỹ năng để viết tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.