25 năm nhặt đá làm đàn

31/08/2008 14:03 GMT+7

Hai anh em ruột Nguyễn Chí Trung (55 tuổi) và Nguyễn Đức Lộc (50 tuổi) đã chế tác cây đàn đá 100 thanh độc đáo, có thể chơi cả nhạc dân tộc và nhạc quốc tế...

Chúng tôi gặp hai anh em vào một buổi sáng Sài Gòn còn sũng hơi mưa. Cả gia đình hơn 10 người sống trong ngôi đình nhỏ thờ Đức thánh Trần, khuất trong hẻm nhỏ ở đường Đỗ Quang Đẩu, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. "Ngôi nhà" đã có cách đây 89 năm, mái ngói hư phải lợp tôn.

Lâu lâu nước mưa còn nhỏ giọt xuống một miếng đá đặt sẵn dưới bệ thờ. Anh Trung giới thiệu: "Đây là miếng đá của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc còn sống đã gửi đến chúng tôi, với lời nhắn hãy gắng sức cải tiến đàn đá dân tộc để giữ gìn âm nhạc của dân mình...". 

Khi được hỏi sao nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại biết đến các anh để gửi gắm, hai anh cho biết cuối năm 1981, khi anh Trung báo cáo việc cải tiến thành công cây sáo 16 lỗ và 18 lỗ tại Viện Nghiên cứu âm nhạc TP.HCM, các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Tô Vũ đã có mặt và đều hoan nghênh công trình này. Không lâu sau, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước,

Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng khoa học về đàn đá, thành viên Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO, đã nhờ nhạc sĩ Phan Chí Thanh gửi đến Trung và Lộc một phiến đá nặng 6 kg kèm theo lời dặn chân tình: "Các anh đã thành công trong việc cải tiến cây sáo trúc 16 lỗ. Nay tôi rất kỳ vọng ở các anh. Hãy làm sao cải tiến cây đàn đá Việt Nam để có thể hòa âm cả nhạc dân tộc và nhạc phương Tây". Vậy là phiến đá được đưa về đây và là miếng đá đầu tiên khởi sự cho 25 năm dài nghiên cứu để hoàn thành bộ đàn đá 100 thanh như hiện nay.

Bộ đàn đá nằm sẵn trong đền thờ, gồm 2 cây, mỗi cây có 50 thanh.

Từ 1981 - 2008, hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Chí Trung (thổi sáo trúc) và Nguyễn Đức Lộc (biểu diễn đàn T'rưng) đã cải tiến thành công 6 nhạc cụ dân tộc: Bộ đàn đá 100 thanh (Lithophone) - 4 Octave, cây sáo 16 và 18 lỗ bấm, đàn T'rưng tre (Bamboo Xylophone) - 5 Octave, đàn Ching Kram (Bamboo Marimba) - 3 Octave, đàn Ang K'lung có chuyển hợp âm

(Modulation) - 3 Octave, đàn gáo song thanh (notes à l'unisson) phát âm cùng một lúc (intervalle harmonique).

Một cây có hình chim Lạc, một cây có hình thuyền Rồng. Hai anh mỗi người đứng trước một cây đàn để cùng hợp tấu hai bài nhạc, một bài dân ca quan họ Bắc Ninh, một bài nhạc phương Tây: Le jour le plus long... Tiếng

đàn vang lên lọt ra ngoài cổng đền, khiến mấy người đi ngang qua dừng lại lắng nghe, thích thú. Say sưa với tiếng đàn, hai anh em nghệ sĩ này tiếp tục đàn thêm một số bản nhạc khác, vừa nhạc Việt, vừa nhạc Tây như Suối mơ (Văn Cao), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn) và Domino, Sérénata...

