ASEAN đoàn kết, tự cường

24/04/2024 06:07 GMT+7

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề 'Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm' khai mạc sáng 23.4 tại Hà Nội. Sự kiện quan trọng được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thu hút gần 500 đại biểu cấp cao đến từ các nước ASEAN và đối tác.

Hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự quan tâm của các đối tác và tổ chức quốc tế với sáng kiến mới này của VN trong nỗ lực tiếp tục góp phần định hình tương lai chung của ASEAN.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng cạnh tranh, phân tách gay gắt giữa các khu vực và xu hướng phát triển bùng nổ của công nghệ cũng như kinh tế số, sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Theo Thủ tướng, ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt. Vai trò trung tâm của ASEAN được thừa nhận rộng rãi, nhưng có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả… đòi hỏi ASEAN càng cần phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện, nâng cao sự chủ động và khả năng thích ứng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác

TTXVN

"VN luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ VN đề xuất 5 tăng cường để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045. Trong đó, tăng cường đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Tăng cường tin cậy chiến lược trong ASEAN và trong quan hệ với các đối tác; tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển. Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hợp tác công tư…

Kinh tế số ASEAN có thể tăng gấp đôi

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone - nước Chủ tịch ASEAN 2024 đã đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp (DN) các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng DN ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số".

Theo Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nên cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các DN, khối tư nhân với chính phủ các nước và giữa các nước với nhau. Lào đang thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Dưới góc độ đối tác lớn, ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá ASEAN là khu vực đang phát triển mạnh, minh chứng sống động cho hội nhập và liên kết. Theo đại diện Google, kinh tế số của ASEAN có thể tăng gấp đôi hiện nay. ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, xây dựng các trung tâm dữ liệu, nhất là dữ liệu quốc gia. Đồng thời, đảm bảo môi trường pháp lý đủ mạnh, đảm bảo cho nhà đầu tư đạt được các mục tiêu đề ra…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham dự diễn đàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham dự diễn đàn

TTXVN

Còn theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, các nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng số có chất lượng cao...

Đại diện DN số tại VN, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee VN, cho biết nền kinh tế số VN dự kiến chạm mốc 45 tỉ USD vào năm 2025, nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử và du lịch trực tuyến. Cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác công tư, theo ông Trần Tuấn Anh, các DN và cơ quan nhà nước cần chung tay giải quyết những thách thức quan trọng như khả năng tiếp cận, kết nối và cải thiện mạng lưới logistics, cũng như xây dựng môi trường giao dịch an toàn.

3 đột phá để ASEAN thành hình mẫu

Đánh giá cao các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, là những động lực tăng trưởng mới cho phát triển nhanh, bền vững, vì tương lai thịnh vượng của ASEAN, khu vực và toàn cầu. Với Kế hoạch tổng thể số ASEAN 2025, ASEAN đã thống nhất cách tiếp cận tổng thể, chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - coi đây là một động lực then chốt để phát triển kinh tế bao trùm và bền vững.

Sự phát triển kinh tế số của ASEAN được thúc đẩy bởi 5 yếu tố thuận lợi, gồm: vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng; thị trường tiêu dùng lớn, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh; mạng lưới liên kết, hợp tác kinh tế rộng rãi; hệ sinh thái kinh tế số ASEAN đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, doanh thu kinh tế số năm 2023 của ASEAN ước đạt 100 tỉ USD, tăng 8 lần so với năm 2016; dự báo đạt trên 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số (DEFA) sẽ hoàn tất cuối năm 2025, nhiều khả năng là hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh VN mong muốn cộng đồng DN, nhà đầu tư ASEAN và các đối tác thúc đẩy 3 lĩnh vực ưu tiên, gồm phát triển ngành công nghệ thông tin, truyền thông; thúc đẩy số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị số, phát triển dữ liệu số. Đặc biệt là sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ của các đối tác khu vực, quốc tế về một Cộng đồng ASEAN số hóa trong tương lai không xa.

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ VN đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu. Trong đó, cần thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số; mạnh mẽ tự lực, tự cường, tự chủ; thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện. Đồng thời kêu gọi các DN, nhà đầu tư tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của ASEAN.

ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình

Trong bối cảnh khu vực ASEAN tiếp tục gặp vô số thách thức phát sinh từ bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế và tài chính ngày càng phức tạp, là Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đã xác định chủ đề của năm là "ASEAN: Tăng cường kết nối và tự cường". Mục tiêu nhằm xây dựng một ASEAN gắn kết và kiên cường hơn, thông qua việc thực hiện các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới sự phát triển nhanh chóng và bền vững của một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.

ASEAN đoàn kết, tự cường- Ảnh 3.

Hướng đến tương lai ASEAN, cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, đồng thời tăng cường sự gắn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Đồng thời, ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình bằng cách nhất quán duy trì các mục tiêu cơ bản là duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác nhằm củng cố Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và vai trò của ASEAN.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone

VN có tầm nhìn xa, trông rộng

VN có tầm nhìn xa, trông rộng về vấn đề này và việc tổ chức diễn đàn tập trung vào tương lai của ASEAN rất phù hợp với những gì ASEAN hiện đang theo đuổi trong việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Kế hoạch này đã được bắt đầu trong thời gian VN đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, với việc các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 vào tháng 11.2020.

ASEAN đoàn kết, tự cường- Ảnh 4.

Con người luôn có xu hướng tập trung quá mức vào những thách thức trước mắt của ngày hôm nay… Các chính phủ luôn ưu tiên tập trung vào những gì hiện đang cần và cấp bách. Nhưng một diễn đàn như thế này, một sáng kiến khởi xướng bởi thành viên của ASEAN sẽ rất hữu ích trong việc giúp ta có thể suy nghĩ thấu đáo về những gì phía trước và cần được đón đầu. ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xác định lại các diễn biến toàn cầu, tiến trình toàn cầu. Như vậy, ASEAN không chỉ hướng nội mà phải hướng ngoại. Tuy nhiên ASEAN cần tiếp tục phải củng cố nội khối ngay cả khi hướng ra bên ngoài.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

Đảm bảo nguồn lợi tăng trưởng công bằng cho các nước

Phát biểu chào mừng diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh diễn đàn hướng đến giải quyết những thách thức chung của khu vực, chẳng hạn như làm thế nào để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trước những thay đổi trong môi trường chiến lược, cách cân bằng những lợi ích đa dạng của các quốc gia thành viên, làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa giữa đổi mới và bảo tồn các giá trị cốt lõi của ASEAN…

"ASEAN phải cố gắng tạo ra một cộng đồng không chỉ thúc đẩy tiến bộ kinh tế mà còn bảo đảm nguồn lợi từ tăng trưởng được chia sẻ một cách công bằng giữa tất cả các dân tộc", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.