'Bánh mì lâu đời nhất thế giới' có niên đại 8.600 năm vừa được phát hiện

09/03/2024 09:30 GMT+7

Các nhà khảo cổ cho biết đã phát hiện ra chiếc bánh mì lâu đời nhất thế giới, tồn tại tới 8.600 năm.

Theo Trung tâm Ứng dụng, nghiên cứu khoa học và công nghệ của Đại học Necmettin Erbakan (BİTAM) ở Thổ Nhĩ Kỳ, một cấu trúc lò nướng bị phá hủy phần lớn đã được tìm thấy ở khu vực có tên "Mekan 66", nơi có những ngôi nhà gạch bùn liền kề, tại địa điểm khảo cổ Çatalhöyük ở tỉnh Konya phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Xung quanh lò nướng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy lúa mì, lúa mạch, hạt đậu và một phần cặn "xốp" hình tròn, cỡ lòng bàn tay, thông cáo báo chí hôm thứ tư (6.3) cho hay, theo CNN.

Các phân tích xác định chất cặn hữu cơ là bánh mì lên men, chưa nấu chín, 8.600 năm tuổi.

'Bánh mì lâu đời nhất thế giới' có niên đại 8.600 năm vừa được phát hiện- Ảnh 1.

Mẫu bánh mì lâu đời nhất thế giới phát hiện ở Thổ Nhì Kỳ

BİTAM

"Chúng tôi có thể nói rằng phát hiện này ở Çatalhöyük là chiếc bánh mì lâu đời nhất trên thế giới", nhà khảo cổ học Ali Umut Türkcan, Trưởng đoàn khai quật và là Phó giáo sư tại Đại học Anadolu ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói với hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency hôm 6.3.

"Nó là phiên bản nhỏ hơn của một ổ bánh mì, được ấn bằng ngón tay ở giữa, chưa nướng nhưng đã được lên men và tồn tại cho đến ngày nay với lượng tinh bột bên trong. Cho đến nay, chưa có trường hợp tương tự nào về những điều như thế này", ông nói thêm.

Nhà sinh vật học Salih Kavak, giảng viên tại Đại học Gaziantep ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy các khoảng không khí trong mẫu, cùng với các hạt tinh bột "đã loại bỏ những nghi ngờ của chúng tôi".

Ông nói thêm, việc phân tích các hóa chất chưa được phát hiện có trong thực vật và các dấu hiệu của quá trình lên men. Bột và nước đã được trộn vào, bánh mì đã được chuẩn bị sẵn bên cạnh lò nướng. Kavak nói: "Đây là một khám phá thú vị đối với Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới".

Theo Türkcan, chất hữu cơ - cả gỗ và bánh mì - được bảo quản bằng lớp đất sét mỏng bao phủ cấu trúc.

Çatalhöyük, di sản thế giới được UNESCO công nhận, là nơi sinh sống của khoảng 8.000 người trong thời kỳ Đồ đá mới, từ khoảng 10.000 đến 2.000 trước Công nguyên và là một trong những nơi đô thị hóa đầu tiên trên thế giới, theo BITAM.

'Bánh mì lâu đời nhất thế giới' có niên đại 8.600 năm vừa được phát hiện- Ảnh 2.

Khu khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ nơi phát hiện ổ bánh mì lâu đời nhất thế giới

BİTAM

Trang web của UNESCO đánh giá, nghiên cứu tại địa điểm được bảo tồn tốt đã tiết lộ cách bố trí nhà ở đặc biệt và các đặc điểm phong phú như tranh tường và phù điêu - khiến nơi đây được coi là "khu định cư quan trọng nhất của con người ghi lại cuộc sống nông nghiệp định cư sớm của một cộng đồng thời kỳ Đồ đá mới".

"Çatalhöyük đã là trung tâm của nhiều cái đầu tiên. Những sản phẩm dệt đầu tiên trên thế giới đã có ở Çatalhöyük khi nó được khai quật. Các đồ tạo tác bằng gỗ cũng có ở Çatalhöyük. Sơn tường và tranh vẽ đã được thêm vào. Konya và Thổ Nhĩ Kỳ rất may mắn về mặt này", Türkcan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.