5 điều mà tất cả những studio mới thành lập cần biết

13/10/2014 08:00 GMT+7

Tuy có vẻ hấp dẫn nhưng nếu không chuẩn bị kỹ càng trước khi “lâm trận”, bạn có thể kết thúc dự án của mình với sự thất bại bẽ bàng, bị kiệt sức mà không đem lại kết quả nào...

Có nhiều nguyên nhân để bắt tay vào làm một dự án phát triển game. Những dự án nhỏ thông thường sẽ bắt đầu bằng đam mê hay sở thích cá nhân, nhưng dù gì đi nữa thì chúng vẫn phải đem lại kết quả đáng ghi nhận. Có thể cuối cùng bạn sẽ tìm ra được một ý tưởng hay ho mà bạn nghĩ rằng có thể làm việc toàn thời gian để phát triển nó, hoặc kiếm thêm thu nhập để phụ vào dự án lớn đang phát triển của mình. Tuy có vẻ hấp dẫn nhưng nếu không chuẩn bị kỹ càng trước khi “lâm trận”, bạn có thể kết thúc dự án của mình với sự thất bại bẽ bàng, bị kiệt sức mà không đem lại kết quả nào, thậm chí còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tài chính.

1. Hãy học cách sử dụng hợp đồng

5 điều mà tất cả những studio mới thành lập cần biết

Lập trình viên, họa sĩ hay các writer đều sẽ cần đến nhau trong quá trình phát triển bất cứ một trò chơi nào. Xét trên quan điểm kinh doanh thì lợi ích của một bản hợp đồng khá là rõ ràng. Chúng ta sẽ được đảm bảo mức thù lao nhận được xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra, đặc biệt khi bạn không sử dụng những website như eLance hay Fiverr, nơi có những điều khoản bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên. Điều này luôn đúng trong cả hai trường hợp khi bạn thuê người làm cho dự án của mình hay làm thuê cho dự án của người khác.

Hợp đồng là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi bạn thuê một họa sĩ hay writer để cùng phát triển dự án game của mình. Nếu cần có bản vẽ thiết kế hay content, hãy ký hợp đồng khoán việc độc lập với bất cứ người nào mà bạn dự định thuê. Nếu không làm vậy, bản quyền của tất cả những nội dung lẫn bản vẽ đó vẫn sẽ thuộc về người sáng tạo ra chúng và bạn sẽ không có bất kỳ quyền sử dụng hợp pháp nào. Việc thanh toán thông qua Paypal cũng không giúp bạn có được bản quyền hợp pháp trong trường hợp không có hợp đồng. Khi đó, chính những freelancer đang làm việc cho bạn mới là người sở hữu tất cả những hình ảnh, nội dung v.v. trong game, và khi có tranh chấp xảy ra thì người chịu thiệt có thể sẽ chính là bạn.

2. Thành lập pháp nhân

5 điều mà tất cả những studio mới thành lập cần biết

Điều này không chỉ đơn thuần giúp business card của bạn trông chuyên nghiệp hơn mà còn là “cứu cánh” trong một số trường hợp. Nên nhớ rằng nếu bạn chưa thành lập một pháp nhân trách nhiệm hữu hạn, mọi trách nhiệm cho dự ấn thất bại sẽ được tính trên chính tài sản cá nhân của bạn. Điều này càng quan trọng hơn khi mà trong những điều khoản của Kickstarter có điều khoản cho phép nhà đầu tư (backers) khởi kiện nếu như dự án của bạn thất bại.

Một hợp đồng tốt nhất là khi bao quát được mọi trường hợp xảy ra, nhưng đôi khi mọi chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát cũng như dự đoán của chúng ta, người ta có thể cố gắng moi móc ra những lý do “trời ơi đất hỡi” để đi kiện bạn. Doanh nghiệp của mình bị kiện tụng thì cũng chẳng vui vẻ gì, nhưng dù sao vẫn còn hơn là phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân của bạn.

Luật pháp tại các quốc gia khác nhau sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đa số đều tạo điều kiện thông thoáng cho công dân của mình khởi nghiệp. Hãy tìm hiểu thêm về những quy định, yêu cầu của việc thành lập pháp nhân và tự thành lập một công ty của riêng mình.