Ngừng tay đánh đàn, hai anh cho biết công việc cải tiến cây đàn đá 100 thanh bắt đầu từ năm 1981 đến 2004 mới hoàn tất: "Đàn này kết hợp hệ thống ngũ cung gamme pentatonique trong phong cách đàn nhạc truyền thống Việt Nam với hệ thống thất cung gamme tempérée của phương Tây. Vì vậy có thể đánh được những bài nhạc của dân tộc Tây Nguyên lẫn hòa âm nhạc cổ điển của các nhạc sĩ Pháp, Mỹ, Đức...".

Trong công việc chế tác trên, đá chọn để chế đàn là loại bình thường như hoa cương hoặc cẩm thạch, khác hẳn với loại dùng riêng cho đàn đá xưa nay. Lý do là hai nghệ sĩ này muốn lớp hậu sinh không phải vất vả tìm các loại đá hiếm có. Để thử nghiệm, các anh đã đến các mỏ đá, xưởng điêu khắc, các công trình kiến trúc công cộng ở khắp nơi để tìm cho ra các loại đá thông dụng.

Tuy nhiên với các loại đá như thế, khi gõ lên thường chúng bị "câm", chứ không âm vang như các loại đá chuyên dụng. Vì thế, hai anh phải bỏ công nghiên cứu nhiều năm để tìm ra cách thức làm sao cho các phiến đá phải cất lên âm thanh, tiếng nhạc.

"Chúng tôi thấy người xưa thường đào hố và lót rơm để kê những thanh đá lên trên, tạo sự cộng hưởng cho đàn đá. Vì thế chúng tôi nghĩ đến cách tìm ra một vật liệu nào đó, một cách thiết kế nào đó gắn liền với đá để tạo âm thanh". Từ đó hai anh đã thử đặt ống nhựa polymer hình tròn và rộng vào phía dưới các phiến đá. Và họ vui mừng nhận thấy kết quả của sự cộng hưởng giữa đá thiên nhiên và ống nhựa công nghiệp đưa đến thay đổi cao độ, trường độ nốt nhạc khi gõ vào mặt phiến đá. Ống nhựa rỗng chứa bầu hơi trong ruột đã tiếp nhận âm hưởng từ phiến đá đưa vào, rồi phát ra... âm nhạc. Với phát hiện này, hai anh tiếp tục đi khắp nơi tìm những phiến đá thích hợp với kích cỡ cho phép, đem về "kết đôi" với những ống polymer "có tâm hồn" để cùng hòa âm các bản nhạc trong và ngoài nước. Cuối cùng bộ đàn đá đã ra mắt công chúng trong một buổi biểu diễn của hai anh vào dịp Giáng sinh năm ngoái. Nhưng rồi sau những lời tán dương và những tràng vỗ tay, hai anh lại âm thầm trở về "mái nhà xưa"...

Có thể nói, đây là bộ đàn đá 100 thanh độc đáo nhất hiện nay, thậm chí  có thể là cây đàn mang kỷ lục Việt Nam. Kỷ lục đầu tiên thuộc về ý chí của hai anh em nghệ sĩ khi hoàn thành công trình. Vì suốt hơn hai thập niên qua, họ đã gắng sức làm việc bằng kinh phí tự túc, dù còn rất nghèo. Mặc dù được các vị giáo sư nhạc sĩ nổi tiếng khuyến khích và theo dõi công trình, họ không được ai ủng hộ về mặt kinh phí, kể cả Viện m nhạc.

Số tiền 10 triệu đồng mà vợ anh Trung mượn của Hội Phụ nữ Q.1 (năm 2002) để giúp chồng làm nghệ thuật cho tới nay vẫn chưa trả được. Cả hai anh em chỉ làm "nghệ thuật ròng". Số tiền hiếm hoi kiếm được trong các cuộc biểu diễn nhạc cụ dân tộc chỉ đủ chi tiêu cơm gạo trong gia đình họ. Khi tiễn chúng tôi ra về, mặc dù đang buổi trưa, song hai anh lại tình cờ hòa tấu bài Chiều tà (F.Swchubert), nghe buồn buồn như chính cuộc đời đã về chiều của họ.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.