3. Phân chia cái bánh

5 điều mà tất cả những studio mới thành lập cần biết

Khi thành lập công ty chung với bạn bè, đôi khi chúng ta sẽ có ý nghĩ chia đều tất cả mọi thứ, đặc biệt là trước khi công ty chưa ăn nên làm ra. Nhưng đa phần những rắc rối sau này đều bắt nguồn từ việc phân chia không rõ ràng đó. Hiếm có khi  nào có nhiều hơn 2 cá nhân (hoặc thậm chí chỉ có 2 cá nhân) lại đầu tư bằng nhau vào một dự án và hưởng lợi bằng nhau từ thành công của dự án đó. Chắc chắn sẽ có tranh chấp xảy ra nếu ngay từ đầu các bạn đã có ý nghĩ chia đều cái bánh như vậy. Hãy thẳng thắn tranh luận với nhau về việc phân chia vốn và tài sản trong công ty ngay từ lúc bắt đầu, như thế thì mới tránh được các vấn đề xảy ra khi lợi nhuận ngày càng nhiều sau này.

Bắt đầu kinh doanh bằng một dự án game là tốt nhất khi ở giai đoạn bạn và người bạn của mình có một ý tưởng tuyệt vời và tìm kiếm người khác để cùng thực hiện nó. Nói chung, coreteam – những người trụ cột trong nhóm, và những người đã ở lại trong nhóm lâu nhất sẽ nắm được phần lớn công ty. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải xem xét ai là người đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và thu nhập nhất chỉ vì đã làm việc cùng với bạn hoặc nhóm của bạn. Những lập trình viên giỏi có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ đã chọn hợp tác với bạn trong dự án này, do đó, hãy đền bù cho họ một cách xứng đáng. Nếu họ là người đồng sáng lập với bạn thì hãy thể hiện lòng biết ơn bằng cổ phần trong công ty. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư cũng nên được sở hữu lượng cổ phần đáng kể.

Để không gặp rắc rối khi dự án của bạn đến hồi thu lợi nhuận, hãy chắc chắn rằng bạn có một thỏa thuận cổ đông (shareholders’ agreement) hợp lý, nhất là khi có nhiều người đồng sáng lập ra công ty.

4. Hãy bảo vệ cái tên của bạn

5 điều mà tất cả những studio mới thành lập cần biết

Việc tạo dựng thương hiệu cho game và công ty của bạn là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi khá nhiều thời gian công sức nếu bạn đang điều hành một dự án hay một nhóm nhỏ đang đợi được đầu tư trên Kickstarter.

Đôi khi việc đăng ký tên công ty hoặc thương hiệu của bạn mất hàng tháng liền, đặc biệt nếu bạn đang sinh sống ở một quốc gia như Malaysia: nước này không cho phép đặt trùng tên công ty ngay cả với những công ty khác ngành. Đã có trường hợp một công ty ở Malaysia bị buộc phải đổi tên từ “Team Sprocket” thành “Sprocketpunk” chỉ vì đã có một nhà sản xuất xe đạp nước này sử dụng chữ “sprocket” từ những năm 1970.

5. Tham khảo ý kiến của luật sư

5 điều mà tất cả những studio mới thành lập cần biết

Luật sư bị cho là một công việc giả dối, khi vừa có thể  bào chữa cho những kẻ lớn mạnh nhưng tham lam lại vừa có thể bảo vệ cho những người “thấp cổ bé họng” bị lừa gạt. Cách đây 3 thập niên, vào năm 1984, Nitendo còn là một công ty nhỏ so với Universal Studios và vừa mới gặt hái được thành công đầu tiên ở thị trường Bắc Mỹ với game Donkey kong phát hành năm 1981. Nintendo bị Universal đe dọa khởi kiện ra tòa với cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền do sử dụng hình ảnh King Kong nổi tiếng của hãng này. Tuy nhiên Nintendo đã không lùi bước và cuối cùng chiến thắng vụ kiện này, phía Universal phải bồi thường cho Nintendo số tiền gần 2 triệu đô la.

Tất cả những lưu ý trên đây, thực tình mà nói đều khá là phiền phức. Nhưng nếu chưa sẵn sàng đón nhận tất cả những rắc rối đó, hãy cân nhắc lại xem liệu phát triển game có phải là điều mà bạn thật sự muốn làm hay không. Suy cho cùng thì chúng chỉ là những việc vặt nếu so sánh với công việc thực tế của bạn khi “lăn lộn” trong ngành công nghiệp game đang phát triển như vũ bão từng ngày, và chúng đảm bảo cho ý tưởng cũng như công trình của bạn được an toàn trong tương lai. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.